14:15 | 03/04/2025
Những vật liệu thân thiện truyền thống
Những vật liệu xây dựng thân thiện truyền thống có thể kể đến như: tre, gỗ, nứa, sỏi đá, kim loại tái chế, đá nguyên khối... Đây đều là những vật liệu xanh, thân thiện với môi trường đã được sử dụng rộng rãi. Chúng dễ tìm, an toàn trong sử dụng và sản xuất. Thông qua các nhóm vật liệu riêng như tre, gỗ trong kết cấu chịu lực; Nứa lá, rơm, rạ hay lá cọ, lá mía, lá dừa, cỏ tranh, phên nứa, cói trong lợp mái hay trộn bùn để tạo các vách tường; Gạch nung và gốm, gạch đá ong, ngói nung… trong xây móng, tường và lợp mái hoặc trang trí; Đất nện, đá tự nhiên và cấu trúc gỗ, đá kết hợp… mà nhiều nét đẹp đặc sắc trong việc ứng dụng vào các công trình xây dựng trong kiến trúc truyền thống như tôn giáo tín ngưỡng, công trình công cộng và dân sinh khác nhau đã mang lại những cho Việt Nam và các nước trên thế giới những công trình đặc biệt, có giá trị lịch sử và văn hóa.
Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu này cũng dần thiếu hụt và cạn kiệt. Đây là lý do dẫn đến việc phát minh ra những vật liệu khác an toàn và thân thiện với môi trường hơn. Các vật liệu xây dựng mới bên cạnh việc phát huy được bản sắc địa phương có tính vùng miền, thông qua các nghiên cứu, chế tạo các VLXD ở dạng tái chế, tái sinh, tái sử dụng, hoặc phục hồi nhưng cũng phải đảm bảo được giá trị về kinh tế, hiệu quả đi cùng với đó là bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững.
Những vật liệu xây dựng thân thiện hiện đại
Khi nhu cầu của con người ngày càng tăng lên kết hợp cùng sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, xu hướng vật liệu xây dựng mới ra đời. Trải qua cuộc cách mạng khoa học công nghệ, con người đã tạo ra được những vật liệu xây dựng hiện đại. Nó không chỉ bền đẹp mà còn đảm bảo cách âm, cách nhiệt tốt và thân thiện với môi trường. Ví dụ như: vật liệu không nung, vật liệu lợp, kính xây dựng, vật liệu trang trí nội ngoại thất. Cụ thể 1 số vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường như: Kính tiết kiệm năng lượng, gạch block không nung, ngói đúc ép – không nung, xốp cách nhiệt (XPS), tôn lợp sinh thái, xi măng xanh, bê tông nhẹ, gạch ốp lát tái chế….
Không chỉ dừng lại ở đó, một trong những hướng đi quan trọng và đang là xu hướng trên toàn cầu là sử dụng vật liệu tái chế và tái sử dụng trong xây dựng. Các sản phẩm như gạch không nung từ tro bay, bê tông tái chế từ phế thải xây dựng hay gỗ tái chế không chỉ giúp giảm lượng rác thải mà còn tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ví dụ, tại Đức và Hà Lan, các công trình xây dựng xanh đã áp dụng rộng rãi vật liệu tái chế, giúp giảm đáng kể lượng chất thải ra môi trường. Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng đang tập trung sản xuất các vật liệu thân thiện với môi trường để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Gạch không nung là một trong những vật liệu xanh tiêu biểu, được khuyến khích sử dụng để thay thế gạch đất nung truyền thống. Công nghệ sản xuất gạch không nung giúp giảm đáng kể lượng khí thải CO2 nhờ việc loại bỏ quá trình nung bằng than hoặc nhiên liệu hóa thạch. Không chỉ có độ bền cao, khả năng cách âm, cách nhiệt tốt, gạch không nung còn giúp giảm tác động đến môi trường. Một số công trình lớn tại Việt Nam, như các khu đô thị sinh thái Ecopark hay nhà máy của TOTO Việt Nam, đã bắt đầu ứng dụng loại vật liệu này để hướng đến phát triển bền vững.
![]() |
Gạch xây không nung là một trong những vật liệu xanh tiêu biểu, được khuyến khích sử dụng để thay thế gạch đất nung truyền thống. |
Bê tông xanh cũng là một giải pháp hiệu quả, khi được sản xuất từ các thành phần có nguồn gốc tái chế như tro bay, xỉ thép và sợi tự nhiên. Không chỉ giúp giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, bê tông xanh còn có khả năng hấp thụ CO2 từ không khí, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính. Trên thế giới, nhiều công trình nổi bật như các tòa nhà sinh thái tại Singapore hay dự án The Edge ở Hà Lan đã ứng dụng bê tông xanh để giảm lượng khí thải carbon trong suốt vòng đời công trình.
![]() |
Bê tông xanh đã và đang là sản phẩm có giá trị cao, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các ngành xây dựng và công nghiệp |
Ngoài các vật liệu cấu trúc, các giải pháp hoàn thiện bề mặt cũng đang được cải tiến theo hướng thân thiện với môi trường. Trong đó, sơn sinh học, sơn không chứa hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC) đang trở thành lựa chọn phổ biến nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí. Ngoài ra, còn có các vật liệu phủ bề mặt như gạch lát nền từ nguyên liệu tái chế, tấm ốp sinh thái có khả năng cách nhiệt giúp giảm bức xạ nhiệt, tiết kiệm năng lượng. Tại các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội, các công trình xanh đang ưu tiên sử dụng những loại vật liệu này để giảm chi phí vận hành và giảm tác động tới môi trường.
![]() |
Tấm ốp sinh thái giả tre mang đến không gian gần gũi và tăng hiệu quả cách nhiệt |
Công nghệ in 3D trong sản xuất vật liệu xây dựng cũng là một bước tiến quan trọng, giúp giảm thiểu lãng phí vật liệu, tối ưu hóa quy trình sản xuất và giảm khí thải CO2. Hiện nay, nhiều quốc gia đã ứng dụng công nghệ này để xây dựng nhà ở, văn phòng với tốc độ nhanh và mức tiêu hao tài nguyên tối thiểu. Một ví dụ điển hình là Dubai, nơi đã xây dựng nhiều công trình nhà ở và văn phòng bằng công nghệ in 3D, giúp tiết kiệm chi phí và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Bên cạnh đó, vật liệu xây dựng tự làm sạch như kính tự làm sạch, sơn phủ nano có khả năng chống bám bẩn và phân hủy chất ô nhiễm dưới ánh sáng mặt trời đang ngày càng phổ biến. Những vật liệu này không chỉ giúp công trình bền vững hơn mà còn giảm nhu cầu bảo trì, làm sạch, từ đó hạn chế việc sử dụng hóa chất độc hại. Nhiều tòa nhà văn phòng cao cấp tại Singapore, Mỹ đã áp dụng công nghệ này để tăng tuổi thọ công trình và bảo vệ môi trường.
![]() |
Kính tự làm sạch (Ảnh: vatlieuhoanggia) |
Ngoài ra, các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng cũng đang tích cực sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Việc lắp đặt hệ thống pin mặt trời trên mái nhà máy hay tận dụng nhiệt thải từ quá trình sản xuất để phát điện là những giải pháp giúp giảm đáng kể lượng khí thải CO2. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp như xi măng INSEE hay Tân Kỳ đã đầu tư vào năng lượng tái tạo để hướng tới mô hình sản xuất xanh và bền vững.
Thay đổi từ việc sử dụng nguyên vật liệu truyền thống sang sử dụng các vật liệu xây dựng hiện đại thân thiện với môi trường sẽ đem lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp, đơn vị đồng thời đóng góp những giá trị hữu ích cho bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi sang công nghệ xanh trong sản xuất vật kiệu xây dựng sẽ định hình một tương lai xây dựng bền vững, hiệu quả và thân thiện hơn với môi trường, đáp ứng các yêu cầu khi Việt Nam đang dần hội nhập sâu rộng vào thị trường kinh tế quốc tế.
Phạm Kiên
Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/da-dang-cac-san-pham-vat-lieu-xay-dung-than-thien-voi-moi-truong-14887.html