10:37 | 03/03/2025

Đề xuất chuyển đổi nhiên liệu Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị từ than sang LNG

Liên danh nhà đầu tư Công ty CP Tập đoàn T&T và Công ty TNHH SK E&S (Hàn Quốc) đã đề xuất với UBND tỉnh Quảng Trị về việc chuyển đổi Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị từ sử dụng than sang khí hóa lỏng (LNG).

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị đã có buổi làm việc với Liên danh nhà đầu tư Tập đoàn T&T và SK E&S về đề xuất dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Quảng Trị. Theo đó, đề xuất đầu tư chuyển đổi nhiên liệu từ than sang LNG nhằm đáp ứng xu hướng năng lượng sạch và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đề xuất chuyển đổi nhiên liệu Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị từ than sang LNG
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng làm việc với đại diện Liên danh nhà đầu tư Tập đoàn T&T và SK E&S về đề xuất dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Quảng Trị (Ảnh: UBND tỉnh Quảng Trị)

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị tại Khu Kinh tế Đông Nam, được quy hoạch với công suất 1.320 MW, sử dụng nguyên liệu than. Tổng mức đầu tư trên 55.000 tỷ đồng, do Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan (EGATi) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao) từ năm 2013.

Tuy nhiên, dự án bị chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đến tháng 5/2023, EGATi có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc không tiếp tục thực hiện dự án trên; đến tháng 7/2024, Bộ Công Thương thống nhất để EGATi dừng dự án này.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã đề xuất với Chính phủ và Bộ Công Thương về việc giữ lại quy hoạch dự án và chuyển đổi sang nhiên liệu thân thiện với môi trường.

Theo đó, Liên danh Tập đoàn T&T và SK E&S đã đề xuất đầu tư dự án và chuyển đổi dự án từ sử dụng nhiên liệu than sang sử dụng LNG, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh Quảng Trị ủng hộ và có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương và Chính phủ về đề xuất chuyển đổi trên, cũng như bổ sung vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị, đại diện nhà đầu tư cho biết, việc chuyển đổi sang LNG sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung, cũng như tỉnh Quảng Trị nói riêng; đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường.

Liên danh nhà đầu tư cam kết triển khai dự án đáp ứng tiến độ vận hành năm 2030 nếu được chọn làm chủ đầu tư và hỗ trợ trong các bước triển khai tiếp theo của dự án. Đồng thời, nhà đầu tư cũng đề xuất tăng công suất dự án lên 1.500 MW và thực hiện theo hình thức dự án điện độc lập (IPP).

Đề xuất chuyển đổi nhiên liệu Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị từ than sang LNG
Nhà máy điện khí LNG tạo ra ít khí thải gây ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường (Hình minh họa)

Cũng tại buổi làm việc, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, tỉnh sẽ có văn bản đề xuất với Bộ Công Thương để có buổi làm việc giữa Bộ, tỉnh và liên danh nhà đầu tư để thảo luận về đề xuất chuyển đổi nhiên liệu liệu và các công việc liên quan, nhằm sớm triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Quảng Trị.

Ông Đồng cũng đề nghị nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư các dự án điện gió tại Quảng Trị, bao gồm cả điện gió ở miền núi và ngoài khơi tỉnh Quảng Trị. Tỉnh cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư trong các thủ tục và cung cấp các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư khi thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Quảng Trị nếu được thực hiện, dự kiến sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho tỉnh, với doanh thu khoảng 12.500 tỷ đồng/năm và nguồn thu ngân sách địa phương 1.250 tỷ đồng/năm. Dự án cũng góp phần thực hiện mục tiêu đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030.

Nguyễn Nhàn

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/de-xuat-chuyen-doi-nhien-lieu-nha-may-nhiet-dien-quang-tri-tu-than-sang-lng-14767.html

In bài viết