07:12 | 26/02/2025
Giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng GRDP của Nam Ðịnh chỉ ở mức 6,6%, cơ cấu kinh tế mất cân đối...Trong chuyến công tác tại Nam Ðịnh đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhắc đến mối băn khoăn này. Thủ tướng nhận định, trước đổi mới, Nam Ðịnh là trung tâm lớn thứ 3 ở miền Bắc, chỉ sau Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng hiện nay, Nam Ðịnh phát triển chậm lại, thấp hơn cả các tỉnh lân cận như Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình...
Ðây cũng là nỗi trăn trở thôi thúc Ðảng bộ và chính quyền tỉnh Nam Ðịnh phải có sự đột phá để trở lại quỹ đạo phát triển cao, đáp ứng yêu cầu mới đang đặt ra cấp bách trong nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương giai đoạn hiện nay.
Theo đó, tong quá trình lập Quy hoạch, tỉnh Nam Định đã thực hiện rà soát và xác định được 4 điểm nghẽn trong chặng đường phát triển địa phương thời gian qua. Cụ thể là điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng kết nối đối ngoại và các liên kết lãnh thổ, liên kết phát triển; điểm nghẽn trong phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tỷ lệ đô thị hóa thấp, mất cân đối trong tổ chức không gian lãnh thổ và điểm nghẽn trong phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo...
![]() |
Khu công nghiệp Bảo Minh - một mẫu khu công nghiệp hiện đại, đồng bộ, có sức hút đầu tư lớn của tỉnh Nam Định. |
Từ đó, Quy hoạch tỉnh đã thể chế hóa, khái quát hóa khát vọng, tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương trong tỉnh, hướng đến mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Nam Ðịnh trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, là tỉnh phát triển khá của cả nước và là một trong những trung tâm phát triển quan trọng của vùng nam Ðồng bằng sông Hồng; đến năm 2050, trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng của vùng.
Quy hoạch tỉnh Nam Định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1729/QÐ-TTg ngày 28/12/2023 là cơ sở pháp lý quan trọng mở ra thời cơ mới để thu hút các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Nam Ðịnh trở lại là thủ phủ công nghiệp của cả nước.
Năm 2024, Nam Định đạt mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng 10,01%, xếp thứ 4/11 trong vùng Đồng bằng sông Hồng và 9/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Quy mô nền kinh tế của tỉnh Nam Định lần đầu tiên vượt mốc 113.329 tỷ đồng, tăng 14,78% so với năm 2023. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, phản ánh rõ nét chiến lược phát triển kinh tế đa ngành của tỉnh.
Năm 2025, Nam Định tiếp tục đặt mục tiêu cao với mức tăng trưởng GRDP đạt 10,5% trở lên, quyết tâm cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên. Nam Định đang tiếp tục phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, đô thị và nông thôn; thúc đẩy phát triển khu vực biển trở thành động lực tăng trưởng kinh tế...
Theo đánh giá của các chuyên gia đầu ngành, trong nỗ lực thực thi chiến lược phát triển kinh tế vùng và địa phương diễn ra những năm gần đây, Nam Ðịnh là điểm sáng trong phát triển kinh tế địa phương. Sự chuyển mình của Nam Ðịnh được bắt đầu từ khu vực công nghiệp và hoạt động đầu tư. Trong giai đoạn 2020-2023, nguồn lực vốn đầu tư công được giải ngân vào các công trình trọng điểm, các tuyến đường giao thông huyết mạch đã phá dần những điểm nghẽn hạ tầng kết nối liên vùng, làm thay đổi diện mạo và mở ra cơ hội phát triển mới cho Nam Ðịnh. Ðầu tư vào các dự án hạ tầng có tác dụng tạo ra nhiều lợi ích lâu dài bên cạnh việc kích thích kinh tế ngay trong ngắn hạn. Giai đoạn 2024 – 2025, địa phương tiếp tục đột phá và có nhiều khởi sắc khi nhiều dự án giao thông nghìn tỷ đồng tiếp tục được triển khai thực hiện, tạo thành 5 hành lang kinh tế đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của cả vùng.
Năm 2024, bất chấp những thách thức từ tình hình thế giới diễn biến phức tạp và giá nguyên vật liệu leo thang, ngành công nghiệp Nam Định vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 14,5% so với năm trước, với nhiều sản phẩm chủ lực đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Đồng thời địa phương là một trong các điểm sáng về thu hút vốn đầu tư FDI từ các tập đoàn, công ty lớn nước ngoài.
Điển hình, dự án nhà máy sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi của Tập đoàn Quanta Computer Inc., (Đài Loan - Trung Quốc) đã đầu tư tại KCN Mỹ Thuận, dự án công nghệ cao đầu tiên của Quanta tại Việt Nam. Đây là một trong những dự án lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ cao của tỉnh, tạo ra khoảng 9.000 việc làm, giúp Nam Định mở rộng sang ngành công nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao và định vị trên bản đồ công nghệ toàn cầu. Hay Tập đoàn Toray (Nhật Bản) cũng đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất vải công nghệ cao tại KCN Dệt may Rạng Đông, công suất 60 triệu mét vải/năm, hướng tới 120 triệu mét vào năm 2025, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu, khẳng định Nam Định là trung tâm dệt may hàng đầu miền Bắc và hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngành Dệt may Việt Nam. Đặc biệt, Tổ hợp 3 dự án thép xanh có tổng mức đầu tư 98.900 tỷ đồng của Tập đoàn Xuân Thiện tại Nghĩa Hưng đang được triển khai, sử dụng công nghệ tiên tiến từ các nước G7, đảm bảo phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, kết quả tích cực trong công tác thu hút đầu tư năm 2024 tiếp tục tạo thêm động lực thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp của tỉnh.
Trong giai đoạn phát triển quan trọng để thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu công nghiệp đến năm 2030, Nam Ðịnh cũng đẩy mạnh hỗ trợ chính sách, nguồn vốn cho doanh nghiệp nội địa tham gia đầu tư vào các ngành công nghiệp có lợi thế, nhất là dệt may. Những năm 2010, huyện Vụ Bản thuộc tốp nghèo nhất tỉnh, nhưng chỉ sau 5 năm đã vươn lên tốp đầu về tăng trưởng nhờ những tác động tích cực từ Khu công nghiệp Bảo Minh (chủ đầu tư là các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam).
Nam Ðịnh hiện phát triển 6 khu công nghiệp và thành lập thêm 10 khu công nghiệp, khu kinh tế mới, trong đó có khu công nghiệp mới Trung Thành, Hồng Tiến... Với cách làm sáng tạo, hiệu quả, tỉnh Nam Ðịnh đã bứt phá mạnh mẽ trong thu hút đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã thu hút gần 200 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 110 nghìn tỷ đồng và hơn 1 tỷ USD, vượt xa mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2021-2025, trong đó có những nhà đầu tư lớn như Quanta Computer, Tập đoàn Toray, Jia-wei, Sunrise, Crystal... Ðây là các dự án có ý nghĩa quan trọng để Nam Ðịnh tăng tốc phát triển, thu hẹp khoảng cách với các địa phương khác trong vùng và từng bước lấy lại vị thế là thủ phủ công nghiệp ở phía Bắc.
Đông Hải
Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/nam-dinh-tang-toc-phat-trien-tung-buoc-lay-lai-vi-the-thu-phu-cong-nghiep-o-phia-bac-14852.html