15:00 | 05/09/2019

Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị quốc tế về thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ đại dương

Với vai trò thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch Hội đồng ASEAN vào năm 2020, Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức một Hội nghị quốc tế về thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ đại dương vào năm 2020.
Xây dựng Kế hoạch Quốc gia Thích ứng với biến đổi khí hậu Bộ TN&MT đề nghị EVN đồng hành thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu

Trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ diễn ra vào tháng 9/2019 và khi cộng đồng toàn cầu đánh dấu sự khởi đầu của thập kỷ mới và đếm ngược chỉ 10 năm cho đến khi thế giới đánh giá thành tựu của Chương trình nghị sự 2030, các nước đã thực hiện các hành động để thích nghi vấn đề cấp bách của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Trong phần lớn của thế kỷ 20, mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng với tốc độ từ 1,3 đến 1,7mm/năm và kể từ năm 1993 với tốc độ từ 2,8 đến 3,6mm/năm (IPCC, 2013). Bão đang tăng cường, lượng mưa cực đoan và các sự kiện hạn hán đang trở nên thường xuyên hơn. Các vùng ven biển bị xâm nhập mặn tăng do mực nước biển dâng và thay đổi mô hình dòng chảy của sông.

viet nam se to chuc hoi nghi quoc te ve thich ung bien doi khi hau va bao ve dai duong
Rác thải nhựa đại dương đang là vấn đề "đau đầu" của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà với Đại diện thường trú của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ Na Uy tại Việt Nam vào ngày 5/7/2019 về phương hướng, nội dung tổ chức Hội nghị, Chính phủ Na Uy và UNDP sẽ hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam tổ chức hội nghị quốc tế này vào năm 2020. Kết quả từ hội nghị sẽ đưa vào các cuộc thảo luận và tranh luận tại ASEAN và UNSC.

Mục tiêu của Hội nghị cấp cao về thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ đại dương này nhằm đẩy nhanh các hành động khí hậu và tăng cường bảo vệ đại dương. Nội dung hội nghị thảo luận về những thách thức chính do biến đổi khí hậu, vấn đề ô nhiễm và xác định các cơ hội để tăng tốc các hành động tăng cường khả năng phục hồi của các quốc gia và cộng đồng dễ bị tổn thương, bảo vệ hệ sinh thái đại dương để phát triển kinh tế; đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt nhất và kết quả nghiên cứu để nâng cao kiến ​​thức về các chiến lược, hành động thích ứng thành công; khuyến khích kết nối cộng tác Nam - Nam và Bắc - Nam, thúc đẩy hợp tác và phát triển sự phối hợp giữa các sáng kiến.

Dự kiến, hội nghị sẽ có 3 Phiên toàn thể; 5 Hội thảo chuyên ngành, trong đó mỗi hội thảo chuyên ngành sẽ có 4 phiên song song theo từng nhóm vấn đề cụ thể. Chủ đề của các hội thảo chuyên ngành sẽ tập trung vào các vấn đề chính, gồm: các thành phố và cơ sở hạ tầng ven biển có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu; khả năng chống chịu của các cộng đồng và hệ sinh thái dễ bị tổn thương; thích ứng ngành để duy trì tăng trưởng kinh tế đại dương; ô nhiễm và rác thải đại dương; tài chính khí hậu.

Kết quả hội nghị sẽ đưa ra một tuyên bố chung về các bước quan trọng trong việc xây dựng khả năng phục hồi của các quốc gia và cộng đồng dễ bị tổn thương và duy trì sự tăng trưởng của nền kinh tế đại dương.

Hội nghị sẽ có sự tham dự và phát biểu của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo Chính phủ Na Uy và lãnh đạo chính phủ một số quốc gia đảo nhỏ, thu hút sự tham gia của hơn 400 đại biểu tới từ 58 nước đang phát triển, 11 nước phát triển; trong đó có 10 quốc gia ASEAN, một số quốc gia phát triển thuộc G20, một số quốc đảo nhỏ, một số quốc gia dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu và nước biển dâng, các tổ chức quốc tế; đại diện một số nhà tài trợ đa phương, song phương, các đối tác quốc tế, các cơ quan thông tấn, báo chí trong, quốc tế.

Mai Hoa

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/viet-nam-se-to-chuc-hoi-nghi-quoc-te-ve-thich-ung-bien-doi-khi-hau-va-bao-ve-dai-duong-2214.html

In bài viết