05:00 | 06/09/2019

Khó thay thế đồ nhựa dùng một lần?

Giá rẻ, tính tiện lợi cao khiến các sản phẩm đồ nhựa dùng một lần dù không được khuyến khích sử dụng nhưng vẫn rất khó để thay thế.
Cuốn hút, độc đáo từ những sản phẩm nhựa thân thiện môi trường TP.HCM: Hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần Đồng bằng sông Cửu Long: Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần

Đó là thực tế đang diễn ra trên thị trường dù Chính phủ đang ra sức khuyến khích các hành vi tiêu dùng hạn chế dùng đồ nhựa không tái chế được, thay bằng các loại vật liệu sinh học có thể tái chế hoặc có thời gian phân hủy nhanh mà không gây hại đến môi trường.

Khó thay thế đồ nhựa dùng một lần?
Việc sử dụng quai xách, ống hút thân thiện với môi trường thay thế cho đồ nhựa dùng một lần không dễ dàng vì giá thành cao. Ảnh:P.Tùng

Khó nói "không" với đồ nhựa dùng một lần

Hơn 2 tháng nay, quán cà phê, trà Đông Dương và cà phê Tự Do trên đường Phan Trung (phường Tân Tiến, TP. Biên Hòa) bắt đầu thay thế ly nhựa dùng một lần bằng ly thủy tinh để phục vụ khách hàng. Ống hút nhựa, túi nilon cũng được 2 quán này thay thế bằng ống hút làm từ bột gạo và quai xách ly bằng tre.

Bà Cao Thị Hương Trang (chủ 2 quán trà, cà phê Đông Dương và Tự Do) cho hay, việc làm của quán xuất phát từ mục đích bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để làm điều này, quán cũng đã phải chấp nhận giảm bớt một phần lợi nhuận.

Theo bà Cao Thị Hương Trang, hiện nay 1kg ống hút làm từ bột gạo có giá thành khoảng 60.000 đồng, cao gấp đôi so với ống hút nhựa. Tương tự, giá quai xách từ tre cũng có giá cao gần gấp đôi so với giá túi xách làm từ nilon. Đối với việc chuyển đổi ly nhựa sang ly thủy tinh phục vụ khách tại chỗ, quán cũng phải tuyển thêm một nhân viên mỗi ca làm việc (mỗi ca làm việc kéo dài 8 giờ đồng hồ) để lo rửa ly, muỗng.

"So với dùng đồ nhựa một lần khi chuyển sang các sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường khiến lợi nhuận của quán giảm đi khoảng 20%" - bà Hương Trang cho biết.

Thực tế, mức giá của các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho đồ nhựa dùng một lần trên thị trường hiện nay vẫn còn khá cao. Khảo sát mức giá của các sản phẩm ống hút tre, ống hút làm từ bột gạo, quai xách tre… cho thấy các sản phẩm này đều có mức giá cao gấp đôi so với các sản phẩm cùng loại làm từ nhựa và nilon. Điều này khiến cho việc sử dụng các sản phẩm thay thế đồ nhựa dùng một lần còn hạn chế, nhất là tại các quán trà sữa, cà phê vốn đang phát triển rất nhanh trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại TP. Osaka, Nhật Bản vào các ngày 28 và 29/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định Việt Nam quyết tâm chống rác thải nhựa và đang triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ để đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Trước đó, tại lễ ra quân quốc gia chống rác thải nhựa, tổ chức ở thủ đô Hà Nội ngày 9/6, Thủ tướng cũng nhấn mạnh phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Quản lý một hệ thống trà sữa tại phường Tân Mai, TP. Biên Hòa cho biết, quán cũng đã có ý định chuyển từ ly nhựa sang dùng ly thủy tinh, ống hút nhựa sang ống hút tre phục vụ khách. Tuy nhiên, sau khi tính toán do hiệu quả kinh tế không cao lại bất tiện nên đến nay quán vẫn chưa thực hiện.

"Ống hút tre giá cao, trong khi nếu dùng ly thủy tinh lại phải thuê thêm nhân công phục vụ. Chưa kể, việc dùng ly thủy tinh còn bất tiện là khó phục vụ, dễ vỡ chứ không tiện lợi như ly nhựa" - quản lý hệ thống này cho hay.

Phải làm cho đồ nhựa…hết rẻ tiền

Ông Phạm Gia Hải - Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai cho rằng, hiện nay các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon đang bị lạm dụng trong sinh hoạt hằng ngày của người dân. Nguyên nhân là do các sản phẩm này có giá thành rẻ và tiện lợi. Do đó, để hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon thì cách hiệu quả nhất là làm cho đồ nhựa… hết rẻ tiền.

Hiện nay, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần cũng như túi nilon đang ở mức 40.000 đồng/kg, tương đương với khoảng 200-400 đồng cho mỗi sản phẩm (1kg đồ nhựa dùng một lần, túi nilon có thể có từ 100-200 sản phẩm).

Đây là mức thuế quá thấp so với chi phí bỏ ra để xử lý rác đối với các sản phẩm này. "Những năm qua Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền đến người tiêu dùng hạn chế sử dụng các sản phẩm đồ nhựa dùng một lần và túi nilon nhưng hiệu quả chưa cao. Bởi để thay đổi thói quen của người tiêu dùng đòi hỏi phải có thời gian. Do đó, biện pháp hiệu quả nhất vẫn là tăng thuế để tăng giá bán các sản phẩm này" - ông Phạm Gia Hải nói.

Thực tế, sẽ rất khó trông chờ vào ý thức bảo vệ môi trường của tất cả người kinh doanh để từ đó sử dụng các sản phẩm thay thế đồ nhựa dùng một lần. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần có chính sách thông qua giải pháp tài chính.

"Cần có chính sách thuế để giá thành đồ nhựa dùng một lần không còn rẻ như hiện nay. Khi đồ nhựa dùng một lần đánh mất đi lợi thế giá rẻ, tất yếu các cơ sở kinh doanh sẽ chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường" - bà Hương Trang nói.

Phạm Tùng

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/kho-thay-the-do-nhua-dung-mot-lan-2227.html

In bài viết