16:23 | 09/09/2019

Quân và dân Nam Định chung tay bảo vệ môi trường biển

Nam Định có đường bờ biển dài 72km, với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, là thế mạnh để phát triển kinh tế và du lịch sinh thái, thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm.
Việt Nam xếp hạng 129/136 quốc gia xét về tính bền vững của môi trường Tăng cường nhận thức, quyết tâm hành động vì môi trường biển, đảo Tổng kết bước đầu “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên; môi trường biển đến năm 2010; tầm nhìn đến 2020”

Tuy nhiên, những năm qua tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải xâm lấn ven biển, đặc biệt trước sự biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy, tại bờ kè khu du lịch sinh thái Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) hai năm trở lại đây xuống cấp nghiêm trọng, liên tục sụt lún, sạt lở, gây thiệt hại nhiều tỉ đồng, tác động không nhỏ đến sự phát triển của địa phương. Vì môi trường biển trong sạch, đẹp và an toàn, các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Đoàn viên thanh niên đến từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đồn Biên phòng, Đồn Công an các huyện, đoàn viên các xã, thị trấn và hàng trăm học sinh trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các chiến dịch bảo vệ môi trường biển, kết quả đã mang lại hiệu ứng tích cực, tạo nền nếp trong công tác bảo vệ môi trường biển.

Nỗi lo trước biển

Chúng tôi đi dọc bờ biển Nam Định theo đường ven đê biển bằng xe máy từ Vườn quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy), qua xã Hải Lý (huyện Hải Hậu), đến thị trấn Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng). Vào ngày biển động, tại các bến đỗ, tàu bè nhỏ của ngư dân tập trung neo đậu đông đúc. Bờ biển thuộc xã Giao Hải, huyện Giao Thủy chỉ gần 2km nhưng theo quan sát của chúng tôi, rác thải tràn ngập trên bãi cát. Thùng xốp, bao tải, chai lọ thủy tinh… những thứ tưởng chừng chỉ có ở những bãi rác dân sinh lại tràn trên bãi biển. Tình trạng rác thải trên bờ biển xuất hiện từ mấy năm trước, do bãi ngày càng bồi nên rác thải dạt vào ngày càng nhiều hơn.

Theo người dân nơi đây, nguyên nhân một phần do rác từ các nơi khác đổ dồn về theo dòng chảy của các cửa sông lớn ra biển. Tuy nhiên, tại bãi biển xã Giao Long, huyện Giao Thủy, mặc dù có biển cấm đổ rác nhưng các bãi rác tự phát vẫn mọc lên với đủ các loại: Túi ni lông, hộp xốp, chai lọ, thậm chí vỏ ngao, vỏ ốc, động vật chết cũng được người dân đổ ra bờ biển gây nên mùi hôi thối nồng nặc. Nhà thờ đổ ở xã Hải Lý (huyện Hải Hậu) và biển Quất Lâm (huyện Giao Thủy) là hai địa điểm du lịch nổi tiếng, cũng không tránh khỏi hiện tượng rác thải dồn đọng trên bãi tắm. Tình trạng nghiêm trọng đến mức, cách đây chưa lâu, một cán bộ Ban Quản lý Khu du lịch Quất Lâm phải thừa nhận: “Rác thải đã quá tầm kiểm soát của Ban Quản lý”. Bởi có những thời điểm dịp nghỉ lễ, khách du lịch đông, Ban Quản lý phải huy động tối đa nhân lực nhưng với phương tiện thô sơ, chủ yếu là cuốc, cào, xẻng, xe đẩy nên không thể thu gom triệt để rác.

quan va dan nam dinh chung tay bao ve moi truong bien
Rác thải ở bờ biển Nam Định.

Tình trạng rác thải gây ô nhiễm các bãi biển đã và đang là vấn đề nóng. Rác thải ở các bãi biển có nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố tự nhiên. Nam Định có 4 nhánh sông lớn đổ ra biển là cửa Ba Lạt (sông Hồng), cửa Đáy (sông Đáy), cửa Lạch Giang (sông Ninh Cơ) và cửa Hà Lạn (sông Sò). Rác từ thượng nguồn chảy ra biển, theo sóng đánh vào bãi biển Nam Định nhất là vào mùa mưa bão. Rác đổ về nhiều mà lực lượng thu gom mỏng nên không xuể”. Ngoài ra, lượng khách du lịch ngày càng tăng, ý thức của một số khách chưa tốt, thói quen xả rác bừa bãi của một bộ phận người dân, hoạt động nuôi trồng thủy sản của ngư dân ven biển và các hoạt động sản xuất cơ khí, đóng tàu dọc các tuyến sông cũng làm phát sinh nhiều chất thải gây ra tình trạng ô nhiễm.

Chúng tôi có mặt tại bờ kè khu du lịch sinh thái Rạng Đông vào một ngày cuối tháng 4/2019, sau gần 1 tháng xảy ra đợt sạt lở nghiêm trọng. Theo ghi nhận có hai hố sạt lở cách nhau khoảng 100m, hố thứ nhất dài 20m thuộc địa phận xã Nghĩa Phúc, hố thứ 2 dài 50m, thuộc xã Nghĩa Thắng. Cả 2 hố sạt lở nằm sát con đường dân sinh ven biển. Tại điểm sạt lở, vỉa hè bị sập xuống, toàn bộ đất đá lót, vải bọc bờ kè bị sụt xuống tạo thành hố sâu. Từ dưới nhìn lên là một đống đất đá, bê tông, gạch lục lăng ngổn ngang. Có đoạn kè phần đất cát dưới kè đã bị sụt xuống nước, tạo thành hàm ếch sâu hoắm có thể sập bất cứ lúc nào. Một đoạn dài tường chắn sóng bị lún, gãy thành nhiều đoạn, kéo theo vùi lấp hàng chục cây phi lao mới trồng dưới bãi.

Một người dân sống trong khu vực cho biết: “Bờ kè này dài khoảng 2km, bao nhiêu năm qua có nhiệm vụ chắn sóng, bảo vệ rừng phi lao phòng hộ, vườn hoa màu, hệ thống ao đầm thủy sản của người dân chúng tôi và khu du lịch tránh bị sạt lở, xói mòn. Nhưng từ năm 2017, tình trạng sạt lở diễn ra rất phức tạp. Đặc biệt, khu vực thị trấn Rạng Đông là điểm tham quan du lịch, mùa này có rất đông du khách về tắm biển. Chúng tôi rất lo ngại tai họa sẽ xảy ra nếu không được khắc phục kịp thời”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, Dự án bờ kè sinh thái Rạng Đông được đầu tư xây dựng từ năm 2011 và đưa vào sử dụng năm 2013 với tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng. Đây là một trong những hạng mục thuộc dự án kè lấn biển, hạ tầng kinh tế biển nằm ngoài đê biển huyện Nghĩa Hưng do UBND huyện Nghĩa Hưng làm chủ đầu tư. Từ khi xây dựng công trình bờ kè tương đối ổn định, là lá chắn an toàn và không bị ảnh hưởng bởi mưa bão. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, do bão số 10, phía đông của đoạn kè bị sập khoảng 150m. Năm 2018, UBND huyện Nghĩa Hưng đã sửa chữa và khắc phục sự cố, với kinh phí gần 2 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn thì tình trạng sạt lở tiếp tục tái diễn nghiêm trọng hơn. Đến đầu tháng 2-2019, trên tuyến kè này tiếp tục xuất hiện 2 hố sạt lở, sụt lún khác và có chiều hướng lan rộng. Nguyên nhân chính được cho là do sự thay đổi dòng chảy ngoài, dưới tác động của sóng lớn khi thủy triều lên đã gây cho hệ thống kè hàng tỷ đồng đồng bị sạt lở.

Chung tay bảo vệ môi trường biển

Chúng tôi được biết, để tránh giảm ô nhiễm môi trường biển, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế, tỉnh Nam Định trong những năm qua ta đã áp dụng biện pháp tăng cường kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường biển. Các ngành chức năng và các địa phương có biển tập trung tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Bảo vệ môi trường… Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) đã thường xuyên phối hợp với các ngành, các địa phương liên quan nắm tình hình, làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, phối hợp với các cơ quan chức năng chủ động phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường biển.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã tập trung xây dựng và thực hiện các quy hoạch về bảo vệ môi trường biển, Quy hoạch sử dụng tài nguyên nước đã được phê duyệt. Xây dựng và thực hiện các quy hoạch, chiến lược khai thác sử dụng tài nguyên môi trường biển. Tăng cường hệ thống quan trắc nước mặt (trên các sông, ao, hồ), nước ngầm (nhất là khu vực ven biển có túi nước ngầm), nước thải ít nhất 2 đợt/năm. Thực hiện nghiêm các quy định về đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển; tiến hành kiểm tra thẩm định đạt yêu cầu về môi trường trước khi cho phép đi vào hoạt động; tăng cường công tác hậu kiểm; từ đó thống kê, lập danh mục các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên ảnh hưởng xấu đến môi trường biển. Để bảo vệ môi trường biển, các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng đã tổ chức nhiều đợt ra quân thu gom xử lý rác thải ven biển. Trong những năm qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các huyện đã phối hợp với tổ chức Đoàn của Bộ đội Biên phòng tổ chức ra quân bảo vệ môi trường biển.

quan va dan nam dinh chung tay bao ve moi truong bien
Hiện trường sạt lở bờ kè khu du lịch sinh thái Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Ngay sau mỗi đợt phát động hàng nghìn đoàn viên thanh niên đến từ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đồn Biên phòng, Đồn Công an các huyện, Bí thư đoàn các xã, thị trấn và hàng trăm học sinh đã đồng loạt ra quân vệ sinh môi trường biển. Với dụng cụ được chính đoàn viên chuẩn bị, mỗi bạn trẻ đều có ý thức tự giác thu gom rác thải ở bất cứ đâu tại khu du lịch chứa vào bao bì đưa về nơi xử lý rác thải tập trung của địa phương. Nhờ làm tốt công tác môi trường nên rác thải tại bãi biển cũng như khu vực kinh doanh dịch vụ rác thải được kiểm soát tốt.

Ông Đỗ Hải Điền, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết: “Bảo vệ môi trường biển khỏi những tác động của ô nhiễm rác thải là nhiệm vụ luôn được địa phương quan tâm. Vừa qua chúng tôi đã ra quân tổ chức thu gom, xử lý rác thải trên các tuyến kênh mương. Đặc biệt, tại các khu du lịch đã thành lập các tổ tự quản bảo đảm vệ sinh môi trường biển; tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động dọc ven biển có cam kết và triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường”.

Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, việc khuyến khích thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường cũng được các địa phương nơi đây quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, để giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường ven biển Nam Định đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các tổ chức và mỗi người dân.

Để ứng phó với biến đổi dòng chảy làm sạt lở đê kè, được biết, ngay sau khi xảy ra tình trạng sạt lở liên tiếp, lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh Nam Định đã về địa bàn phân tích nguyên nhân và tìm hướng xử lý. Hiện nay tỉnh Nam Định chủ trì giao cho huyện Nghĩa Hưng và các sở, ban ngành kiểm tra lại toàn bộ hệ thống bờ kè sinh thái Rạng Đông, theo dõi tình trạng sạt lở đang diễn biến phức tạp, tìm kiếm giải pháp hiệu quả. Rút kinh nghiệm lần khắc phục sạt lở năm 2018 vừa tốn kém lại không hiệu quả.

Thời gian tới, UBND các cấp thuộc tỉnh Nam Định sẽ tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển, tập trung kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ làng nghề, khu công nghiệp, hoạt động giao thông đường thủy, đường biển, kinh doanh dịch vụ du lịch… Đặc biệt, tập trung ngăn chặn, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, cố tình vi phạm Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015 hoặc gây ô nhiễm môi trường khu vực ven biển. Đối với các vi phạm cấu thành dấu hiệu tội phạm, kiên quyết chuyển cơ quan điều tra khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, tỉnh ta sẽ tăng cường phối hợp trao đổi thông tin giữa các tỉnh, địa phương trong khu vực khi xuất hiện các hiện tượng bất thường về môi trường, sinh vật, hệ sinh thái biển để đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời.

Theo QĐND

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/quan-va-dan-nam-dinh-chung-tay-bao-ve-moi-truong-bien-2311.html

In bài viết