20:07 | 03/09/2019

Nguồn gây ô nhiễm môi trường nước các lưu vực sông

Ô nhiễm môi trường nước tại các lưu vực sông (LVS) xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, một phần do tiếp nhận chất thải từ các nguồn xả thải vào LVS, một phần do sự lan truyền chất ô nhiễm trong môi trường nước...
Sức ép lên môi trường nước tại các lưu vực sông Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018

Bài viết này chỉ đề cập đến một số nguồn phát sinh chính, bao gồm: nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, y tế và chất thải rắn (CTR).

Theo số liệu thống kê gần nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tính đến năm 2017, tổng lưu lượng nước thải xả thải trên toàn quốc theo giấy phép xả thải đã cấp khoảng 100 triệu m3/ngày/đêm. Tùy theo khu vực, vùng miền, tỷ lệ nước thải phát sinh từ các nguồn là khác nhau. Tuy nhiên, lượng nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu nước thải phát sinh. Bên cạnh các nguồn nước thải kể trên, một lượng không nhỏ CTR không được kiểm soát, đổ bừa bãi cùng với các khu vực xử lý CTR không đảm bảo quy định cũng là nguy cơ làm ô nhiễm các các nguồn nước trong LVS.

nguon gay o nhiem moi truong nuoc cac luu vuc song

Nhiều đoạn thuộc lưu vực các sông Nhuệ - sông Đáy bị ô nhiễm nghiêm trọng do tập trung nhiều nguồn nước thải.

Nước thải sinh hoạt

Nước thải sinh hoạt bao gồm nước thải từ hoạt động sinh hoạt của các hộ gia đình và nước thải từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, khu du lịch...). Tỷ lệ nước thải sinh hoạt trên tổng lượng nước thải trực tiếp ra các sông hồ, hay kênh rạch dẫn ra sông khá cao, chiếm đến trên 30%. Theo số liệu tính toán, Đông Nam Bộ (ĐNB) và Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là hai vùng tập trung nhiều lượng nước thải sinh hoạt nhất cả nước, chiếm tỷ lệ tương ứng là 20% và 23% tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh trên cả nước.

Kết quả ước tính lượng nước thải sinh hoạt phát sinh trên một đơn vị diện tích tại các vùng trên cả nước cũng cho thấy, áp lực về nước thải sinh hoạt đối với vùng ĐBSH là lớn nhất, tiếp đến là khu vực ĐNB. Đây là hai khu vực có kinh tế phát triển mạnh, thu hút đông đảo lực lượng lao động từ các nơi khác đến. Trong đó, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai đô thị đặc biệt có dân số tập trung cao, đi kèm với đó là lượng nước thải sinh hoạt phát sinh chiếm tỷ lệ lớn trong vùng (Hà Nội chiếm hơn 37% tổng lượng nước thải sinh hoạt của khu vực ĐBSH, TP. Hồ Chí Minh chiếm trên 54% tổng lượng nước thải của vùng ĐNB).

Lượng nước thải phát sinh trên một đơn vị diện tích đất ở khu vực đô thị lớn hơn nhiều so với khu vực nông thôn. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải của các hệ thống thoát nước và tiếp nhận nước thải tại các thành phố, ảnh hưởng lớn đến chất lượng các nguồn tiếp nhận. Hệ thống thoát nước đô thị Việt Nam chủ yếu dùng chung cho cả thoát nước thải và nước mưa. Theo các số liệu tổng hợp, ước tính có khoảng 60% hộ gia đình ở đô thị có đấu nối vào hệ thống thoát nước công cộng. Tỷ lệ đấu nối này khác nhau ở mỗi thành phố, tuỳ thuộc vào mật độ dân số và điều kiện địa chất. Số liệu báo cáo năm 2018 cho thấy, tỷ lệ nước thải sinh hoạt ở các đô thị loại IV trở lên được thu gom, xử lý đạt khoảng 12,5%, tăng 5% so với giai đoạn 2011 - 2015, với 45 nhà máy, trạm xử lý nước thải (XLNT) tập trung đặt tại 29 tỉnh, thành phố.

Tỷ lệ số đô thị có công trình XLNT sinh hoạt đạt tiêu chuẩn tỷ lệ thuận với cấp đô thị. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến năm 2018, tỷ lệ khu đô thị (từ loại III trở lên) được đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung là 39% với 43 nhà máy XLNT tập trung đã đi vào hoạt động, tổng công suất thiết kế đạt 926.000 m3/ngày/đêm. Nếu kể cả các dự án đang xây dựng, có khoảng 80 hệ thống XLNT tập trung, tổng công suất thiết kế khoảng 2.400.000 m3/ngày/đêm. Tuy nhiên, các nhà máy đã đi vào hoạt động mới chỉ đáp ứng được khoảng 13% nhu cầu. Nhiều nhà máy đã xây dựng xong hệ thống xử lý nhưng chưa hoàn thành hệ thống cấp thoát nước đồng bộ, dẫn đến các nhà máy chưa hoạt động hết công suất, chỉ khoảng trên dưới 20% công suất thiết kế.

Mặc dù số lượng công trình XLNT đô thị có tăng qua các năm, tuy nhiên con số này còn rất nhỏ so với yêu cầu thực tế cần xử lý. Ở các đô thị lớn, tỷ lệ lượng nước thải được xử lý cao hơn các đô thị vừa và nhỏ nhưng vẫn ở mức thấp, chưa đáp ứng được với tốc độ đô thị hóa hiện nay. Tại Hà Nội, mới có khoảng 20,62% tổng lượng nước thải sinh hoạt của thành phố được xử lý, trong khi tại TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ lượng nước thải sinh hoạt được xử lý khoảng hơn 10%. Đặc trưng của nước thải sinh hoạt có chứa nhiều chất dinh dưỡng, hàm lượng chất rắn lơ lửng, BOD5 và các hợp chất hữu cơ chứa nitơ rất cao; nước thải chứa lượng lớn coliform. Bên cạnh đó, nước thải sinh hoạt còn chứa dầu mỡ và các chất hoạt động bề mặt có nguồn gốc phát sinh do sử dụng các chất tẩy rửa trong sinh hoạt.

Nước thải công nghiệp

Hiện nay, nhiều ngành công nghiệp đang được mở rộng quy mô sản xuất, cũng như phạm vi phân bố. Cùng với đó là sự gia tăng về nước thải, nhưng mức đầu tư cho hệ thống XLNT chưa đáp ứng yêu cầu. Vùng ĐNB, với toàn bộ các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam, nơi tập trung các khu công nghiệp (KCN) lớn được đánh giá là vùng có lượng phát sinh nước thải công nghiệp lớn nhất cả nước. Tiếp đến là vùng ĐBSH với toàn bộ các tỉnh thuộc vùng KTTĐ phía Bắc cũng có một lượng lớn các KCN và cơ sở sản xuất công nghiệp đang hoạt động.

Nước thải công nghiệp đã được chú ý kiểm soát và xử lý, đặc biệt là nước thải phát sinh từ các KCN. Tuy nhiên, tỷ lệ nước thải công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn ở mỗi địa phương có sự khác biệt. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2018, có 326 KCN đã được thành lập. Trong số 251 KCN đã đi vào hoạt động, 221 KCN đã có hệ thống XLNT tập trung hoàn chỉnh và đi vào vận hành, với công suất đạt hơn 950 nghìn m3/ngày/đêm (Biểu đồ 2.4)4.

Đối với các cụm công nghiệp (CCN), mức độ phát sinh nước thải không thua kém các KCN với mức trung bình khoảng 15-20 m3 nước thải/ha/ngày/đêm. Theo Bộ Công Thương, đến hết năm 2018, cả nước đã có 689 CCN đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 58%, trong đó chỉ có 109 CCN có hệ thống XLNT tập trung đã hoạt động, chiếm 15,8%. Vùng Tây nguyên có tỷ lệ CCN có hệ thống XLNT tập trung ít nhất (3%), nhiều nhất là vùng ĐNB (43%).

Bên cạnh các KCN và CCN, các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài KCN, CCN cũng là một trong những nguồn phát sinh nước thải công nghiệp với loại hình sản xuất đa dạng, nhiều ngành nghề. Quy mô xả thải của các cơ sở thường không lớn, nhưng do số lượng các cơ sở khá nhiều nên tổng lượng nước thải phát sinh chiếm một tỷ trọng đáng kể. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số cơ sở sản xuất kinh doanh nằm ngoài KCN, CCN lén lút xả nước thải không qua xử lý hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn vào các nguồn tiếp nhận tại các LVS.

Mỗi ngành công nghiệp có đặc trưng nước thải khác nhau về lượng phát sinh, thành phần và nồng độ các chất gây ô nhiễm, phụ thuộc vào từng loại hình sản xuất công nghiệp, công nghệ sản xuất, tuổi thọ của máy móc và trình độ quản lý của cơ sở sản xuất, của công nhân. Đối với ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, thuỷ hải sản, sản xuất giấy, nước thải thường chứa nhiều chất ô nhiễm hữu cơ trong khi nước thải của các ngành luyện kim, gia công kim loại, khai khoáng thường chứa nhiều chất ô nhiễm vô cơ. Đối với ngành công nghiệp dệt may, nước thải là mối quan tâm đặc biệt do quá trình nhuộm và hoàn tất sử dụng một lượng lớn nguyên liệu thô, nước, thuốc nhuộm và chất trợ nhuộm, thành phần nước thải thường không ổn định, thay đổi theo loại thiết bị nhuộm. Nước thải thường có nhiệt độ, độ màu và COD cao.

Đối với ngành công nghiệp giấy và bột giấy, thành phần nước thải bột giấy phụ thuộc vào nguyên liệu và công nghệ sản xuất. Đối với loại hình sản xuất giấy từ bột giấy, nước thải phát sinh dao động trong khoảng 0,5-13,5 m3/tấn sản phẩm. Nước thải thường có độ pH trung bình từ 9-11; các thông số BOD5, COD, chất rắn lơ lửng, xyanua (CN-), H2S, NH3 rất cao cần có những biện pháp xử lý và kiểm soát phù hợp. Đối với ngành luyện kim, chế biến kim loại, nước thải chứa hàm lượng rất cao phenol, xyanua, crom, COD và các chất lơ lửng. Trong khi đó, nước thải từ các khu liên hợp lọc hoá dầu có hàm lượng cao các chất hữu cơ bền vững, dầu mỡ, kim loại nặng, phenol. Đối với ngành nhiệt điện, nước thải phát sinh từ nhiều công đoạn sản xuất khác nhau. Nước thải từ quá trình làm nguội thiết bị có lưu lượng lớn, ít bị ô nhiễm và thường chỉ được làm nguội và cho chảy thẳng ra nguồn nước mặt khu vực. Nước xả từ lò hơi có nhiệt độ, độ pH cao và có chứa một lượng nhỏ dầu mỡ, cặn lò không hoà tan, chất vô cơ, cần phải tách ra khỏi loại nước làm nguội khác để xử lý. Nước thải từ các thiết bị lọc bụi và bãi thải xỉ có lưu lượng và hàm lượng cặn lơ lửng (bụi than) rất lớn. Nước thải từ các khu vực sản xuất, xưởng cơ khí, từ quá trình rửa thiết bị thường có chứa dầu, mỡ, cặn và trong trường hợp rửa lò hơi có thể chứa cả axit, kiềm, các chất rắn lơ lửng và một số ion kim loại với tổng lượng lên tới vài trăm m3/ngày. Nước thải, CTR từ hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là bùn đỏ từ các mỏ bauxite chứa hàm lượng cao các chất kiềm, kim loại. Nước thải và nước chảy tràn từ các mỏ đa kim chứa hàm lượng lớn các kim loại nặng.

Nước thải nông nghiệp và làng nghề

nguon gay o nhiem moi truong nuoc cac luu vuc song

Kết quả quan trắc tại nhiều điểm cho thấy chất lượng nước lưu vực sông Cầu vẫn chưa được cải thiện rõ rệt.

Nước thải nông nghiệp cũng đang là vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Đó là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến nguồn nước tại những địa phương có nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh như vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ĐBSH. Nước thải từ hoạt động canh tác, trồng trọt có chứa hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón, là thành phần độc hại cho môi trường và sức khỏe con người. Ước tính mỗi năm có khoảng 70.000 kg và hơn 40.000 lít thuốc trừ sâu cùng khoảng 70.000 kg vỏ bao hoá chất không được xử lý xâm nhập vào môi trường, làm gia tăng mức độ ô nhiễm nước mặt, nước ngầm. Người nông dân thường có xu hướng sử dụng phân bón nhiều hơn mức được khuyến nghị. Trong khi đó, hiệu quả sử dụng phân bón thấp, ước tính chỉ khoảng 60% cho Nitơ, 40% cho Phốtpho và 50% cho Kali. Lượng phân bón dư thừa ngấm vào đất và nước (thấm vào dòng chảy) gây ô nhiễm nguồn nước của các LVS. Lượng nước thải chăn nuôi phát sinh được ước tính trên số lượng gia súc, gia cầm và hệ số phát sinh nước thải.

Theo một số nghiên cứu ở Việt Nam, hệ số phát sinh nước thải trung bình từ hoạt động chăn nuôi tính trên đầu con vật: trâu, bò là khoảng 12,5 lít/ngày, lợn khoảng 20 lít/ngày. Tổng lượng nước thải phát sinh năm 2018 ước tính có thể lên tới xấp xỉ 6,66 triệu m3/ngày. Nước thải chăn nuôi thường có hàm lượng lớn chất rắn lơ lửng, các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh vật với một số thông số ô nhiễm đặc trưng bao gồm: BOD5, COD, tổng Nitơ và tổng Coliform.

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi tại Việt Nam có xu hướng chuyển dịch từ quy mô hộ gia đình sang chăn nuôi tập trung và thâm canh với quy mô lớn. Ô nhiễm môi trường chăn nuôi tại các vùng nông thôn ngày càng trở nên nghiêm trọng. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm là do chất thải không được kiểm soát xả thải ra môi trường. Qua thực tế khảo sát, chăn nuôi quy mô trang trại và thâm canh, mặc dù có áp dụng biện pháp xử lý môi trường, nhưng một số cơ sở vẫn gây ô nhiễm môi trường do công tác quản lý môi trường chưa chặt chẽ và áp dụng công nghệ chưa phù hợp.

Theo quy định, cơ sở chăn nuôi có tổng lượng nước thải nhỏ hơn 2 m3/ngày phải có hệ thống thu gom và hệ thống lắng, ủ nước thải hợp vệ sinh; cơ sở chăn nuôi có tổng lượng nước thải từ 2 m3/ngày đến dưới 5 m3/ngày phải có hệ thống thu gom và hệ thống xử lý chất thải đủ công suất như biogas (hệ thống khí sinh học) hoặc đệm lót sinh học phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, việc thực hiện trên thực tế còn khó khăn, bất cập.

Nước thải nuôi trồng thủy sản được ước tính trên cơ sở diện tích nuôi trồng thủy sản và hệ số nhu cầu nước nuôi trồng thủy sản (trung bình 10.000 m3/ha/năm). Nước thải nuôi trồng thủy sản trong một vụ nuôi có thể lên đến 15.000 - 25.000 m3/ha tùy thuộc vào quy trình nuôi các loại thủy sản... và có chứa nhiều thành phần độc hại và các nguồn dịch bệnh phải được xử lý triệt để trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.

Ở Việt Nam, rất ít làng nghề có hệ thống XLNT. Nước thải đổ trực tiếp ra hệ thống kênh rạch chung hoặc ra sông. Nhiều làng nghề có lưu lượng nước thải lớn, các kênh mương vốn làm nhiệm vụ tiêu thoát nước mưa và nước thải bị bồi đắp, không lưu thông, trở nên ô nhiễm trầm trọng. Đó là vấn đề ô nhiễm hữu cơ đối với các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ gia súc. Trong khi đó, ô nhiễm chất vô cơ lại chủ yếu tập trung tại các làng nghề dệt nhuộm, thủ công mỹ nghệ và mây tre đan, tái chế giấy. Nước thải các làng nghề này có hàm lượng cặn lớn và chứa nhiều chất ô nhiễm như dung môi, dư lượng các chất trong quá trình nhuộm. Làng nghề cơ khí, mạ, đúc thường ô nhiễm do các hợp chất vô cơ độc hại như axit, bazơ, kim loại nặng,… Đây là nguồn gây ô nhiễm cục bộ khá điển hình cho các con sông chảy qua các khu vực của các làng nghề.

Nước thải y tế

Nước thải y tế là nước thải phát sinh từ các cơ sở y tế bao gồm: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở y tế dự phòng; cơ sở nghiên cứu, đào tạo y, dược; cơ sở sản xuất thuốc. Trong đó, đáng kể nhất phải kể đến là nước thải bệnh viện. Các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh/thành phố đều tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Tính đến hết năm 2018, cả nước có 13.583 cơ sở y tế do Nhà nước quản lý trong đó có 1.085 bệnh viện, 579 phòng khám đa khoa khu vực và 11.830 trạm y tế xã, phường, cơ quan, xí nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Y tế đầu năm 2019, tỷ lệ nước thải y tế phát sinh tại các bệnh viện được xử lý theo quy định đạt khoảng 97,3% (không bao gồm Bệnh viện thuộc Bộ,ngành; các trạm y tế, trung tâm y tế dự phòng, phòng khám tư nhân và các trạm y tế cấp xã). Lượng nước thải y tế phát sinh khoảng 28,6 triệu m3/năm và tăng dần theo thời gian. Theo TCVN 4470:2012, định mức tiêu chuẩn cấp nước cho các cơ sở y tế trung bình 1m3/giường bệnh/ngày. Đối với các cơ sở y tế dự phòng, lượng nước cấp thường dao động từ 10 m3/ngày đến 70 m3/ngày. Đối với trạm y tế xã, phường, lượng nước cấp từ 1-3 m3/ngày. Lượng nước thải ước tính bằng 80% lượng nước cấp. Tuy nhiên, lượng nước thải thực tế thu gom phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của hệ thống thu gom trong các cơ sở y tế. Theo báo cáo của các địa phương, lượng nước thải y tế trung bình phát sinh dao động lớn trong khoảng từ 200-660 lít/ giường bệnh/ngày đêm. Một số địa phương có sự tập trung lớn các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh của khu vực có số lượng giường bệnh lớn, tương ứng là lượng nước thải y tế phát sinh cao.

Trong nước thải y tế, ngoài những yếu tố ô nhiễm thông thường như chất rắn lơ lửng, chất hữu cơ, các chất dinh dưỡng, dầu mỡ còn có những chất khoáng và chất hữu cơ đặc thù, các vi khuẩn gây bệnh, chế phẩm thuốc, chất khử trùng, các dung môi hóa học, dư lượng thuốc kháng sinh và có thể có các đồng vị phóng xạ được sử dụng trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh. Mặc dù, so với các loại nước thải khác, lượng nước thải y tế phát sinh không lớn song do tính chất đặc trưng của nước thải y tế nên loại hình nước thải này cần được quan tâm thu gom, xử lý theo quy định.

Chất thải rắn

Bên cạnh các nguồn nước thải kể trên, một lượng CTR không nhỏ chưa được kiểm soát, đổ bừa bãi không những gây ô nhiễm các dòng kênh, sông, mà có nơi còn làm tắc nghẽn dòng chảy. Ước tính lượng CTR sinh hoạt đô thị tăng 10-16% mỗi năm, tỷ lệ CTR sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt khoảng 86%9, trong số đó có khoảng 81% được xử lý đạt tiêu chuẩn. Như vậy, vẫn còn một lượng khá lớn CTR chưa được xử lý theo quy định, chưa kể tới lượng CTR chưa được thu gom, một phần không nhỏ đổ thải trực tiếp ra sông hồ, kênh rạch, đã và đang gây ô nhiễm môi trường nước, đất...

Tại khu vực ngoại thành và khu vực nông thôn, tỷ lệ CTR sinh hoạt được thu gom, xử lý chỉ khoảng 40-55%, như vậy vẫn còn khoảng gần 50% lượng CTR sinh hoạt phát sinh tại khu vực ngoại thành và khu vực nông thôn không được thu gom, xử lý. Ngoài CTR sinh hoạt, một lượng lớn CTR phát sinh từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi (khoảng 14.000 tấn bao bì hóa chất BVTV, phân bón các loại, 76 triệu tấn rơm rạ và khoảng 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi), trong đó chỉ khoảng 40-70% (tùy theo từng vùng) CTR chăn nuôi được xử lý, số còn lại thải trực tiếp thẳng ra ao, hồ, kênh, rạch.

Theo báo cáo của Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng (2018), cả nước có 35 nhà máy xử lý CTR tập trung tại các đô thị được đầu tư xây dựng và đi vào vận hành. Bên cạnh các cơ sở xử lý CTR tập trung, cả nước có khoảng 660 bãi chôn lấp CTR sinh hoạt (chưa thống kê được đầy đủ các bãi chôn lấp nhỏ rải rác ở các xã) với tổng diện tích khoảng 4.900ha, trong đó có 203 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Trong số 458 bãi chôn lấp có quy mô trên 1ha cũng chỉ có 121 bãi hợp vệ sinh. Các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh lại là các bãi rác lộ thiên, không có hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác, quá tải, không được che phủ, phun hóa chất khử mùi…, là nguy cơ làm ô nhiễm các tầng chứa nước, dẫn đến suy giảm các nguồn nước trong LVS. Năm 2017, Bộ TN&MT đã có các báo cáo chuyên đề về quản lý chất thải trong đó đã có nội dung về CTR. Do đó, báo cáo này sẽ không phân tích sâu về các vấn đề phát sinh, thu gom, xử lý của từng loại hình CTR, cũng như các đặc trưng theo từng vùng kinh tế của các loại CTR.

Thu Trang (tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/nguon-gay-o-nhiem-moi-truong-nuoc-cac-luu-vuc-song-2149.html

In bài viết