23:10 | 27/08/2019

Giải pháp cho doanh nghiệp trước làn sóng phòng vệ thương mại

Thời gian gần đây, số các vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại xảy ra với tần suất ngày càng dày đặc. Trước tình hình trên, Bộ Công Thương và các chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp cần có chiến lược tổng thể và tuân thủ pháp luật.
Đề xuất giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử hàng hóa xuất nhập khẩu Cần kiểm soát rủi ro đầu tư trái phiếu doanh nghiệp Hơn 30 doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Mỹ được hưởng mức thuế 0%

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Trịnh Khôi Nguyên, bình quân mỗi tháng có 1 vụ việc điều tra liên quan đến chống bán phá giá trong ngành thép. Cụ thể, hồi đầu tháng 8, Ấn Độ áp thuế lên ống thép không rỉ của Việt Nam tới 5 năm sau khi điều tra chống bán phá giá. Chỉ một tháng trước đó, Mỹ cũng áp thuế 456,23% lên một số sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam nhưng có xuất xứ từ Hàn Quốc hoặc Đài Loan.

giai phap cho doanh nghiep truoc lan song phong ve thuong mai
Một số sản phẩm thép xuất khẩu Việt Nam bị áp thuế cao. Ảnh minh hoạ: AFP.

Bên cạnh thép, ngành hàng thủy sản, nông sản, giầy dép… cũng “nóng” với các cáo buộc lẩn tránh thuế chống bán giá giá. Mới đây, Tập đoàn Minh Phú - nhà xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam và là một trong những nhà xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới bị cáo buộc mua tôm Ấn Độ và chế biến qua tại Việt Nam trước khi xuất sang Mỹ nhằm trốn thuế chống bán phá giá.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), nguyên nhân chủ yếu là do các đối tác nhập khẩu nghi ngờ hàng hóa chưa đáp ứng điều kiện “chuyển đổi đáng kể” tại Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng đang bị áp thuế phòng vệ thương mại được xuất khẩu với số lượng lớn, gia tăng đột biến sang các nước, hoặc các mặt hàng bị nghi ngờ về năng lực sản xuất của Việt Nam.

Trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương nhận định, các nước có xu hướng tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường trong nước trước sự thâm nhập của hàng hoá nước ngoài, tránh tác động lâu dài tới sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hàng loạt hiệp định thương mại tự do có yêu cầu cao về xuất xứ. Nếu không có biện pháp kiểm soát thích hợp, các vụ kiện phòng vệ thương mại sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và sản xuất trong nước.

Để ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế, cũng như bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ được ban hành mới đây.

Ông Trịnh Khôi Nguyên cho rằng, các doanh nghiệp thành viên cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, cải tiến, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp để từ đó hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh rủi ro; tuân thủ pháp luật thương mại, pháp luật cạnh tranh quốc tế… Khi xảy ra các vụ việc cần có sự hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra, Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng để làm rõ vụ việc.

Một số chuyên gia cũng khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu cần thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng cho sản phẩm cùng các đối thủ cạnh tranh khác; tăng cường đầu tư nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm…

Diệu Anh (T/H)

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/giai-phap-cho-doanh-nghiep-truoc-lan-song-phong-ve-thuong-mai-1983.html

In bài viết