19:04 | 17/08/2019

Thanh Hoá:

Lũ lớn cuốn gỗ "khủng" từ thượng nguồn về đâm thẳng vào nhà dân

Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, chỉ có lượng mưa rất lớn mới mang được những cây gỗ lớn có đường kính trên 1,5m, dài từ 15-20m từ những cánh rừng của Lào về Việt Nam, đâm thẳng vào nhà dân ở bản Sa Ná (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa), gây thiệt hại nặng nề.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn vừa báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về kết quả điều tra, phân tích nguyên nhân gây lũ quét trên suối Son, gây thiệt hại nặng tại bản Sa Ná.

Theo đó, lũ quét ở suối Son là lũ quét nghẽn dòng do cây cối từ thượng nguồn trôi về tạo đập tạm nơi dòng suối bị co hẹp tự nhiên, sau đó mưa cường độ lớn làm nước dâng nhanh và phá vỡ đập tạm tạo sóng lũ về hạ lưu.

Dòng nước lũ kèm cây cối bị dồn vào đoạn suối hẹp hơn so với trước đó nên gia tăng tốc độ và chuyển hướng, hướng thẳng vào các ngôi nhà ở bản Sa Ná chứ không chảy theo dòng suối uốn lượn bên cạnh bản như các trường hợp lũ nhỏ. Đây là nguyên nhân chính gây thiệt hại về người, tài sản của bản Sa Ná.

lu lon cuon go khung tu thuong nguon ve dam thang vao nha dan
Cây gỗ từ thượng lưu trôi về tạo thành đập tạm làm nghẽn dòng chảy (Ảnh: Tổng cục Khí tượng Thủy).

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, ngày 10/8, đơn vị này đã phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tiến hành điều tra, khảo sát thực tế tại suối Son, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Hai đơn vị này đánh giá, suối Son có điều kiện địa hình thuận lợi cho việc gây lũ quét. Do độ dốc lưu vực lớn, thời gian tập trung nước nhanh; lòng suối co hẹp và mở rộng liên tục, qua một số khe đá tạo ra các nút thắt dễ gây nghẽn dòng tạo nên lũ quét nghẽn dòng.

"Theo quan sát thực tế và phân tích ảnh mây vệ tinh, ra đa thời tiết thì lượng mưa ở phần thượng lưu suối Son trên đất Lào là rất lớn. Chỉ có lượng mưa rất lớn mới mang được những cây gỗ lớn có đường kính trên 1,5m, dài từ 15-20m từ các cánh rừng của Lào về Việt Nam. Trên địa bàn bản Sa Ná nơi lũ quét qua còn rất nhiều cây gỗ Pơ Mu, Sa Mộc lớn còn mắc lại, những cây này đã khô, theo điều tra những loại gỗ lớn, đặc hữu thế này chỉ còn ở các cánh rừng thuộc đất Lào và biên giới Việt - Lào" - báo cáo nêu.

lu lon cuon go khung tu thuong nguon ve dam thang vao nha dan
Thiệt hại tại bản Sa Ná. (Ảnh: Tổng cục Khí tượng thủy văn cung cấp).

Báo cáo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn phân tích tiếp, tại vị trí đầu bản Son cách bản Sa Ná về phía thượng lưu 1,9km (theo đường chim bay), theo hướng dòng chảy là 2,4km có một vị trí lòng suối thắt lại, độ rộng lòng suối 4m, độ sâu 6m (đây là độ rộng và độ sâu khi bị lũ phá ra). Khi chưa bị phá độ rộng lòng suối rất nhỏ. Vị trí mặt cắt nơi này hẹp, hai bên có hai khối đá rất lớn và chắc như thành đập.

Qua điều tra, vào khoảng 6h30 phút ngày 3/8/2019 lượng cây gỗ và đá trôi về rất nhiều đã gây nghẽn dòng suối tạo thành đập tạm (từ vị trí đập đến bản Sa Ná chênh cao 57m). Lượng cây và đất đá trôi về ngày càng nhiều, có những cây dài tới 15-17m, đường kính lên tới 2m nên làm nước dâng rất nhanh. Đến khoảng 6-7h ngày 3/8 thì đập tạm bị phá vỡ, tạo nên một đợt sóng lũ, tốc độ rất lớn mang theo cây to chảy về hạ lưu.

Không tái định cư ở khu vực đã xảy ra lũ quét

lu lon cuon go khung tu thuong nguon ve dam thang vao nha dan
Vị trí xác định bị nghẽn dòng gây lũ quét. (Ảnh: Tổng cục Khí tượng thủy văn cung cấp).

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, khu vực bị lũ quét ở bản Sa Ná và các công trình xây dựng như nhà trẻ và nhà văn hóa ở bản Son được xây dựng trên trên bãi bồi cao hay còn gọi là “Foodplain” của một con suối. Vào mùa lũ, bản Sa Ná thường xuyên bị ngập nước.

"Những năm trước đây lũ lớn đã từng ngập vào các ngôi nhà trong bản nhưng không gây ra hậu quả nghiêm trọng do không phải là lũ quét và không mang theo các cây lớn như trận lũ này. Với vị trí hiện tại của bản Sa Ná luôn tiềm ẩn nguy cơ bị ảnh hưởng nặng khi khi xảy ra lũ quét trên suối Son" - báo cáo nhấn mạnh.

lu lon cuon go khung tu thuong nguon ve dam thang vao nha dan
Vị trí bản Sa Ná. (Ảnh: Tổng cục Khí tượng thủy văn cung cấp).

Từ phân tích trên, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Viện Khoa học địa chất - khoáng sản kiến nghị không tái định cư cho người dân bản Sa Ná tại khu vực đã xảy ra lũ quét. Đồng thời không tái định ở trong các khu vực thường xuyên ngập nước, nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng lũ quét.

Theo các nhà địa chất, trong quy hoạch tái định cư cho dân cư các vùng ven sông, suối cần đặc biệt tránh các bãi bồi cao với hệ thống suối quanh co bên cạnh. Đây không phải là những khu vực được quy hoạch để xây dựng các công trình dân sinh.

Ngoài ra, hai cơ quan này cũng đề nghị Bộ Tài nguyên - môi trường giao điều tra, khảo sát tiếp các khu vực tiềm ẩn nguy cơ nghẽn dòng gây lũ quét, sạt lở trong khu vực để đề xuất với địa phương về phương án tái định cư cho người dân trên lưu vực suối Son.

Bản Sa Ná có 74 ngôi nhà của bà con đồng bào dân tộc Thái, được chia làm 3 tổ. Trong đó, tổ 3 gồm hơn 30 hộ gia đình sinh sống ngay cạnh dòng suối Son. Trận lũ lịch sử xảy ra vào sáng ngày 3/8, cuốn trôi hơn 20 ngôi nhà của bà con ở tổ 3, bản Sa Ná, cùng 14 người.

Lực lượng chức năng và người dân đã phát hiện, cứu sống được 4 người ngay sau đó. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đã có 2 người chết, 8 người vẫn còn mất tích. Thiệt hại do mưa lũ gây ra tại bản Sa Ná ước tính hơn 100 tỉ đồng.

Theo Dân trí

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/lu-lon-cuon-go-khung-tu-thuong-nguon-ve-dam-thang-vao-nha-dan-1701.html

In bài viết