14:23 | 22/05/2023

Thanh Hoá: 62/82 cơ sở, khu vực đã được xử lý triệt để ô nhiễm

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh đã chủ trì đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Tiếp đón và làm việc với đoàn, về phía tỉnh Thanh Hóa có ông: Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Thanh Hoá: 62/82 cơ sở, khu vực đã được xử lý triệt để ô nhiễm

Ông Nguyễn Tuấn Anh Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì cuộc làm việc.

Đến nay, có 62/82 cơ sở, khu vực đã được xử lý triệt để ô nhiễm.

Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, công tác BVMT đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả và tạo hành lang pháp lý cho các thành phần kinh tế hoạt động. Công tác quản lý Nhà nước về BVMT được thực hiện đúng theo pháp luật; nhận thức về công tác BVMT của các cấp, các ngành và quần chúng Nhân dân được nâng lên; công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT tại các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh được thực hiện thường xuyên; xử lý kịp thời các điểm nóng về môi trường; nhiều dự án xử lý nước thải, rác thải, điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật... được đầu tư xây dựng.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 82 cơ sở nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bao gồm: 23 bệnh viện, 45 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV), 07 khu chứa và chôn lấp rác thải, 1 hồ trong đô thị, 01 khu vực ô nhiễm xăng dầu và 05 làng nghề. Đến nay, có 62/82 cơ sở, khu vực đã được xử lý triệt để ô nhiễm và rút khỏi danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; các dự án sau khi triển khai thực hiện đã được bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng đất vào các mục đích công ích, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Tại Khu kinh tế Nghi Sơn cũng như các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đã có 4 chủ đầu tư hạ tầng KCN xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung cho toàn bộ dự án hoặc theo từng modun (theo tỷ lệ lấp đầy KCN), bao gồm: Trạm xử lý nước thải công suất 1.300m3/ngày đêm tại KCN Lễ Môn; Nam Khu A - KCN Bỉm Sơn, công suất 1.500m3/ngày đêm; Bắc Khu A - KCN Bỉm Sơn, công suất 6.000m3/ngày đêm; Khu B - KCN Bỉm Sơn, công suất 490m3/ngày đêm.

Việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại và chất thải rắn y tế cũng được tỉnh, ngành, đơn vị chức năng quan tâm thực hiện hiệu quả. Qua thống kê, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh tính đến hết năm 2022 đạt 89%; tỷ lệ đốt 28,45%; tỷ lệ chôn lấp 69,77%; tái chế 41,78%. Trên địa bàn tỉnh hiện có 17 bãi chôn lấp rác thải và 26 khu xử lý rác thải bằng công nghệ đốt.

Đối với các điểm tồn lưu hóa chất BVTV còn lại, 27 điểm đã được điều tra, đánh giá đưa ra khỏi danh mục ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 5 điểm tồn lưu được đưa vào nhiệm vụ điều tra, đánh giá chi tiết và lập phương án xử lý, cải tạo phục hồi môi trường đất trên địa bàn tỉnh và đã được UBND tỉnh phê duyệt đề cương nhiệm vụ tại Quyết định số 1963/QĐ-UBND ngày 7.6.2022.

Dự kiến Khu xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn sẽ đi vào hoạt động trong quý III/2023 góp phần xử lý rác thải sinh hoạt cho một số địa phương trên địa bàn tỉnh…

Ngoài ra, công tác BVMT trong hoạt động khai thác khoáng sản được tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm ngăn chặn và chấn chỉnh kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, gây xói lở bờ sông, thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Trong năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập báo cáo thuyết minh dự án Khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và hiện đang hoàn thiện theo ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan để trình UBND tỉnh phê duyệt; Tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản đất làm gạch ngói và quặng photphorit trên địa bàn tỉnh; Kiểm tra công tác lắp trạm cân tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh; thực hiện 23 cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các thông tin phản ánh của báo, đài, người dân về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Tham mưu UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt theo thẩm quyền 16 vụ với tổng số tiền 2,619 tỷ đồng. Trong năm 2022, các đơn vị khai thác khoáng sản đã thực hiện việc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường với tổng số tiền là trên 25,66 tỷ đồng, đây là nguồn kinh phí cần thiết bảo đảm khôi phục môi trường sau khi kết thúc hoạt động khai thác.

Không đánh đổi ô nhiễm môi trường lấy tăng trường kinh tế

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực từ công tác tuyên tuyền đến việc kiểm soát ô nhiễm môi trường, quản lý chất thải và phế thải cũng như công tác xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường… Song, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Hiện nay lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều, việc xử lý rác thải sinh hoạt đang có nhiều hạn chế, hạ tầng xử lý rác thải sinh hoạt ở nhiều địa phương còn thiếu và chưa đồng bộ, nhiều bãi rác quá tải so với công suất thiết kế ban đầu, tiến độ thực hiện một số dự án xử lý rác thải chậm so với yêu cầu…

Quyết liệt, đồng bộ trong công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật. Năm 2022, các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 126 lượt thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, phản ánh, tố cáo. Qua kiểm tra, xác minh xử phạt vi phạm hành chính về môi trường đối với 19 doanh nghiệp và 1 cá nhân, với tổng số tiền xử phạt là 825,73 triệu đồng; đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các đơn vị vi phạm, trong đó có các biện pháp có tính răn đe cao như đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc dừng các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường…

Trên cơ sở nội dung báo cáo cũng như qua kiểm tra thực tế tại một số địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh, các thành viên trong Đoàn giám sát đã đề nghị tỉnh cung cấp và làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến việc rà soát, kiểm tra hoạt động của các mỏ khoáng sản gắn với BVMT; vấn đề ký quỹ BVMT; việc tăng cường kiểm soát môi trường làng nghề, các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT. Vấn đề xử lý rác thải, nước thải tập trung tại các KCN; quản lý các nguồn thải trong KCN theo quy định; việc sử dụng vật liệu nổ để khai thác khoáng sản…

Thay mặt tỉnh Thanh Hoá, phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang khẳng định, nhiều năm qua, việc thực hiện pháp luật BVMT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo, thực hiện theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương. Trong quá trình thực hiện, Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường, các mỏ khoáng sản tác động xấu đến môi trường; dành kinh phí đúng mức cho công tác BVMT.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, việc tác động và ảnh hưởng đến môi trường là không thể tránh khỏi, tuy nhiên, quan điểm của tỉnh Thanh Hóa là không đánh đổi ô nhiễm môi trường lấy tăng trường kinh tế, chính vì vậy tỉnh luôn đặt ra yêu cầu là vừa phát triển kinh tế, vừa BVMT.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh đánh giá cao quan điểm không đánh đổi ô nhiễm môi trường lấy tăng trưởng kinh tế và việc thực hiện pháp luật BVMT của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua và đưa ra những đề nghị cụ thể:

Thứ nhất, tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục quan tâm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ BVMT của các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản.

Thứ hai, tiếp tục quan tâm BVMT trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN; chỉ đạo xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước về BVMT tại các KCN; di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư.

Thứ ba, tỉnh Thanh Hóa rà soát lại việc cấp phép BVMT cho các mỏ khai thác khoáng sản; quan tâm thực hiện và bảo đảm việc truyền số liệu quan trắc trên nền tảng công nghệ thông tin để giám sát việc xả thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Trước đó, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã khảo sát thực tế công tác bảo vệ môi trường tại: Mỏ khai thác đá vôi làm VLXD thông thường tại xã Hà Sơn, huyện Hà Trung của Công ty TNHH MTV Tân Thành 2; Mỏ đá vôi xi măng Hoàng Mai của Công ty xi măng Nghi Sơn tại xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An; KCN Đình Hương Tây Bắc Ga. Đoàn cũng làm việc với Ban lãnh đạo Công ty xu măng Nghi Sơn, Ban Lãnh đạo Công ty Cổ phần môi trường Nghi Sơn và Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa về công tác BVMT.

Nguyễn Đại

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/thanh-hoa-6282-co-so-khu-vuc-da-duoc-xu-ly-triet-de-o-nhiem-10129.html

In bài viết