18:48 | 10/05/2019

Tìm các giải pháp quản lý đột phá, hiện đại trong công nghệ xử lý chất thải rắn

Ngày 8/5, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức 02 Hội thảo “Quản lý nhà nước về chất thải rắn” và Hội thảo “Mô hình quản lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt” để các đơn vị quản lý ở Trung ương, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội và các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp cùng tham gia thảo luận nhằm giúp các nhà quản lý có cái nhìn tổng quan về công tác quản lý chất thải rắn thời gian qua, các mô hình quản lý và công nghệ trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đồng thời đưa ra những định hướng sắp tới trong công tác quản lý chất thải rắn. Kết quả của các Hội thảo là cơ sở để tổng hợp, tổ chức Hội nghị toàn quốc về quản lý chất thải rắn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, trên cơ sở đó xây dựng dự thảo Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về quản lý chất thải rắn.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội thảo, tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành: Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính; Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam; đại diện UBND, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng các tỉnh, thành trên phạm vi cả nước. Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản; Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc; các viện, cơ quan nghiên cứu và các trường đại học; các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh môi trường trong nước và quốc tế; một số doanh nghiệp, cơ sở xử lý chất thải.
Quản lý nhà nước về chất thải rắn còn nhiều chồng chéo, bất cập
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh tới các bất cập, khó khăn và hạn chế trong công tác quản lý chất thải rắn (CTR)hiện nay. "Thời gian qua, sự gia tăng dân số cùng với phát triển kinh tế - xã hội đã làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng, đồng thời làm gia tăng lượng CTR phát sinh, với thành phần ngày càng phức tạp đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý CTR ở Việt Nam. Mặc dù, tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt vẫn tăng hàng năm, nhưng do lượng CTR phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, cùng với ý thức cộng đồng chưa cao nên tỷ lệ thu gom vẫn chưa đạt yêu cầu. Do đó, công tác quản lý CTR còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trên nhiều địa phương".
Trước thực trạng nêu trên, tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 01 năm 2019, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2019 giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về CTR; giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn.


Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo "Quản lý nhà nước về chất thải rắn"

Trước các bất cập trong công tác quản lý CTR hiện nay, Thứ trưởng cho rằng, đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương và cũng là vấn đề đã được các Đại biểu quốc hội và cử tri cả nước hết sức quan tâm, chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, đặc biệt là tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vừa qua. Do đó, việc đề xuất được mô hình quản lý thống nhất về CTR cũng như các giải pháp quản lý, công nghệ xử lý CTR nhằm kiểm soát, giải quyết có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường do CTR dự kiến được nhiều tổ chức, cá nhân và xã hội mong đợi.
Báo cáo “Kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và đề xuất phương án thống nhất quản lý nhà nước về CTR”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh báo cáo tổng hợp một số vướng mắc trong thực thi nhiệm vụ về quản lý CTR thời gian qua như: Việc thiếu các quy định về cơ chế phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc ban hành các quy định để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật về quản lý CTR, đặc biệt sau khi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật không quy định hình thức Thông tư liên tịch; việc giao Bộ Xây dựng một số nội dung về CTR sinh hoạt sẽ dẫn đến những giao thoa, chồng chéo, thiếu thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về CTR. Cùng với đó Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ yếu chịu trách nhiệm ban hành đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải khi phát thải ra môi trường (chủ yếu là nước thải, khí thải) và chất thải nguy hại; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến việc quản lý chất thải (phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt, tái chế, tái sử dụng chất thải v.v.) đang được giao cho Bộ Xây dựng và các Bộ chuyên ngành nhưng không có cơ chế phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường dẫn đến việc không thống nhất trong quản lý CTR.
Trên cơ sở rà soát các quy định pháp luật này, Tổng cục Môi trường đang đề nghị xem xét, sửa đổi Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm chuyển chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về CTR thông thường tại đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; ...từ Sở Xây dựng sang Sở Tài nguyên và Môi trường để bảo đảm tính thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Tổng cục cũng đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về CTR của các Bộ, ngành, địa phương theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (quy định các biện pháp để thực hiện chính sách về môi trường thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ).
Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu đều thống nhất với chủ trương của Chính phủ về việc giao đầu mối thống nhất quản lý về CTR cho ngành tài nguyên và Môi trường. Hội thảo cũng đã được nghe báo cáo tham luận của các Bộ, ngành và địa phương; kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới về công tác quản lý nhà nước về CTR.
Đại diện cơ quan quản lý tại địa phương, ông Đồng Phước An, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đồng tình với việc giao quản lý thống nhất về CTR về một đầu mối là Sở Tài nguyên và Môi trường ở các địa phương. Ông cho biết, hiện nay Sở Xây dựng Hà Nội chỉ có 01 phòng với 3 cán bộ chuyên trách về quản lý CTR, nội dung công việc nhiều nên rất khó khăn về nhân lực, trong khi đó Sở Tài nguyên và Môi trường có hệ thống các phòng ban, đặc biệt có Chi cục Bảo vệ môi trường là đơn vị chuyên trách về môi trường, do vậy việc giao thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về CTR về Sở Tài nguyên và Môi trường để đảm bảo quản lý tốt về CTR và môi trường trên địa bàn. Ông Đồng Phước An cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành các Thông tư hướng dẫn một cách đồng bộ; bổ sung, hoàn thiện các nội dung hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và các Nghị định về lĩnh vực môi trường.
Chia sẻ về những kinh nghiệm quản lý nhà nước về CTR ở Thái Lan, Nhật Bản, Australia, Tiến sỹ Michael Parsons, cố vấn chính sách của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để quản lý tốt CTR thì các nhà quản lý phải có vai trò tiên phong, chủ đạo, có các hành động, chiến lược cụ thể; có các chính sách hạn chế các vật liệu có hại tới môi trường, yêu cầu trách nhiệm cao hơn nữa của các nhà sản xuất, trong đó có chính sách về thải bỏ, tái chế, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng các vận liệu thay thế, thân thiện với môi trường như: tre nứa, lá chuối...
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao nội dung của những bài tham luận và ý kiến thảo luận của các đại biểu, đề cập đến những bất cập trong công tác quản lý nhà nước hiện nay và đề xuất sửa đổi, bổ sung để thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước về CTR, đồng thời các đề xuất nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, tạo ra sự đột phá trong công tác quản lý môi trường nói chung và quản lý CTR nói riêng.


Toàn cảnh Hội thảo "Quản lý nhà nước về chất thải rắn"

Thứ trưởng cũng đề nghị Tổng cục và các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ tiếp tục phối hợp, nghiên cứu phương án sử dụng ngân sách nhà nước để thuê tư vấn quốc tế lập quy hoạch bảo vệ môi trường cũng như trong quá trình tổ chức thực hiện, trong đó có nội dung về quy hoạch về quản lý CTR, đảm bảo xây dựng quy hoạch chất lượng, đạt các yêu cầu, chuẩn mực của quốc tế hiện nay.
Nhấn mạnh tới vai trò và sự chung tay, vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương để triển khai phương án thống nhất về quản lý CTR, Thứ trưởng đề nghị các Bộ: Bộ Nội vụ, Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường; đặc biệt các địa phương cần thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, trong đó giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn, tập trung các nguồn lực để giải quyết các vấn đề bức xúc về chất thải tại địa phương; nghiên cứu áp dụng các cơ chế đấu thầu khi lựa chọn các chủ đầu tư để tạo cơ chế cạnh tranh, minh bạch; huy động được nguồn lực của toàn xã hội trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt,...
“Với sự quyết tâm của Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương, chúng ta sẽ từng bước khắc phục những khó khăn, bất cập, có những giải pháp đột phá để quản lý tốt hơn chất thải rắn, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng” - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Cần có giải pháp đột phá trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Phát biểu tại Hội thảo “Mô hình quản lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt”chiều ngày 8/5 tại Hà Nội, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh hiện nay tại các khu đô thị vào khoảng 38.000 tấn/ngày và tại khu vực nông thôn vào khoảng 32.000 tấn/ngày. Trong đó, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải tại khu vực đô thị đạt khoảng 85%; tại khu vực nông thôn còn thấp, trung bình đạt khoảng 40-55%. Công tác vận chuyển hiện còn gặp nhiều khó khăn, các bãi chôn lấp chất thải thường ở xa khu dân cư làm tăng chi phí vận chuyển. Trong khi đó, mức phí vệ sinh môi trường thu từ các hộ gia đình hiện nay mới chỉ chi trả được một phần cho hoạt động thu gom chất thải, không đủ để chi trả cũng như duy trì cho hoạt động vận chuyển. Phương pháp xử lý CTRSH hiện nay chủ yếu là chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng 30% các bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Ngoài ra, trên cả nước hiện có khoảng 30 cơ sở xử lý chất thải thành phân mùn hữu cơ (compost) và gần 300 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (chủ yếu là lò đốt rác cỡ nhỏ, quy mô cấp xã). Việc đầu tư và xây dựng các khu xử lý chất thải, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh mới chỉ thực hiện ở một số tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn.


Toàn cảnh Hội thảo "Mô hình xử lý và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt"

Báo cáo công tác quản lý CTRSH tại Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường, Nguyễn Thượng Hiền cho biết, hiện nay công tác quy hoạch chất lượng chưa cao; dự báo chưa chính xác, quy hoạch thiếu yếu tố liên kết vùng; tổ chức triển khai còn chậm, thiếu nguồn lực để thực hiện quy hoạch cơ chế thúc đẩy xã hội hóa công tác thu gom, xử lý CTRSH còn chưa minh bạch, chưa thu hút được các nguồn lực đầu tư cho thu gom, xử lý chất thải rắn SH; đơn giá xử lý CTRSH nhiều địa phương còn thấp; chưa có định hướng triển khai công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp cho từng loại công nghệ xử lý; chưa có hướng dẫn kỹ thuật (hoặc tiêu chuẩn/quy chuẩn) về các phương tiện thu gom, vận chuyển.
Về phân công trách nhiệm ở cấp trung ương chưa có đầu mối tổng thể chỉ đạo triển khai các hoạt động quản lý CTRSH. Ở cấp địa phương, nhiều cơ quan không đủ nhân lực để quản lý; nhiều thành phố phân cấp cho xã, huyện quản lý. Nhận thức của đa số người dân còn hạn chế, nhiều nơi chưa tích cực tham gia vào các hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, chưa đóng phí vệ sinh môi trường đầy đủ.
Về định hướng trong công tác quản lý về CTRSH trong thời gian tới, Tổng cục Môi trường đề xuất: Đối với cấp Trung ương cần xây dựng, ban hành danh mục công nghệ xử lý CTRSH và tiêu chí lựa chọn công nghệ để hướng dẫn các địa phương lựa chọn cho phù hợp với điều kiện; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về các phương tiện thu gom, vận chuyển; hoàn thiện các quy định hướng dẫn về phương pháp định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng, hoàn thiện Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn ở Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng và triển khai các mô hình về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.
Đối với các địa phương cần tập trung các nguồn lực để giải quyết các vấn đề bức xúc về chất thải tại địa phương; mở rộng phạm vi thu gom CTRSH nông thôn; thu hút đầu tư cơ sở xử lý CTRSH có công nghệ hiện đại, thu hồi năng lượng; nghiên cứu áp dụng các cơ chế đầu thầu cạnh tranh khi lựa chọn các chủ đầu tư để tạo cơ chế cạnh tranh, minh bạch; huy động được nguồn lực của toàn xã hội trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; rà soát, ban hành đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải cho phù hợp chi phí thực tế; triển khai, từng bước thực hiện bắt buộc phân loại tại nguồn trên các đô thị.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, ông Đinh Nam Vinh, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất: Việc quy hoạch quản lý chất thải rắn cần phải được triển khai đồng bộ, cần có quy hoạch các điểm tập trung, trạm trung chuyển chất thải rắn cho đô thị. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước cần khuyến khích sử dụng công nghệ xử lý chất thải rắn theo xu hướng tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng từ chất thải rắn nhằm giảm thiểu tối đa lượng đốt, xả thải. Cần ưu tiên các nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung, công nghệ hiện đại và công suất đủ lớn, đặc biệt các nhà máy áp dụng công nghệ điện rác tiên tiến. Ngoài ra, việc thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, có tuyến thu gom riêng từng loại chất thải rắn, vận chuyển theo lộ trình được quy hoạch hợp lý đóng một vai trò quan trọng cho các công đoạn xử lý tiếp theo. Đặc biệt, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thông qua chương trình giáo dục ở trường học và các phương tiện thông tin đại chúng để người dân phân loại rác ngay tại nguồn. Về giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cần có cơ chế ưu tiên cho các dự án áp dụng công nghệ điện rác tiên tiến..
Tiến sỹ Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, cần tiếp cận theo nguyên tắc coi chất thải là tài nguyên; phát triển nền kinh tế tuần hoàn; tăng cường giảm thiểu phát sinh, thúc đẩy tái chế, thu hồi năng lượng; giảm chôn lấp; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; tăng cường thực thi các quy định pháp luật;; cần tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá, dự báo về tình hình phát sinh, quản lý CTR cho các vùng/miền/địa phương từ đó lựa chọn các mô hình/công nghệ xử lý CTR phù hợp; phải hoàn thiện cơ chế tài chính trong quản lý CTR để huy động sự tham gia của tư nhân.. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tái chế phân vi sinh ứng dụng cho phát triển nông nghiệp hữu cơ; xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý CTR làm cơ sở để hoạch định chính sách và chiến lược, quy hoạch về quản lý CTR.
Tại Hội thảo các đại biểu cũng được nghe các doanh nghiệp xử lý chất thải trình bày các công nghệ xử lý CTRSH bằng các phương pháp: Đốt rác phát điện; xử lý thành phân vi sinh, công nghệ xử lý bằng phương pháp đốt thông thường; xử lý bằng phương pháp chôn lấp; công nghệ xử lý để sản xuất biogas và phân bón hữu cơ... Các đại biểu cũng đã tập trung phân tích các mô hình quản lý cũng như các công nghệ hiện nay đang được áp dụng trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Bên cạnh đó các chuyên gia cũng đã chia sẻ hoạt động thẩm định công nghệ và một số nhiệm vụ nghiên cứu liên quan đến công nghệ xử lý chất thải rắn của Bộ Khoa học và Công nghệ và kinh nghiệm trong triển khai “Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2020” của Bộ Xây dựng.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân trân trọng và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của các nhà quản lý, các nhà khoa học và các doanh nghiệp “Kết quả của Hội nghị thảo này cùng với kết quả từ các trao đổi, thảo luận và ý kiến góp ý tại Hội thảo về quản lý nhà nước về chất thải rắn được tổ chức cùng ngày sẽ là những thông tin hữu ích để Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, đưa ra những định hướng sắp tới trong công tác quản lý CTRSH, đặc biệt, là cơ sở để tổng hợp, tổ chức Hội nghị toàn quốc bàn về quản lý chất thải rắn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, trên cơ sở đó xây dựng dự thảo Chỉ thị về các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải rắn tại Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Mặt khác, đây cũng là cơ sở để Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xây dựng dự thảo các tiêu chí lựa chọn công nghệ và danh mục các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt khuyến cáo để các địa phương tham khảo, áp dụng”.
Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần phối hợp với Đoàn kiểm tra, đánh giá công tác quản lý chất thải rắn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để tiếp tục kiểm tra, đánh giá các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương. Ngoài các cơ sở xử lý do Đoàn kiểm tra, đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ thực hiện việc kiểm tra, điều tra, đánh giá theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và gửi báo cáo về cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp; tập trung các nguồn lực để giải quyết các vấn đề bức xúc về chất thải tại địa phương; nghiên cứu áp dụng các cơ chế đầu thầu khi lựa chọn các chủ đầu tư để tạo cơ chế cạnh tranh, minh bạch; huy động được nguồn lực của toàn xã hội trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Cùng với kết quả của các Hội thảo hôm nay, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Môi trường cần nhanh chóng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai các đoàn kiểm tra, đánh giá công tác quản lý chất thải rắn trên phạm vi toàn quốc để có cơ sở đưa ra những định hướng sắp tới trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là tổ chức Hội nghị toàn quốc bàn về quản lý chất thải rắn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, từ đó xây dựng dự thảo Chỉ thị về các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải rắn tại Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Mặt khác cần nghiên cứu, xây dựng dự thảo các tiêu chí lựa chọn công nghệ và danh mục các giải pháp công nghệ để khuyến khích, khuyến cáo cho các địa phương nghiên cứu áp dụng.

 Monre

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/tim-cac-giai-phap-quan-ly-dot-pha-hien-dai-trong-cong-nghe-xu-ly-chat-thai-ran-1310.html

In bài viết