17:00 | 17/05/2023

Năng lượng xanh cho doanh nghiệp, tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn

Ngày 17/5 tại Hà Nội, tiếp nối chuỗi sự kiện về điện mặt trời mái năm 2021 và 2022, dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và sự phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Tọa đàm năm 2023 với chủ đề: “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn”.
Năng lượng xanh cho doanh nghiệp, tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu tại Toạ đàm, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, phát triển và ứng dụng năng lượng xanh để tiến tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đối khí hậu đang là xu hướng của toàn cầu.

Ngay sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những động thái tích cực về mục tiêu giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các cam kết bằng việc xây dựng hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm thực hiện mục tiêu giảm phát thải.

Với ngành năng lượng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết Quy hoạch điện VIII được ban hành mới đây, cũng đã thống nhất chủ trương chiến lược phát triển cơ cấu nguồn điện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55 – NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản, tự tiêu.

Đặc biệt, Quy hoạch điện VIII nêu rõ, “điện mặt trời mái nhà được ưu tiên phát triển cho mô hình tự dùng nhằm phục vụ sản xuất, các doanh nghiệp cần không giới hạn công suất, với giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện có sẵn có, không phải nâng cấp lưới tải, nên cần ban hành chính sách đột phá để phát triển”.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ quốc gia xuất khẩu sang nhập khẩu tinh về năng lượng. Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó có đặt ra mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5% sản lượng điện sản xuất.

Sử dụng điện mặt trời mái nhà đang là yếu tố quan trọng hướng tới mục tiêu xanh hóa và giảm phát thải trong các ngành sản xuất. Tuy nhiên doanh nghiệp cần có hướng dẫn lắp đặt cụ thể cho mô hình tự dùng.

Xanh hóa trong sản xuất đã đặt ra cho các doanh nghiệp những bài toán, lộ trình thực hiện cụ thể nhằm phù hợp với xu thế phát triển chung của toàn cầu.

Năng lượng xanh cho doanh nghiệp, tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn

Tham gia vào mục tiêu sản xuất xanh bảo vệ môi trường, trong vài năm gần đây, các ngành sản xuất, xuất khẩu như may mặc của Việt Nam đã quan tâm, tăng cường sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khác là doanh nghiệp còn phải chứng minh về kế hoạch sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải và bảo vệ môi trường.

Trong đó sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà đang là lựa chọn nhanh và đơn giản nhất cho doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, lợi ích của việc sử dụng điện năng lượng mặt trời không chỉ giảm phát thải trong sản xuất mà còn giúp giảm chi phí tiền điện hàng tháng và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Thế nhưng tỉ lệ các doanh nghiệp sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất hiện vô cùng nhỏ. Đại đa số năng lượng tái tạo lắp đặt trong thời gian vừa qua là để bán điện trực tiếp cho EVN và sử dụng trong nhu cầu gia đình và một số ít cho khối văn phòng thương mại.

Theo các ngành hàng sản xuất, đối với những nhóm ngành sử dụng năng lượng cao như thủy hải sản, dệt sợi, linh kiện điện tử hay ngành công nghiệp phụ trợ, việc sử dụng điện mặt trời áp mái có thể giúp Doanh nghiệp tiết kiệm từ 10-30% chi phí điện. Hiện nay với giá điện tăng cao, doanh nghiệp rất muốn đầu tư hệ thống ĐMTMN để sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất, ngoài lợi ích về tiết kiệm chi phí, ĐMTMN còn giúp doanh nghiệp có lợi thế nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa tại các thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có hành lang pháp lý và các hướng dẫn rõ ràng về quy định lắp đặt ĐMTMN cho nhu cầu tự dùng. Do đó, những quy định liên quan về đấu nối với lưới điện hiện hữu (kể cả của EVN và của bên thứ 3 đầu tư hạ tầng lưới điện ở các KCN), phòng cháy chữa cháy, giấy phép xây dựng… cho mô hình này chưa rõ ràng, nên nhiều doanh nghiệp sản xuất chưa dám đầu tư lắp đặt.

Bên cạnh đó, hiện nay việc lắp điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp đang gặp nhiều vướng mắc bởi tiêu chí, cụ thể đối với doanh nghiệp tự lắp đặt phục vụ cho mục tiêu kinh doanh và sản xuất, từ đó Tọa đàm cũng đề xuất phương án tháo gỡ, tổng hợp những góp ý đề xuất từ phía Hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia góp phần thúc đẩy thị trường điện mặt trời mái nhà cho mô hình tự nguyện sử dụng được phát triển rộng khắp.

P.V

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/nang-luong-xanh-cho-doanh-nghiep-tinh-cap-thiet-va-van-de-dat-ra-trong-thuc-tien-10098.html

In bài viết