09:44 | 05/07/2019

Cần có biện pháp rà soát tổng thể ao hồ trên địa bàn Thủ đô

Có một thực tế hiện nay, nhiều ao hồ ở Hà Nội đang bị thu hẹp diện tích nhanh chóng do quá trình đô thị hóa. Công năng điều hòa, thoát nước đều đổ lên “vai” các hồ còn lại, sự ô nhiễm, quá tải xảy ra hoàn toàn như một tất yếu... 

Cần có biện pháp rà soát tổng thể ao hồ trên địa bàn Thủ đô

Cá chết hàng loạt ở Hồ Tây xảy ra tháng 7/2018. Ảnh: Đông Hải

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội có khoảng 120 hồ, gồm các hồ tự nhiên và các hồ được đào, xây dựng theo quy hoạch. Trong đó, 84 hồ đã cải tạo; 10 hồ đang cải tạo và 26 hồ chưa được cải tạo, một số hồ có môi trường nước bị xuống cấp nghiêm trọng.
Còn theo thống kê của Trung tâm CECR, Hà Nội hiện có 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm, 8 hồ ô nhiễm nặng và 6 hồ ô nhiễm rất nặng. Có thể kể đến như: Hồ Tây, Hồ Linh Đàm, hồ Thiền Quang, hồ Kim Liên, hồ Ba Mẫu, Ao Phủ… , gần đây dân cư quanh hồ Tây đã phải sống dở chết dở vì mùi ô nhiễm bốc lên từ hồ.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, đối với các hồ đã cải tạo kè đá, có nhiều hồ được nạo vét lấy bùn, xây dựng đường dạo tạo cảnh quan khu vực xung quanh hồ, không còn hiện tượng lấn chiếm đổ đất, phế thải xây dựng, vứt rác xuống hồ. Tuy nhiên do các hồ này là hồ điều hòa nên ngay cả khi đã được tách nước thải hoàn toàn thì vẫn tiếp nhận hỗn hợp nước mưa lẫn nước thải chảy vào hồ như: hồ Tây, Trúc Bạch, Thanh Nhàn 2A, Linh Đàm, Nghĩa Tân, Kim Liên... nên các hồ đã cải tạo hiện vẫn đang bị ô nhiễm, chủ yếu là ô nhiễm chất hữu cơ.
Đối với các hồ chưa được cải tạo, môi truờng nước hồ hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng do ý thức của một số bộ phận dân cư và do tốc độ đô thị hoá cao nên tại các hồ chưa được kè nằm trong khu vực dân cư, hiện tượng lấn chiếm đổ đất, phế thải xây dựng, vứt rác xuống hồ thường xuyên diễn ra như hồ Linh Quang, Tứ Liên, Đại Kim, Tân Thụy, Gia Quất, Phùng Khoang... làm thu hẹp diện tích sử dụng của hồ cũng như giảm khả năng điều hoà thoát nước và gây mất mỹ quan đô thị. Một số hồ để nước thải chưa qua xử lý xả trực tiếp vào hồ gây ô nhiễm. Theo kết quả quan trắc chất lượng các hồ trong nội thành Hà Nội của Công ty Thoát nước Hà Nội trong những năm qua cho thấy, các hồ chưa cải tạo tách nước thải đang ở tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Trong văn bản công bố nguyên nhân cá chết ở các hồ vừa mới đây, UBND TP Hà Nội cũng nhận định rằng, đa số các hồ đều bị ô nhiễm bởi nước thải, trầm tích, bùn đáy.
Trên thực tế, có thể thấy chúng ta hoàn toàn đang bị động trước các biến cố môi trường ao hồ vừa qua. Như sự việc cá chết Hồ Tây, hàng trăm tấn cá chết chỉ sau một đêm hay hồ Linh Đàm, Hồ Thủ Lệ, Văn Quán...Chỉ khi xác cá chết nối trắng mặt hồ thì chúng ta mới nhận ra rằng các hồ trên đang ở ngưỡng “chết” thực sự.
Một thực trạng khác liên quan, nhiều ao, hồ ở Hà Nội hiện nay đang bị thu hẹp diện tích và công năng điều hòa, thoát nước đều đổ lên “vai” các hồ còn lại. Sự ô nhiễm xảy ra hoàn toàn là một tất yếu.
Mặc dù thành phố đã nỗ lực cải tạo, nạo vét ao, hồ, nâng cao chất lượng nước nhưng tình trạng tái vi phạm và ô nhiễm vẫn diễn ra. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng trước hết là ý thức của mỗi người dân chưa cao trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thành phố.
Như việc sụt giảm đáng kể về diện tích mặt hồ, ao do nguyên nhân chính là sự yếu kém, buông lỏng quản lý của chính quyền cấp cơ sở dẫn đến việc san lấp, lấn chiếm. và tình trạng đó diễn ra liên tục nhiều năm đã khiến không ít "lá phổi xanh" ở các quận, huyện trung tâm cho đến vùng ven đô đã bị thay thế bởi đất cát, rác thải và các chung cư, nhà cửa...Khi diện tích nước mặt bị thu hẹp, thì chất lượng nước các ao, hồ hiện nay cũng là vấn đề rất đáng trăn trở.
Những năm qua, Hà Nội đã đầu tư không nhỏ cho công tác cải tạo, xử lý kỹ thuật các ao, hồ trên địa bàn, tăng số lượng ao, hồ đã được kè toàn phần và kè một phần… Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều ao, hồ có dấu hiệu ô nhiễm và ô nhiễm rất nặng.
Riêng Hồ Tây, một trong hồ lớn nhất Thủ đô tưởng chừng có thể điều hòa được hết lượng nước thải mà việc sinh hoạt, sản xuất của con người thải ra xung quanh. Tuy nhiên nó cũng phải nhận kết cục không thể bi thảm hơn. Một khi Hồ Tây cũng bốc mùi thì sự ô nhiễm môi trường đã rất cần phải được xem xét, cảnh báo và có giải pháp hữu hiệu. Chuyện cá hồ Tây chết phải được coi là giới hạn cuối cùng trong ứng xử với ao hồ Hà Nội hiện nay. Không còn điểm nào để lùi nữa.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm các hồ, thiết nghĩ UBND TP Hà Nội cần chỉ đạo Công ty thoát nước xử lý ô nhiễm triệt để ở 58 hồ bằng chế phẩm sinh học theo công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường tự nhiên; tăng cường kiểm tra xử lý xả thải với các đơn vị kinh doanh quanh hồ; đẩy nhanh dự án cải tạo hồ; lắp đặt trạm quan sát tự động, kiểm soát chất lượng nước tại một số hồ…

Đông Hải

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/can-co-bien-phap-ra-soat-tong-the-ao-ho-tren-dia-ban-thu-do-1394.html

In bài viết