09:07 | 14/06/2019

Đổi mới tư duy tiếp cận trong ứng phó với BĐKH tại ĐBSCL

Sau 2 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 120/CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu được đánh giá là bước đột phá về đổi mới tư duy tiếp cận trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Đổi mới tư duy tiếp cận trong ứng phó với BĐKH tại ĐBSCL

Cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL dần thay đổi theo hướng tăng thủy sản, giảm lúa


Ngày 18/6, tại TPHCM, Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 120, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững ĐBSCL đã đạt được một số kết quả quan trọng, một số cơ chế chính sách đã được rà soát, bổ sung; quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ĐBSCL đang được khẩn trương xây dựng.
Tăng trưởng GDP của vùng ĐBSCL đạt mức ấn tượng là 7,8% cao nhất trong 4 năm trở lại đây (bình quân cả nước là 7,1%). Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng lần đầu tiên đạt 15,7 tỷ USD. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế đạt được một số kết quả tích cực, nhất là trong nông nghiệp. An sinh xã hội được quan tâm, việc làm được cải thiện, sinh kế của người dân từng bước được chuyển đổi theo hướng bền vững. Hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư, xây dựng, tăng cường kết nối liên vùng, nhất là hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, các cụm tuyến dân cư vượt lũ. Đầu tư của Nhà nước và xã hội cho phát triển vùng tăng mạnh.
Hoàn thiện cơ chế chính sách, triển khai kết nối liên vùng
Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 2 năm qua, hệ thống cơ chế, chính sách đã từng bước được hoàn thiện, bổ sung tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp, hạ tầng giao thông, phát triển đô thị ổn định dân cư, lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiều đề án, quy hoạch phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu như phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL giai đoạn 2018-2020 để đầu tư xây dựng bổ sung các cụm, tuyến dân cư, đắp bờ bao khu dân cư có sẵn cho 8 tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ.
Hiện, các cơ quan liên quan đang nghiên cứu xây dựng và sẽ tiếp tục ban hành một số cơ chế, chính sách như: Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH gắn với xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL; cơ chế chính sách tập trung, tích tụ đất đai phục vụ sản xuất quy mô lớn; chính sách quản lý tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường; Nghị định của Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vùng ĐBSCL.
Bên cạnh đó, công tác điều tra cơ bản, quan trắc cũng được tăng cường; số liệu, dữ liệu liên ngành được thiết lập, cập nhật và hệ thống hóa
Hiện, đã rà soát số liệu điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường, cập nhật dữ liệu khí tượng, thủy văn, hải văn và bùn cát vùng ĐBSCL, dữ liệu về tài nguyên nước. Trạm vùng quan trắc môi trường Tây Nam Bộ đã hoàn thành; đang khẩn trương xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu vùng ĐBSCL làm cơ sở cho việc tích hợp dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Hoàn thành điều tra, cập nhật dữ liệu tài nguyên môi trường, đa dạng sinh học khu vực bán đảo Cà Mau năm 2018, hiện đang tiến hành đối với khu vực tứ giác Long Xuyên năm 2019. Hoàn thành Dự án Điều tra, đánh giá hiện trạng dự báo tai biến xói, sạt lở phục vụ công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường dải ven biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang.
Đặc biệt, nhiệm vụ quan trọng là kết nối liên vùng đang được tập trung triển khai. Trong đó, các bộ, ngành khẩn trương xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thích ứng với BĐKH; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH: tài nguyên nước, thủy lợi, xây dựng, giao thông, bảo tồn đa dạng sinh học...; đề án kết nối mạng giao thông các tỉnh ĐBSCL.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng
Theo Bộ NN&PTNT, cơ cấu kinh tế vùng ĐBSCL đang được chuyển dịch, nhiều ngành hàng, mặt hàng đã tìm được chỗ đứng trên thị trường thế giới. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản. Nhờ đó, trong năm 2018, sản lượng tôm đạt 0,623 triệu tấn, chiếm 70% sản lượng cả nước; sản lượng cá tra 1,41 triệu tấn, chiếm 95%; sản lượng trái cây 4,3 triệu tấn, chiếm 60%, sản lượng lúa 24,5 triệu tấn, chiếm 56% sản lượng cả nước. Kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực (gạo, cá tra, tôm, trái cây) đạt 8,43 tỷ USD, chiếm 73,34% kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực này của cả nước.
Nhiều địa phương đã chủ động triển khai một số mô hình kinh tế phù hợp với tự nhiên, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với BĐKH như mô hình nuôi tôm bền vững; chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng; nâng cao chất lượng giống; mô hình “Sinh kế thích ứng với BĐKH”, “Nước sạch và môi trường” của tỉnh Sóc Trăng; mô hình tòa nhà công sở sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời tại tỉnh Vĩnh Long…
Để phát triển bền vững ĐBSCL, vấn đề cơ sở hạ tầng cũng đặc biệt được quan tâm đầu tư, xây dựng; từ đó tăng cường kết nối liên vùng, phát huy lợi thế giao thông đường thủy.
Đối với các dự án, công trình giao thông trọng điểm, Chính phủ đã bố trí 2.186 tỷ cho dự án Trung Lương-Mỹ Thuận để hoàn thành kết nối thông tuyến vào năm 2020; nâng cấp cải tạo Quốc lộ 91, Quốc lộ 91B; đường Nam Sông Hậu; dự án cầu Vàm Cống...; ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng các dự án giao thông thủy quan trọng có tính kết nối liên vùng như dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu, cảng Cái Cui, nâng cấp cụm cảng Cần Thơ - khu bến Hoàng Diệu…

Đầu tư cơ sở hạ tầng tại ĐBSCL theo hướng tăng cường kết nối với TPHCM và vùng Đông Nam Bộ


Đối với các công trình, dự án thủy lợi, Chính phủ đã đầu tư xây dựng nhiều dự án như: Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre; Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1; Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé - giai đoạn 1; các dự án hạ tầng thủy sản, cảng cá, khu neo đậu cho khu vực ĐBSCL…; bước đầu đáp ứng nền nông nghiệp thích ứng BĐKH qua việc hình thành hệ thống đê ngăn mặn, kiểm soát triều cường, sóng cao và đang nâng dần lên khả năng chống chọi với nước dâng do bão, lũ, phát huy tốt hiệu quả trong kiểm soát mặn.
Việc xây dựng bổ sung các cụm, tuyến dân cư, đắp bờ bao khu dân cư có sẵn vùng ngập lũ cũng được Chính phủ tiếp tục cho phép đầu tư để đảm bảo người dân vùng ngập lũ được sống an toàn ổn định.
10 giải pháp trọng tâm triển khai Chương trình hành động tổng thể
Để đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định tại Nghị quyết 120 và Chương trình hành động tổng thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 10 giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Thứ nhất, khẩn trương rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách được giao tại Nghị quyết và Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết; đặc biệt là cơ chế chính sách huy động nguồn lực, nhất là từ khối tư nhân. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai hình thức đối tác công tư cho phát triển bền vững ĐBSCL; giải quyết các điểm nghẽn để thúc đẩy tập trung đất đai cho sản xuất quy mô lớn, linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Thứ hai, khẩn trương hoàn thiện cơ chế điều phối vùng ĐBSCL, thành lập Ủy ban điều phối vùng ĐBSCL nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích phát triển giữa các bên liên quan, giữa các ưu tiên trước mắt với mục tiêu lâu dài, giảm thiểu các xung đột lợi ích giữa các địa phương, các tiểu vùng trong khu vực, giữa các lĩnh vực kinh tế; tăng cường kết nối giữa vùng ĐBSCL với TPHCM và vùng Đông Nam Bộ để phát huy vai trò của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là kết nối hạ tầng, giao thông, phát triển hệ thống logistic, hình thành chuỗi giá trị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba, đẩy nhanh quá trình xây dựng và phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp đa ngành làm định hướng để các bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực cũng như tạo cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư, tăng cường kết nối liên vùng.
Thứ tư, tập trung đầu tư nguồn lực bao gồm vốn nhà nước cho một số công trình, dự án có tính chất trọng điểm, cấp bách, liên ngành, liên vùng có tính chất tạo động lực lan tỏa thu hút các nguồn lực đầu tư khác. Xây dựng các tiêu chí xác định dự án, công trình quy mô lớn, có tính chất liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt liên quan đến chuyển đổi nông nghiệp vùng ĐBSCL để tập trung đầu tư. Bổ sung chức năng, tăng vốn điều lệ cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để thực hiện vai trò Quỹ hỗ trợ phát triển ĐBSCL. Xây dựng Chương trình mục tiêu về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 để tập trung những nội dung, nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong giai đoạn này và đến năm 2030.
Thứ năm, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế toàn vùng theo hướng ‘thuận thiên’, tận dụng tối đa các lợi thế của từng địa phương, tiểu vùng, trong đó ưu tiên tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghiệp theo hướng hình thành các hệ sinh thái kinh tế xanh, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy phát triển công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thúc đẩy liên kết giữa nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, người dân.
Thứ sáu, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là các thành tựu từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thúc đẩy hình thành các trung tâm phát triển, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ cao gắn với các thế mạnh của vùng.
Thứ bảy, khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu liên ngành về ĐBSCL nhằm cung cấp thông tin một cách đồng bộ, hệ thống phục vụ công tác hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các quyết định đầu tư, các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Sớm hoàn thành Trung tâm tích hợp dữ liệu vùng ĐBSCL để chia sẻ, khai thác, sử dụng phục vụ phát triển ĐBSCL.
Thứ tám, đẩy mạnh điều tra, đánh giá và xây dựng giải pháp tổng thể trữ nước dựa vào xu thế tự nhiên của từng khu vực; phòng chống sạt lở bờ sông, xâm thực biển và sụt lún đất vùng ĐBSCL.
Thứ chín, phát triển đồng bộ hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn, hệ thống thủy lợi; đầu tư, xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng thông tin và truyền thông, mạng lưới cấp điện, cấp nước, thoát nước, y tế.

Thứ mười, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với thị trường xuất khẩu lao động; đổi mới công tác đào tạo, biến những người nông dân thành công nhân nông nghiệp có trình độ tay nghề cao và góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động.

Thu Cúc

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/doi-moi-tu-duy-tiep-can-trong-ung-pho-voi-bdkh-tai-dbscl-1096.html

In bài viết