09:25 | 26/08/2019

Đề xuất giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử hàng hóa xuất nhập khẩu

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu.
Sửa đổi, bãi bỏ nhiều điều kiện sản xuất, nhập khẩu ôtô Bộ Tài chính bãi bỏ một số chính sách thuế xuất, nhập khẩu
de xuat giai phap quan ly hoat dong thuong mai dien tu hang hoa xuat nhap khau
Việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp quản lý, xây dựng khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu là cần thiết - Ảnh MH.

Internet xuất hiện tại Việt Nam hơn 20 năm qua đã tác động sâu sắc và toàn diện tới kinh tế và xã hội đất nước. Sau giai đoạn hình thành và phổ cập, từ năm 2016 thương mại điện tử nước ta bước sang giai đoạn phát triển. Theo số liệu công bố của Statista (Hãng nghiên cứu thị trường của Đức), năm 2018, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đạt 2,269 tỉ USD và nằm trong top 6 nền thương mại điện tử phát triển nhất năm 2018.

Nhằm tìm được những giải pháp tốt nhất trong việc quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, ngày 26/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1254/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020; đồng thời giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng “Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” .

Mục tiêu của Đề án là đưa ra các giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đảm bảo việc quản lý toàn diện của nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định pháp luật tránh việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để trốn thuế, vi phạm các chính sách mặt hàng, sở hữu trí tuệ, xuất xứ, vận chuyển hàng cấm vào Việt Nam và ngược lại.

Tất cả các giao dịch về việc đặt hàng, bán hàng trực tuyến được coi là thương mại điện tử. Tuy nhiên, do nguồn lực về con người, thời gian, kinh phí còn hạn chế, vì vậy, đề án chỉ tập trung nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát, tạo thuận lợi cho các giao dịch thương mại điện tử được thực hiện trên các sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc các website thương mại điện tử bán hàng.

Đối tượng điều chỉnh của đề án gồm: Cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử: cơ quan hải quan, cơ quan thuế, cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan quản lý hoạt động thương mại điện tử...; người mua hàng (tổ chức, cá nhân); người bán hàng; chủ các sàn giao dịch thương mại điện tử; các doanh nghiệp thực hiện việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, doanh nghiệp là đại lý cho các sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng, doanh nghiệp là đại lý làm thủ tục hải quan.

Đề án được chia làm 4 chương, gồm các nội dung: Tổng quan về thương mại điện tử; Thực trạng quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Mô hình và giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Tổ chức thực hiện.

Thu Vân

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/de-xuat-giai-phap-quan-ly-hoat-dong-thuong-mai-dien-tu-hang-hoa-xuat-nhap-khau-1933.html

In bài viết