08:14 | 10/04/2025
Khu du lịch thác Prenn, nơi diễn ra lễ hội là một vùng đất giàu tiềm năng sinh thái và văn hóa, đỉnh núi Phượng Hoàng - nơi đặt Đền thờ Âu Lạc được bao bọc bởi rừng thông và suối nguồn tạo nên một không gian linh thiêng, gần gũi với trời đất. Việc tổ chức Giỗ tổ trong bối cảnh thiên nhiên hùng vĩ không chỉ góp phần tôn vinh công lao dựng nước của các vua Hùng mà còn gửi gắm thông điệp bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn bản sắc vùng đất Tây Nguyên.
Sự kiện có sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Lâm Đồng, cùng đại diện các sở, ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, các trường đại học, doanh nghiệp và đông đảo người dân, du khách trong và ngoài tỉnh.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng phát biểu tại buổi lễ |
Phát biểu tại buổi lễ, quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học khẳng định: “Lễ Giỗ tổ Hùng Vương là điểm tựa tinh thần, nơi kết nối tâm thức dân tộc, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Trong thời đại phát triển nhanh chóng như hiện nay, tinh thần ấy càng có giá trị trong việc xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, bảo vệ thiên nhiên như chính cách cha ông ta từng gắn bó với rừng, sông, núi, suối”.
Trong chúc văn Giỗ tổ, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng khắc họa sâu sắc công lao to lớn của các vị vua Hùng - những người khai thiên lập quốc, đặt nền móng cho một dân tộc kiên cường, yêu nước và sống thuận thiên nhiên. “Cây có cội, nước có nguồn, chim có tổ, người có tông” - câu nói được nhắc lại nhiều lần trong buổi lễ như một lời nhắc nhở về trách nhiệm thế hệ hôm nay trong việc gìn giữ rừng xanh, suối sạch, khí hậu trong lành - những yếu tố cốt lõi làm nên hồn vía đất trời Tây Nguyên.
Lễ Giỗ năm nay mang ý nghĩa đặc biệt khi trùng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, càng nhấn mạnh thông điệp gìn giữ non sông không chỉ bằng tinh thần dân tộc mà còn bằng hành động cụ thể trong bảo vệ môi trường sống. Lễ hội không chỉ dừng lại ở nghi thức tưởng niệm truyền thống mà còn là cơ hội để truyền tải thông điệp giáo dục ý thức gìn giữ tài nguyên rừng, bảo vệ không gian sinh thái, nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển bền vững. Đây chính là một sự hòa quyện giữa văn hóa - tâm linh và môi trường - sinh thái.
![]() |
Văn nghệ diễn ra tại buổi lễ |
Sau phần lễ trang nghiêm là phần hội diễn ra sôi nổi dưới chân thác Prenn - không gian văn hóa gắn liền với dòng chảy của tự nhiên. Các hoạt động văn nghệ dân gian, trò chơi truyền thống như múa sạp, bịt mắt bắt vịt đã mang lại sắc màu sinh động, thu hút đông đảo thanh niên, học sinh - thế hệ sẽ tiếp nối sứ mệnh bảo tồn văn hóa và môi trường.
Phiên chợ quê với 20 gian hàng ẩm thực truyền thống không chỉ quảng bá tinh hoa ẩm thực Việt mà còn nhấn mạnh vào tiêu chí “xanh - sạch - an toàn” trong chế biến và sử dụng thực phẩm. Các món ăn được phục vụ bằng vật liệu thân thiện với môi trường như lá chuối, ống tre, túi giấy thay vì nhựa dùng một lần - một cách làm thiết thực để lan tỏa lối sống xanh.
Không gian thư pháp - nơi người xin và cho chữ, không đơn thuần là nơi giao lưu văn hóa mà còn truyền tải tinh thần học hỏi, tôn trọng tri thức, nền tảng quan trọng trong xây dựng xã hội phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương năm nay tại Lâm Đồng đã chứng minh rằng việc kết hợp giữa bảo tồn văn hóa dân tộc với gìn giữ môi trường là hướng đi đúng đắn và cần được nhân rộng. Các tiết mục nghệ thuật dân gian của đồng bào Chăm, các làn điệu dân ca ba miền được dàn dựng công phu không chỉ lưu giữ hồn dân tộc mà còn khơi gợi lại lối sống chan hòa với thiên nhiên - nơi con người là một phần của rừng núi, suối nguồn.
Trong bối cảnh khí hậu toàn cầu biến đổi mạnh mẽ, tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác quá mức, thì mỗi lễ hội mang yếu tố sinh thái như Giỗ tổ Hùng Vương tại thác Prenn có sức lay động lớn. Lâm Đồng, vùng đất cao nguyên mát lành, đang từng bước khẳng định vị thế là điểm sáng trong xu hướng phát triển du lịch văn hóa - sinh thái, góp phần xây dựng mô hình “lễ hội xanh” vừa trang trọng vừa bền vững.
Lễ Giỗ tổ Hùng Vương tại Lâm Đồng không chỉ là nghi lễ tri ân tổ tiên, mà còn là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay: Hãy gìn giữ lấy di sản quý giá là môi trường tự nhiên - nền tảng cho mọi phát triển lâu dài của dân tộc. Từ ngọn núi Phượng Hoàng nhìn xuống, hàng ngàn người dân và du khách đang nô nức tham dự lễ hội. Tiếng chuông, tiếng trống, tiếng cười rộn rã xen lẫn tiếng suối chảy róc rách như lời ru của mẹ đất, khẳng định một niềm tin vững chắc: khi con người quay về với cội nguồn, sống hòa hợp với thiên nhiên, thì chính nơi ấy sẽ hồi sinh những giá trị bền lâu nhất. |
Lê Lĩnh - Lưu Triệu
Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/le-hoi-gio-to-hung-vuong-tai-lam-dong-hoa-quyen-giua-dao-ly-nguon-coi-va-thong-diep-gin-giu-thien-nhien-14903.html