14:58 | 15/05/2019

Rà soát, hoàn thiện 02 Đề án Chính phủ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Sáng ngày 14/5, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp góp ý hoàn thiện dự thảo 02 Đề án Chính phủ gồm “Đề án Tăng cường liên kết giữa các địa phương, vùng trong sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)” và “Đề án Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH”.

Báo cáo về dự thảo 02 Đề án, ông Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Viện đã rà soát, chỉnh sửa dự thảo 02 Đề án theo hướng đề xuất các nhiệm vụ thiết thực, khả thi, đưa ra sản phẩm cụ thể.
Đề án“Tăng cường liên kết giữa các địa phương, vùng trong sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” nhằm mục tiêu tăng cường liên kết giữa các địa phương, vùng để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng; từng địa phương, khắc phục tình trạng trùng lắp, manh mún trong sử dụng các nguồn tài nguyên tự nhiên, nâng cao khả năng phối hợp phòng ngừa, khắc phục các vấn đề môi trường, tác động biến đổi khí hậu liên tỉnh, liên vùng.
Đề án tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ chính: (i) Nâng cao nhận thức về liên kết địa phương, vùng trong sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. (ii) Kiện toàn thể chế, cơ chế liên kết, phối hợp giữa các địa phương, vùng trong sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. (iii) Đẩy mạnh việc lồng ghép nội dung liên kết sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào các quy hoạch vùng. (iv) Tăng cường nguồn lực thực hiện liên kết địa phương, vùng trong sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. (v) Tăng cường liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đề án được thực hiện từ năm 2019 đến năm 2025 trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nằm trong 06 vùng kinh tế - xã hội (Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long).

Toàn cảnh cuộc họp

Đề án “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” nhằm mục tiêu hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, tăng cường năng lực tổ chức bộ máy, đổi mới cách thức chỉ đạo, điều hành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu bảo đảm phù hợp với quan điểm, định hướng của Đảng, điều kiện thực tiễn của Việt Nam về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần tạo ra những động lực mới đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Đề án tập trung thực hiện 06 nhóm nhiệm vụ chính: (i) Tăng cường nghiên cứu, quán triệt, thống nhất nhận thức về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. (ii) Đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để đảm bảo phát triển đồng bộ, minh bạch các yếu tố thị trường, các cấp độ thị trường trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. (iii) Đổi mới vai trò của Nhà nước trong định hướng, phân bổ hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong nền kinh tế thị trường; (iv) Tăng cường vai trò của các công cụ dựa vào thị trường, cơ chế tài chính để điều tiết, thúc đẩy khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; giải quyết các khiếm khuyết của thị trường. (v) Hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy, cơ chế thực thi, giám sát đáp ứng yêu cầu của thể chế kinh tế thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (vi) Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Đề án được triển khai đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 về nội dung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tập trung vào hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách; cách thức thực thi pháp luật; các công cụ hỗ trợ Nhà nước quản lý, phân bổ nguồn lực tài nguyên trong nền kinh tế thị trường; công cụ điều tiết hành vi của các chủ thể trong nền kinh tế thị trường trên cơ sở vận dung các nguyên tắc, quy luật của thị trường vào công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định, đây là 02 Đề án Chính phủ quan trọng do Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22/7/2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. “Đây là những đề án quan trọng để tạo động lực mới đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.” – Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng cho rằng, Đề án “Tăng cường liên kết giữa các địa phương, vùng trong sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” cần đề ra các giải pháp đồng bộ cho việc thúc đẩy liên kết để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng vùng, tạo lập không gian phát triển thống nhất trong vùng và cả nước.
Đối với Đề án “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là một yêu cầu khách quan, trọng tâm hướng đến người dân và doanh nghiệp; Nhà nước sẽ đóng vai trò kiến tạo phát triển, định hướng, tổ chức thực hiện, điều tiết, kiểm tra, giám sát và giải quyết các khiếm khuyết của thị trường.

Thứ trưởng đề nghị Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường tiếp tục phối hợp với các đơn vị, các Bộ ngành liên quan để tiếp tục rà soát, hoàn thiện danh mục các nhiệm vụ đảm bảo thiết thực, khả thi trong việc điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới chính sách về thể chế kinh tế thị trường; tăng cường liên kết vùng trong quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

 Pv

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/ra-soat-hoan-thien-02-de-an-chinh-phu-trong-linh-vuc-tai-nguyen-va-moi-truong-1097.html

In bài viết