10:58 | 19/08/2019

Báo động tình trạng đuối nước khi tắm biển

Thời gian qua, liên tiếp xảy tình trạng khách du lịch bị đuối nước khi đi tắm biển, tình trạng này đang dấy lên lo ngại về việc đảm bảo an toàn tại các bãi tắm biển hiện nay.
Du lịch Ninh Thuận: Sự khác biệt “hút” dự án nghìn tỷ Bất động sản du lịch: Những mắt xích tiềm năng Biệt đội vớt rác du lịch

Ngày 12/8, thi thể 2 nạn nhân cuối cùng trong vụ 6 người đuối nước khi tắm biển ở Bình Thuận đã được lực lượng chức năng tìm thấy. Trước đó không lâu, ngày 22/6, tại bãi biển Hải Tiến (Thanh Hóa), 2 du khách quê Bắc Giang và Thái Nguyên cũng bị sóng cuốn mất tích. Việc đau lòng tương tự cũng từng xảy ra tại huyện đảo Cô Tô và bãi tắm Hạ Long (Quảng Ninh) khoảng giữa năm 2019. Không chỉ ập xuống du khách trong nước, mà tai họa còn xảy ra cả với du khách nước ngoài.

Nếu liệt kê đủ số vụ, chúng ta sẽ không khỏi giật mình, bởi hầu như năm nào nước ta cũng có những vụ việc đau lòng xảy ra ở các bãi tắm du lịch biển. Điều đó đang cho thấy, công tác đảm bảo an toàn trong hoạt động này đang bộc lộ quá nhiều lo ngại.

thay gi tu tinh trang di tam bien bi duoi nuoc lien tiep
Hiện trường nơi xảy ra vụ đuối nước đáng tiếc khi tắm biển tại Bình Thuận ngày 12/8.

Thông thường mỗi năm vào các dịp hè hoặc nghỉ lễ, các cơ quan, đơn vị và các gia đình thường tổ chức đi du lịch trong đó có đi du lịch biển, và các bãi tắm biển nội địa thường là lựa chọn của không ít người, bởi chi phí phải chăng, khoảng cách di chuyển không quá xa. Tuy nhiên trong các chuyến du lịch ấy, sẽ có những du khách thiếu may mắn không thể trở về nhà và họ để lại bao dư âm đau thương mất mát cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Niềm hân hoan trước khi du lịch dâng trào bao nhiêu, khi lâm họa trở nên bàng hoàng, hụt hẫng bấy nhiêu. Những sự vụ liên tiếp đã cho thấy, không chỉ gây ra cảnh mất mát cho các gia đình nạn nhân, mà nó đang gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng mất an toàn ở các bãi biển.

Mỗi sự vụ xảy ra với tình huống khác nhau, nhưng thường do các nguyên nhân chủ yếu như khi tắm du khách gặp phải sóng to gió lớn, bơi vào vùng nước xoáy, bị chuột rút, bơi quá xa bờ, hoặc bất chấp tắm biển khi thời tiết xấu; một bộ phận khách du lịch còn tâm lý chủ quan biết bơi... Trong khi thực tế, nạn đuối nước có tính nguy hiểm rất cao, có thể "đánh bại" một người lớn có khả năng bơi lội giỏi, chứ chưa nói tới đối tượng phụ nữ, trẻ em, người không biết bơi.

Những tai nạn đuối nước liên tục khi tắm biển thời gian qua đang cho thấy, công tác cứu hộ, đảm bảo an toàn ở các bãi tắm, khu du lịch biển chưa được chú trọng đúng mức.

Cụ thể, công tác cứu hộ một số bãi biển chưa đảm bảo về con người, phương tiện cứu hộ và các quy định cảnh báo cần thiết cho du khách; người dân chưa đầy đủ theo quy định. Thậm chí dù đã có quy chuẩn về việc bố trí, thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn nhưng công tác cảnh báo bằng biển báo vẫn còn thiếu, sơ sài. Nhiều nơi chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh dịch vụ để thu phí từ du khách.

Bên cạnh đó, công tác cứu hộ, cứu nạn thiếu đồng bộ, nhiều bất cập. Đơn cử như trong dịp đi tắm tại bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) thời gian gần đây, bản thân tác giả được chứng kiến, ngày thường cũng như ngày nghỉ, số người trực cứu hộ vẫn không thay đổi. Đáng chú ý, những nghỉ lễ, du khách đổ về các bãi tắm đông lên thì phải tăng cường thêm nhân viên cứu hộ. Tuy nhiên vẫn chỉ với ngần ấy nhân viên, thử hỏi làm sao có thể bao quát hết toàn bộ bãi tắm hàng vạn người cùng một thời điểm?

Thậm chí còn có phản ánh rằng, công tác cứu hộ, cứu nạn ở nhiều bãi biển "chỉ mang tính hình thức". Bởi trong nhiều trường hợp đuối nước là do sự lơ là của các nhân viên cứu hộ tại bãi biển; sự chậm chạp, hạn chế về chuyên môn xử lý và phương tiện sơ cứu đã đánh mất đi cơ hội cứu người.

Thiết nghĩ từ các nội dung đã trình bày, bên cạnh việc quan tâm đầu tư trang bị các phương tiện, dụng cụ cứu hộ cứu nạn, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và nhắc nhở du khách, người dân đến tắm ở các khu vực bãi tắm tuân thủ các quy định an toàn.

Các bãi tắm phải bố trí đủ chòi canh, cắt cử lực lượng trực cứu hộ, phương tiện cứu hộ, hệ thống loa phát thanh, pháo cứu hộ, dây cứu hộ; lực lượng cứu hộ phải đáp ứng số lượng, chất lượng, thường xuyên túc trực 24/24h ở các bãi tắm để cảnh báo, nhắc nhở, du khách, người dân không tắm ở các khu vực nguy hiểm và sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra. Tăng cường nhân viên cứu hộ mỗi dịp lễ, tết với phương châm công tác đảm bảo an toàn du lịch biển cần được ưu tiên hàng đầu.

Tuy nguy hiểm, song những tai nạn kể trên đều có thể ngăn ngừa bằng cách chủ động phòng ngừa. Và để tự cứu mình, chính những người đi du lịch cũng cần tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng xử lý cần thiết. Có như vậy, mỗi người mới có thể tận hưởng trọn vẹn những khoảng thời gian thư thái, bên người thân, gia đình và bạn bè mỗi khi đi du lịch biển.

Kim Chiến

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/bao-dong-tinh-trang-duoi-nuoc-khi-tam-bien-1725.html

In bài viết