08:32 | 10/04/2025

Theo dấu chân “Vợ chồng A Phủ” tìm về Hồng Ngài

Nằm ẩn mình sâu trong núi rừng Tây Bắc, đường lên Hồng Ngài (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) những ngày chớm hè nắng vàng trải dài khắp triền đồi, xanh xanh một màu nương ruộng bậc thang trùng điệp. Ta nghe đâu đó lời ca “Trời chỉ có, chỉ có sao sớm sao chiều. Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau…” gắn liền với tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, dẫn lối ta đến Hồng Ngài, hang A Phủ - nơi tình yêu giữa hai nhân vật Mị và A Phủ nảy sinh đậm sâu.

Hồng Ngài là nơi viết lên tác phẩm chuyện tình “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, cũng là nơi có bài hát “Bài ca trên núi” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Hồng Ngài có địa danh nổi tiếng đó là hang A Phủ, nơi đây không những là địa danh mang giá trị lịch sử mà còn mang ý nghĩa giá trị văn hóa. Đã có nhiều nhà văn, nhà thơ và nhạc sĩ đã thổi hồn vào mảnh đất và con người nơi đây để viết lên những bản tình ca, tiếng hát mang đậm nét bản sắc người dân các dân tộc huyện Bắc Yên.

Theo dấu chân “Vợ chồng A Phủ” tìm về Hồng Ngài
Một góc Hồng Ngài nhìn từ trên cao.

Từ “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài…

Mị là cô gái trẻ đẹp, nhà nghèo, sống ở Hồng Ngài. Cô bị bắt cóc về làm vợ A Sử, làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Cô phải lao động quần quật, sống không khác gì con trâu, con ngựa. Khi mùa xuân đến, cô cũng muốn đi chơi liền bị A Sử trói đánh đứng trong buồng. Chỉ đến khi A Sử bị đánh, cô mới được cởi trói để di lấy lá thuốc, xoa dầu cho chồng. Còn A Phủ là một chàng trai nghèo, mồ côi, khỏe mạnh, gan góc và giỏi lao động. Vì đánh A sử đến phá rối cuộc chơi nên bị bắt, bị đánh đạp, bị phạt vạ, rồi trở thành người ở đợ trừ nợ cho nhà thống lí. Một lần để hổ ăn mất một con bò, A Phủ bị trói đứng, bị bỏ đói suốt mấy ngày đêm. Một đêm, khi trở dậy thổi lửa để sưởi, Mị bắt gặp dòng nước mắt chảy trên gò má đen sạm của A Phủ. Mị nghĩ về thân phận mình, đồng cảm về cảnh ngộ của A Phủ. Cô đã cắt dây trói giải thoát cho A Phủ và bỏ trốn khỏi nhà thống lí Pá Tra. Hai người đến Phiềng Sa, thành vợ thành chồng, tạo dựng một cuộc sống mới. A Phủ được sự giác ngộ của cán bộ cách mạng A Châu trở thành tiểu đội trưởng du kích. Họ cùng mọi người cầm súng để gìn giữ bản làng.

Hồng Ngài trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” là vùng quê nghèo với những căn nhà nhỏ lụp xụp, cheo leo bên sườn núi. Quanh năm, người dân chỉ trồng ngô, đay và lúa nương, chăm chỉ, chịu khó, làm quần quật cả năm cũng chỉ để nộp tô cho quan nha, thống lý. Cây thuốc phiện được trồng khá phổ biến ở thời kỳ đó. Cũng bởi tập quán canh tác lạc hậu nên trải qua nhiều năm, đất đai bạc màu, trên các triền đồi, nương rẫy chỉ còn trơ lại lớp đất cằn cỗi, trồng cây gì cũng khó. Trước đây, khi con đường nhựa chưa về với Hồng Ngài, cuộc sống người dân gần như bị cô lập bởi đường khó đi, cả tháng có khi người dân chỉ xuống huyện một lần, đó là khi chở nông sản đem bán để mua nhu yếu phẩm.

… đến Hồng Ngài ngày nay

Hồng Ngài hôm nay đã trở nên sầm uất với những của hàng tạp hóa, điểm thương mại dịch vụ mọc lên san sát; trường học, trạm y tế, trụ sở UBND, nhà văn hóa… đều được xây dựng kiên cố, khang trang, đẹp đẽ. Khi lang thang trên những con đường trong bản, qua những con đường quanh co, uốn lượn men theo sườn núi từ bản này sang bản khác, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cánh đồng ngô, những ruộng bậc thang vào mùa lúa chín vàng rực rỡ, đẹp như một bức tranh. Vào lúc bình minh và hoàng hôn, khi nhiệt độ hạ thấp, sương và mây đã phủ kín rừng núi, tạo nên khung cảnh hết sức huyền ảo, du khách sẽ như lạc vào biển mây bồng bềnh tuyệt đẹp. Hình ảnh những cô gái Mông gặt lúa, các chàng trai lên rừng kiếm củi… như gợi cho du khách về tiếng sáo Mèo văng vẳng bên tai cùng câu chuyện tình đầy bi thương của A Phủ và Mị.

Theo dấu chân “Vợ chồng A Phủ” tìm về Hồng Ngài
Hang A Phủ.

Cách trung tâm xã Hồng Ngài khoảng 4km, hang A Phủ là điểm đến nổi bật mà du khách không thể bỏ qua. Hang còn được gọi là hang Thẳm Cốp, theo tiếng dân tộc Thái có nghĩa là Ếch, bởi phía Đông của hang giống như miệng một con ếch đang đớp mồi. Hang nằm trong dãy núi, xung quanh là rừng nguyên sinh. Trước cửa hang là nương rẫy trải dài, xanh ngút tầm mắt. Bên trong hang, bạn có thể dễ dàng tìm thấy những viên đá cuội tròn xoe, những phiến đá đen họa tiết nghệ thuật óng ánh như dát vàng hay những cột thạch nhũ lấp lánh kim sa. Dưới nền hang là một dòng suối chảy dọc theo hang từ Tây sang Đông, làn nước trong veo mát lạnh. Trong kháng chiến chống Pháp, hang nằm trong khu căn cứ kháng chiến 99, gồm các xã: Song Pe, Hang Chú, Tà Xùa, Xím Vàng, Làng Chếu, Pắc Ngà, Chim Vàn, Hồng Ngài; nơi đây được Đại đội Quân báo thuộc Bộ Tổng tham mưu chọn đóng quân và cất giữ vũ khí để tìm cách vượt sông Đà, chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc năm 1952.

Hồng Ngài khác với những điểm du lịch khác, nơi đây không có những điểm tham quan siêu đẹp, không có dịch vụ cho thuê quần áo dân tộc chụp ảnh chuyên nghiệp, không có những homestay được xây dựng công phu… Tất cả những gì Hồng Ngài có là một không gian thiên nhiên hoang sơ, kỳ diệu gắn với những câu chuyện xưa và còn có cái tình mến khách của người dân bản được thể hiện qua bữa cơm đậm đà bản sắc với cơm lam, với bánh ngô, với món heo rừng… được chăm chút từ bàn tay tinh tế và tấm lòng chân tình của người dân nơi đây. Hồng Ngài chắc chắn là một điểm đến mới lạ bạn nên ghé thăm trong chuyến du lịch sắp tới của mình.

Ly Sơn

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/theo-dau-chan-vo-chong-a-phu-tim-ve-hong-ngai-14897.html

In bài viết