15:35 | 05/09/2019

Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng để kiểm soát ô nhiễm

Nhằm mở ra một diễn đàn cho các nhà nghiên cứu và sinh viên trao đổi ý tưởng, thảo luận về kết quả nghiên cứu cũng như những tiến bộ trong phát triển bền vững tại khu vực Đông Á, ngày 4/9, Đại học Xây dựng Hà Nội và Đại học Saitama (SU, Nhật Bản) tổ chức hội thảo về tái chế phế thải xây dựng.
Những khó khăn trong tái chế tro, xỉ, thạch cao nhiệt điện Xử lý và tái chế rác thải công nghiệp nguy hại
thiet lap he thong quan ly phe thai xay dung de kiem soat o nhiem

Các đại biểu cắt băng khánh thành phòng thí nghiệm Stareps tại Đại học Xây dựng Hà Nội. (Ảnh: JICA cung cấp)

Đây là lần thứ hai hội thảo về tái chế phế thải xây dựng được tổ chức trong khuôn khổ dự án SATREPS "Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam", được Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản chấp thuận, triển khai từ tháng 2/2018 cho đến tháng 2/2023.

Dự án sẽ cung cấp nền tảng cho hoạt động quản lý phế thải xây dựng bền vững và thân thiện với môi trường và hệ thống tái chế của Hà Nội thông qua việc ứng dụng các công nghệ của Nhật Bản.

Các hoạt động chính của dự án trong giai đoạn 1 như: xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật cho việc xây dựng hệ thống quản lý phế thải xây dựng thân thiện với môi trường; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn, quy định về quản lý và tái chế phế thải xây dựng Việt Nam; phát triển công nghệ mới tái chế từ tận dụng hợp lý phế thải xây dựng, ứng dụng trong một số lĩnh vực xây dựng, hạ tầng giao thông, kiểm soát ô nhiễm môi trường; đề xuất mô hình kinh doanh chiến lược cho việc tái chế phế thải xây dựng và kế hoạch khả thi tái chế phế thải xây dựng nhằm đáp ứng chiến lược quốc gia về quản lý phế thải xây dựng đến năm 2025, tầm nhìn 2050.

Tại Việt Nam, phế thải xây dựng là loại phế thải đặc biệt và tăng trưởng rất nhanh, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP. HCM… Tuy nhiên, hệ thống quản lý, hệ thống tái chế còn chưa đủ năng lực, khó đáp ứng hết nhu cầu.

Do đó, chiến lược quốc gia về quản lý chất thải và bảo vệ môi trường tầm nhìn đến năm 2025 đã được xây dựng, trong đó có dự án SATREPS - Dự án hình thành với mục tiêu phát triển hệ thống quản lý tái chế phế thải xây dựng thân thiện môi trường, nâng cao nhân lực và đào tạo đội ngũ chuyên môn, công nghệ cao trong lĩnh vực tái chế phế thải xây dựng.

Cùng ngày, trong khuôn khổ dự án, đã diễn ra lễ khai trương phòng thí nghiệm dự án SATREPS (Phòng thí nghiệm SATREPS), đặt trong tòa nhà dành cho thí nghiệm của Trường đại học Xây dựng, và được trang bị nhiều thiết bị kiểm tra, phân tích từ Nhật Bản.

thiet lap he thong quan ly phe thai xay dung de kiem soat o nhiem
Thiết bị kiểm tra, phân tích. (Ảnh: JICA cung cấp)

Các hoạt động chính của phòng thí nghiệm bao gồm: điều tra tình trạng phát sinh phế thải xây dựng và tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu xử lý phế thải xây dựng, phát triển các tiêu chuẩn cho vật liệu tái chế, phát triển các công nghệ khác nhau sử dụng vật liệu tái chế cũng như thử nghiệm sản xuất và tiếp thị vật liệu tái chế; phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực cho các đối tác Việt Nam thông qua các hoạt động thử nghiệm và nghiên cứu chung.

Thúy Hà

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/thiet-lap-he-thong-quan-ly-phe-thai-xay-dung-de-kiem-soat-o-nhiem-2216.html

In bài viết