06:30 | 23/08/2019

Nâng cao chất lượng đào tạo lao động ngành nông nghiệp

Phần đông lao động Việt Nam làm việc trong ngành nông nghiệp, nhưng đa phần thiếu các kỹ năng cần thiết trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa hiện nay.
nang cao chat luong dao tao lao dong nganh nong nghiep Thủ tướng: Phát triển miền Trung, đừng để "hai chân dẫm vào nhau"

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sau khi thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, đến nay ngành nông nghiệp đã triển khai tổ chức đào tạo được trên 2,3 triệu lao động học nghề nông nghiệp (giai đoạn 2016-2019 đã đào tạo 1,15 - 1,4 triệu lao động, đạt 82% so với mục tiêu; còn 250.000 lao động đến năm 2020 sẽ hoàn thành đào tạo).

Tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nâng cao thu nhập đạt trên 90%. Nông dân sau khi học nghề nông nghiệp đã áp dụng được kỹ năng mới vào sản xuất. Nhiều lao động sau học nghề đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập gấp 3 - 4 lần trước đây. Giá trị sản xuất tăng từ 83 triệu đồng/ha (2015) lên 90,1 triệu đồng/ha (2018). Năng suất lao động tăng 3,5 - 4%/năm. Nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm từ 80% (2015) lên đến 90% (2018).

nang cao chat luong dao tao lao dong nganh nong nghiep
Nâng cao công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng phát sinh một số khó khăn như doanh nghiệp chưa hỗ trợ kinh phí kịp thời, đủ như cam kết trong hợp đồng. Nhiều học sinh tốt nghiệp không muốn đi làm ở các doanh nghiệp theo sự bố trí của nhà trường. Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp được bố trí việc làm nhưng lương thấp, vất vả, đi làm xa nên bỏ việc. Bên cạnh đó là yêu cầu nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp; thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; đào tạo chuyển đổi cho lực lượng lao động dư thừa trong thời kỳ cách mạng 4.0; hướng đến chuẩn quốc tế trong công tác đào tạo.

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT) chia sẻ với báo chí bên lề Hội thảo Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn: "Trong xu thế mới, chúng ta vẫn phải tiếp tục cải tiến đào tạo để cơ cấu nghề thay đổi. Hiện nay, cơ cấu nghề đang bất hợp lý. Tỷ lệ học nghề thấp trong khi lao động qua đại học rất cao dẫn tới tình trạng thừa thầy thiếu thợ. Ngoài ra, giúp học sinh ngay trong nhà trường để khuyến khích niềm đam mê, yêu kinh doanh nông nghiệp. Đã có thời gian dài do nhiều lý do khiến nhận thức về lĩnh vực nông nghiệp chậm phát triển, năng suất thấp… Nhà trường đã làm tốt về kiến thức kỹ thuật nhưng về mảng kỹ thuật gắn với kinh doanh, gắn với thực tiễn lại chưa được chú trọng, nên 2 cái này phải được kéo lại gần nhau hơn".

Vì vậy, nâng cao nguồn nhân lực là chiến lược số một cho sự phát triển nông nghiệp, trong đó có những hệ thống khác nhau như khuyến nông, đào tạo dài hạn những hệ thống này đều có ưu nhược điểm của nó, làm thế nào để kéo lại gần với nhau. Nhưng thực thế để kéo lại gần với nhau còn khá xa.

Bên cạnh đó, muốn phát triển nền nông nghiệp mạnh thì phải phát triển nguồn nhân lực, thu hút được cá nhân xuất sắc, sáng tạo trong nông nghiệp. Thực tế có rất nhiều, nhưng việc đánh giá năng lực không chỉ là đánh giá qua bằng cấp mà phải học mọi nơi mọi chỗ, vấn đề là đánh giá và cấp chứng chỉ công nhận kỹ năng nghề đến đâu thì ở Việt Nam không thiếu người nông dân xuất sắc, người kinh doanh nông nghiệp tài nhưng khâu đánh giá kỹ năng nghề cần phải khắc phục.

Đồng thời, phải tạo điều kiện để tất cả người lao động kết nối với nhau, tạo thông tin về nghề nghiệp, có cơ hội tiếp cận kỹ năng về nghề ở mọi chỗ, và cách tốt nhất là học trong thực tiễn. Theo kinh nghiệm của một số nước là thành lập hội đồng nghề là một giải pháp.

nang cao chat luong dao tao lao dong nganh nong nghiep
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác.

Cái yếu nhất trong việc đào tạo nghề trong nông nghiệp là muốn phát triển được thì cần chiến lược dài, mà muốn xây dựng được nó và gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới, hiện đại hóa nền nông nghiệp thì thời gian tới đào tạo nghề phải là định hướng chiến lược đối với khu vực nông thôn. Với con số 6,5 triệu người sẽ được đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, trong đó có hơn 2 triệu có thể hoàn thành vào năm 2020, như vậy nghề nông nghiệp sẽ đóng góp vào trong chương trình trong quyết định 1956. Do đó, để đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, quan trọng nhất là chất lượng đào tạo nghề.

Đồng quan điểm, ông Đào Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho rằng, cần tiếp tục rà soát, đánh giá lại chính sách hỗ trợ cho đào tạo cho lao động nông thôn, nông nghiệp và xác định mục tiêu đào tạo cụ thể trong từng giai đoạn để thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng trên. Có thể, hình thành một đề án chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn cho giai đoạn 2021-2025 hay không phụ thuộc vào trên cơ sở sơ kết 10 năm và ý kiến các bộ ngành, địa phương.

Hiện nay, yêu cầu chuyển đổi nghề rất lớn. Với xu hướng phát triển khoa học công nghệ, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hỗ trợ cho người lao động rất tiện ích, không đòi hỏi phải đào tạo dài mà đào tạo một cách cơ bản. Hỗ trợ cho họ học liên tục, cập nhật, bổ sung kiến thức. Trong giai đoạn sau 2020 sẽ phải có đề xuất cho giai đoạn 5 năm tới nhằm đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động để mỗi người đều có nghề, có năng lực để thích ứng với xu hướng thay đổi rất nhanh của thế giới.

Từ đó cho thấy, việc đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức và kỹ năng, phẩm chất và thái độ đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp thông minh có vai trò quan trọng, mang tính quyết định đến sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp.

Đông Nghi

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/nang-cao-chat-luong-dao-tao-lao-dong-nganh-nong-nghiep-1846.html

In bài viết