08:11 | 25/05/2023

Hậu Giang: Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường năm 2023

Xác định bảo vệ môi trường là mục tiêu cơ bản của phát triển bền vững, dưới sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh Hậu Giang, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhiều biện pháp tích cực để hoàn thành sớm Đề án Hậu Giang Xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Nhiều biện pháp tích cực để hoàn thành sớm Đề án Hậu Giang Xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Trong nhiều năm qua, Hậu Giang đã đưa các nội dung bảo vệ môi trường là nội dung trọng tâm thực hiện tại “Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025”; Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang thông qua Đề án Hậu Giang Xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình số 1735/CTr-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh hành động về bảo vệ môi trường tỉnh Hậu Giang 5 năm (2021 - 2025); Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 19 tháng 4 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Chương trình hành động về bảo vệ môi trường tỉnh Hậu Giang 5 năm (2021 - 2025).

Nhằm hướng tới nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, Hậu Giang đã chủ động thay đổi tư duy, cách làm, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường; kiểm soát ô nhiễm môi trường; quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải sản xuất nông nghiệp; nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và tiêu chí văn minh đô thị; cải thiện cảnh quan môi trường đô thị và nông thôn để hướng đến xây dựng Hậu Giang “xanh - sạch - đẹp”.

Với việc tập trung mọi nguồn lực để bảo vệ môi trường, tỉnh Hậu Giang đề ra nhiệm vụ phấn đấu đến hết giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện tốt các nội dung: tuyên truyền, nâng cao ý thức đến 100% hộ dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; 90% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; 50% hộ gia đình ở nội ô đô thị lớn (TP. Vị Thanh, TP. Ngã Bảy và TX. Long Mỹ) thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; 50% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở nông thôn được thu gom, xử lý tập trung hoặc tự xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; riêng đối với các xã nông thôn mới nâng cao đạt từ 95% trở lên; 100% hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thực hiện các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 50% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử lý đúng quy định; 100% tuyến đường xã, liên xã được trồng cây xanh; cải tạo cảnh quan môi trường trụ sở, cơ quan, trường học, công viên, nơi công cộng khác; hoàn thành cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường bãi rác Tân Tiến - thành phố Vị Thanh và bãi rác Long Mỹ - Thị xã Long Mỹ.

Để thực hiện được mục tiêu đó ngày 13 tháng 4 năm 2023, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch số 83/KH-UBND về việc triển khai thực hiện “Chương trình hành động về bảo vệ môi trường tỉnh Hậu Giang 5 năm (2021 - 2025)” trong năm 2023.

Nhiều nội dung cấp thiết cần phải thực hiện

Công tác đặc biệt trong Kế hoạch được đề cập đầu tiên là tiếp tục thực hiện tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Hậu Giang sẽ ưu tiên, tập trung các nguồn lực để tăng cường tuyên truyền, tập huấn đến từng huyện, xã, khu dân cư cũng như từng cá nhân về pháp luật bảo vệ môi trường; các giải pháp, mô hình hiệu quả trong bảo vệ môi trường.

Tiếp tục ban hành và triển khai thực hiện các văn bản pháp quy quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thuộc thẩm quyền của địa phương theo Quyết định số 1334/QĐ-UBND ngày 16 tháng 7 năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Danh mục Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chi tiết các luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động: Nâng cao công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường; tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tăng cường giám sát các dự án đã được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong quá trình khai thá; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ sở phát sinh nguồn ô nhiễm.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị chức năng tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường: nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá, xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; điều tra, đánh giá, quan trắc và đề xuất các giải pháp quản lý các vùng đất ngập nước quan trọng; phối hợp với các đơn vị thực hiện đề tài “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý các nguồn thải chính trên các tuyến sông, kênh chính tỉnh Hậu Giang”; triển khai thực hiện các dự án, nhiệm vụ: tiếp tục thực hiện Dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Vị Thanh; tiếp tục thực hiện Dự án xây dựng cơ sở hỏa táng cho đồng bào dân tộc Khmer tại xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang (đổi địa điểm thực hiện tại thành phố Vị Thanh); chuẩn bị đầu tư dự án phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang; triển khai thực hiện Đề án kiểm soát môi trường tại khu vực sản xuất than củi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; thực hiện phương án cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường bãi rác Tân Tiến sau khi phương án đóng cửa, cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường bãi rác được phê duyệt.

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án Hậu Giang Xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện trong năm 2023, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ: tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng (tập trung tuyên truyền đối tượng là hộ gia đình) về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, bảo vệ cảnh quan môi trường, trồng và chăm sóc cây xanh; tăng cường công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tiếp tục tăng cường công tác quản lý các hộ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản quy mô hộ gia đình; di dời các trường hợp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch; hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải thực hiện các biện pháp quản lý chất thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; tiếp tục triển khai thực hiện hoàn thành dự án đầu tư xe thu gom rác thải, thùng chứa rác thải, xây dựng bể chứa rác thải, trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường; thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn hộ gia đình thực hiện các biện pháp xử lý chất thải trong sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp; xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; tăng cường tổ chức thu gom, chuyển giao xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương thực hiện hoàn thành dự án Nhà máy điện rác Hậu Giang để sớm đi vào hoạt động.

Nghiêm túc trong tổ chức thực hiện

Để Chương trình hành động về bảo vệ môi trường tỉnh Hậu Giang trong năm 2023 thực hiện có hiệu quả và nghiêm túc, UBND tỉnh đã phê duyệt dự kiến kinh phí thực hiện Kế hoạch trong năm 2023 là 155.705.550.000 đồng (Một trăm năm mươi lăm tỷ bảy trăm lẻ năm triệu năm trăm năm mươi nghìn đồng). Trong đó bao gồm nguồn vốn thực hiện Đề án Hậu Giang Xanh đã giao trong năm 2023 (vốn đầu tư phát triển và nguồn vốn thường xuyên) là 10.578.000.000 đồng và nguồn vốn cân đối từ kinh phí thường xuyên đã giao trong năm 2023 cho các đơn vị là 1.009.000.000 đồng (thực hiện Đề án Hậu Giang Xanh). Ngân sách địa phương là 63.549.000.000 đồng và kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường là 3.348.000.000 đồng. Bên cạnh đó gồm cả nguồn vốn vay: 77.222.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh nghiêm túc trong triển khai nhiệm vụ, cụ thể:

Sở Tài nguyên và Môi trường là đầu mối tiếp tục đôn đốc các Sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể các cấp triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công; xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản pháp quy thi hành Luật Bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của địa phương theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án Hậu Giang Xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong năm 2023; triển khai thực hiện nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá, xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường của các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, chợ và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác, các hoạt động về nuôi nhốt, buôn bán động vật hoang dã; kiểm tra, rà soát các khu vực, cơ sở, điểm nóng về môi trường phát sinh để có kế hoạch, biện pháp xử lý kịp thời, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách về bảo vệ môi trường, trong đó tập trung rà soát, đánh giá khoanh vùng các nguồn thải lớn, tiềm ẩn rủi ro gây sự cố môi trường; triển khai thực hiện Chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; vận hành hiệu quả và khai thác dữ liệu các trạm quan trắc tự động; Phối hợp với các đơn vị thực hiện đề tài “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý các nguồn thải chính trên các tuyến sông, kênh chính tỉnh Hậu Giang”; hoàn thiện Đề án kiểm soát môi trường tại khu vực sản xuất than củi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện sau khi phê duyệt Đề án.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thu hút các dự án đầu tư ít nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch sử dụng đất, xây dựng của địa phương; không chấp thuận các dự án xin đầu tư mới nhưng công nghệ, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường…; đôn đốc chủ đầu tư thực hiện dự án Nhà máy điện rác Hậu Giang; cân đối đảm bảo vốn đầu tư công cho các dự án về bảo vệ môi trường theo kế hoạch vốn; tăng cường kêu gọi đầu tư, thúc đẩy xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là lĩnh vực thu gom, xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại và xử lý nước thải đô thị; trình UBND tỉnh ban hành quy định khuyến khích, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động xử lý chất thải, xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn; phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án Cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường bãi rác Tân Tiến sau khi phương án đóng cửa, cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường bãi rác được phê duyệt;

Sở Nội vụ phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện các chế độ chính sách và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức và tham mưu kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí nguồn lực làm công tác môi trường theo đúng quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị, ban ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, giảm phát thải chất thải và thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng vào bể chứa; chủ trì tổ chức, hướng dẫn người dân canh tác, nuôi trồng phù hợp quy hoạch, xử lý chất thải trong chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản theo đúng quy định;

Sở Khoa học và Công nghệ ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực môi trường trong đó tập trung nghiên cứu xử lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, rác thải nhựa, các sản phẩm nhựa dùng một lần, từ đó có hướng quản lý phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Hậu Giang; lựa chọn, chuyển giao khoa học, công nghệ mới có hiệu quả về xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến các sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố để tổ chức hướng dẫn, phát động triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh.

Sở Công Thương chủ trì tổ chức việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công thương; hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường đối với các tiểu thương tại các chợ trên địa bàn tỉnh.

Sở Xây dựng kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; phối hợp Ban Quản lý dự án công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, UBND thành phố Vị Thanh và các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Vị Thanh; phối hợp với UBND thành phố Ngã Bảy thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư Dự án phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang.

Sở Y tế tiếp tục tăng cường phổ biến các quy định của Nhà nước và của ngành y tế cho các cơ sở y tế về công tác bảo vệ môi trường và thu gom, xử lý chất thải y tế. Chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện đúng quy định về quản lý chất thải y tế, vận hành hệ thống xử lý chất thải (nước thải, lò đốt chất thải y tế) đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường; quản lý chặt chẽ việc thu gom, xử lý chất thải y tế của các cơ sở y tế theo đúng quy định của Bộ Y tế; chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan, UBND huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai các dự án nâng cấp, sửa chữa, xây mới công trình xử lý nước thải và chất thải rắn phát sinh trong lĩnh vực y tế; rà soát lại hiệu quả của việc lắp đặt và vận hành, xử lý các công trình xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh, báo cáo kịp thời Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Công an tỉnh tăng cường các biện pháp chỉ đạo, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường; phối hợp với các sở, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tiếp tục chỉ đạo Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Hậu Giang đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp tập trung thuộc trách nhiệm quản lý đảm bảo đúng quy định; hướng dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp tập trung thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong triển khai, thực hiện dự án đầu tư; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thu hút đầu tư, bố trí các dự án đầu tư vào khu/cụm công nghiệp đảm bảo đúng phân khu chức năng, loại hình sản xuất phù hợp theo quy hoạch, đảm bảo phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; không chấp thuận các dự án xin đầu tư mới nhưng công nghệ, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm được giao; thực hiện các hoạt động tuyên tuyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các đối tượng thuộc địa bàn quản lý, đồng thời phối hợp tổ chức tập huấn, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, triển khai các văn bản pháp luật về lao động, doanh nghiệp, môi trường đến các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung.

Sở Giao thông vận tải chủ trì hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và hoạt động giao thông vận tải.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan định hướng lồng ghép kiến thức thực tế về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học vào chương trình dạy học cho các cấp học sinh trong đó chú trọng đưa nội dung giáo dục về giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy; phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phối hợp về công tác bảo vệ môi trường giữa hai đơn vị nhằm nâng cao kỹ năng giáo dục bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.

Sở Tư pháp phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành để kịp thời đề nghị điều chỉnh, bổ sung, bãi bỏ hoặc đề xuất ban hành mới đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực môi trường theo quy định.

Sở Thông tin và Truyền thông Lồng ghép tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong công tác truyền thông về kinh tế - xã hội tỉnh năm 2023.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể các cấp trong tỉnh chủ trì phối hợp với các Sở, ban ngành tỉnh, cơ quan chức năng, các địa phương triển khai thực hiện tốt các Chương trình liên tịch về phối hợp hành động bảo vệ môi trường trong năm 2023; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và cộng đồng tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường trong sinh hoạt, sản xuất, bảo vệ cảnh quan môi trường; chấp hành tốt việc giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp, đồng thời phát huy vai trò trong việc giám sát thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Phối hợp thực hiện “Đề án Hậu Giang Xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Với quyết tâm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, cùng với sự quyết liệt vào cuộc của hệ thống chính trị, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong toàn tỉnh, Hậu Giang sẽ dần trở thành một điểm đến thu hút đầu tư, du lịch trong tương lai không xa qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế của vùng nói riêng và cả nước nói chung.

Phạm Kiên

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/hau-giang-quyet-liet-thuc-hien-cac-nhiem-vu-bao-ve-moi-truong-nam-2023-10166.html

In bài viết