10:32 | 14/06/2019

Rác thải tại Việt Nam qua đôi mắt nhiếp ảnh gia

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng đi qua 39 tỉnh thành, đã chụp được hơn 3.000 bức ảnh ghi cảnh ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra trên dải đất hình chữ S.

Rác thải tại Việt Nam qua đôi mắt nhiếp ảnh gia

Một cậu bé mưu sinh bằng việc nhặt phế liệu trên bãi biển ở Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Việt Hùng.

Ngày 6.6, trò chuyện với phóng viên Phạm Đông, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (tên gọi khác là Lekima Hùng, quê ở Hà Nội) cho biết, cách đây gần 5 năm, khi biết mẹ bị ung thư, anh đã lên mạng internet để tìm hiểu nguyên nhân gây ra căn bệnh "quái gở" này. Cũng chính từ đây, những con số, những tác động khủng khiếp của nhựa lên môi trường và đại dương dần được hé lộ.

Cảnh rác thải nhựa tại bến tàu Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Việt Hùng.

Là một nhiếp ảnh gia, anh Hùng kể lại, tháng 8.2018, từ Hà Nội, anh bắt đầu chuyến hành trình rong ruổi bằng xe máy từ Bắc vào Nam, qua 39 tỉnh thành (trong đó có 28 tỉnh thành ven biển). Chuyến đi kéo dài 43 ngày, anh đã quay và chụp nhiều thước phim cùng hơn 3.000 tấm ảnh ghi lại tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra.

Một bãi rác ở cảng cá Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Việt Hùng.

Nhiếp ảnh gia tâm sự, khi trò chuyện với những người dân sinh sống lâu trên đảo, có người nói với anh rác thải nhựa rất bẩn và ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, nhưng cũng có người bàng quan và chấp nhận sống chung với rác chỉ vì: Có kêu thì rác cũng không biến mất!.

Một bãi rác ven đường ở Đảo Phú Quốc. Ảnh: Nguyễn Việt Hùng.

Buổi triển lãm đã lựa chọn 100 bức trên 3.000 bức ảnh, các bức ảnh được sắp xếp theo từng nội dung, địa điểm, và thời gian chụp để người xem có thể hình dung một bức tranh tổng thể về thực trạng rác thải nhựa xuyên suốt bờ biển Việt Nam.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam nói: “Rác thải nhựa là một trong những thách thức toàn cầu, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các quốc gia từ Chính phủ, doanh nghiệp tới người dân. Hãy nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường và được sản xuất tại địa phương. Cùng nhau chúng ta tạo ra một Việt Nam xanh hơn, sạch hơn”.

Phạm Đông

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/rac-thai-tai-viet-nam-qua-doi-mat-nhiep-anh-gia-1236.html

In bài viết