10:18 | 12/09/2019

Du​ lịch Việt Nam tăng 4 bậc so với năm 2017

Tại Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2019 được công bố mới đây, năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam cải thiện đáng kể, xếp hạng 63/140, tăng 4 bậc so với năm 2017.

Mức tăng hạng của Việt Nam nhiều hơn Thái Lan (tăng 3 bậc), Cam-pu-chia (tăng 3 bậc), In-đô-nê-xi-a (tăng 2 bậc), Xin-ga-po (giảm 4 bậc), Ma-lai-xi-a (giảm 3 bậc) và Lào (giảm 3 bậc); chỉ sau Phi-líp-pin (tăng 5 bậc).

Với thứ hạng 63/140, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam sau Xin-ga-po (17), Thái Lan (31), Ma-lai-xi-a (29), In-đô-nê-xi-a (40); trên Bru-nây (72), Phi-líp-pin (75), Lào (97) và Cam-pu-chia (98).

Báo cáo năm nay được Diễn đàn Kinh tế thế giới thực hiện cơ bản dựa trên kết quả hoạt động năm 2017-2018. Trong đó, báo cáo đưa ra đánh giá và xếp hạng 140 nền kinh tế trên cơ sở đo lường 14 nhóm chỉ số (thang điểm từ 1 đến 7) với 90 chỉ số thành phần được xếp theo 4 yếu tố: Môi trường hoạt động; Chính sách và điều kiện phát triển du lịch; Cơ sở hạ tầng; Tài nguyên văn hóa và tự nhiên.

Du​ lịch Việt Nam tăng 4 bậc so với năm 2017

Với tiềm năng phong phú và đa dạng, nhóm chỉ số tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ (hạng 29) và tài nguyên tự nhiên (hạng 35) của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp vào nhóm cao của thế giới (từ hạng 1-35). Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 2 về tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ và thứ 3 về tài nguyên tự nhiên.

Việt Nam cũng được đánh giá cao đối với sức cạnh tranh về giá, xếp hạng 22 trên thế giới. Ở Đông Nam Á, chỉ số này của Việt Nam xếp trên Phi-líp-pin (hạng 24), Thái Lan (25), Cam-pu-chia (49), Xin-ga-po (102); và xếp sau Bru-nây (hạng 2), Ma-lai-xi-a (5), In-đô-nê-xi-a (6), Lào (20).

Ngoài ra, một số nhóm chỉ số khác được xếp vào nhóm trung bình cao thế giới (từ hạng 36-70), gồm có: nhân lực và thị trường lao động (hạng 47); hạ tầng hàng không (50); an toàn và an ninh (58); mức độ mở cửa quốc tế (58); môi trường kinh doanh (67).

Theo báo cáo, sức cạnh tranh về giá tăng 13 bậc lên hạng 22 với sự cải thiện về giá phòng khách sạn, giá nhiên liệu, thuế và lệ phí sân bay.

Hạ tầng hàng không tăng 11 bậc lên hạng 50 với việc gia tăng các hãng hàng không, các chuyến bay và số km vận chuyển nội địa và quốc tế, phản ánh tình hình sôi động của thị trường hàng không Việt Nam.

Mức độ mở cửa quốc tế tăng 15 bậc lên hạng 58, chủ yếu do chỉ số yêu cầu thị thực của Việt Nam cải thiện đáng kể, xếp hạng 53. Dù vậy, so sánh với các điểm đến cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á, chỉ số về thị thực của Việt Nam mới xếp trên Phi-líp-pin (hạng 65), bằng Bru-nây (53), và dưới In-đô-nê-xi-a (3), Cam-pu-chia (8), Ma-lai-xi-a (18), Lào (26), Thái Lan (29), Xin-ga-po (50).

Tuy nhiên, theo báo cáo, Việt Nam với đặc điểm tương đồng với những quốc gia có ngành du lịch đang phát triển, vẫn phải giải quyết những hạn chế liên quan đến chất lượng lao động, mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông, hạ tầng dịch vụ du lịch. Đây là những yếu tố có thể cản trở sự phát triển của ngành du lịch. Bên cạnh đó, kết quả xếp hạng cũng chỉ ra cần lưu ý đến việc bảo đảm môi trường, tính bền vững trong phát triển du lịch và mức độ ưu tiên cho ngành du lịch.

Theo VNMedia

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/du-lich-viet-nam-tang-4-bac-so-voi-nam-2017-2398.html

In bài viết