12:42 | 12/09/2019

"Thời kỳ Đồ Nhựa" đang đến gần?!

Với số lượng khổng lồ và tính chất "trơ gan cùng tuế nguyệt", nhựa có thể được lưu danh "hoá thạch", tạo nên "Thời kỳ Đồ Nhựa", sau Thời kỳ Đồ Đá, Đồ Đồng hay Đồ Sắt...
Chia sẻ trách nhiệm giải quyết vấn đề rác thải nhựa trong ngành bao bì Khó thay thế đồ nhựa dùng một lần? Thái Lan phát triển robot thông minh để thu gom rác thải nhựa

Theo các nhà khoa học, ô nhiễm nhựa liên tục gia tăng theo cấp số nhân kể từ năm 1945. Với số lượng khổng lồ và tính chất "trơ gan cùng tuế nguyệt", nhựa có thể được lưu danh "hoá thạch". Các lớp nhựa đã đủ dày để đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới có tên Anthropocene - Kỷ Nhân sinh, thời đại con người thống trị hành tinh, đủ sức gây ảnh hưởng đến cả khí hậu và môi trường. Như vậy, sau Thời kỳ Đồ Đồng và Đồ Sắt, có khả năng chúng ta đang tiến vào Thời kỳ Đồ Nhựa.

thoi ky do nhua dang den gan

Các nhà khoa học ở Long Beach (California) tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của ô nhiễm vi mô trên đại dương đến hệ sinh thái. Ảnh: UIG / Getty

Báo cáo khoa học mới được công bố trên Tạp chí Science Advances là bản báo cáo chuyên sâu về ô nhiễm nhựa trong trầm tích đầu tiên. Qua phân tích mẫu của các lớp đất đá hình thành từ năm 1934 ngoài khơi California (Mỹ), nhóm nhà khoa học đã phát hiện lượng nhựa trong trầm tích cũng tăng theo cấp số nhân, trùng khớp với sản lượng nhựa trong cùng thời điểm.

Cụ thể, từ những năm 1940, lượng hạt nhựa siêu nhỏ trong trầm tích đã tăng gấp đôi sau mỗi 15 năm. Đến năm 2010, cứ mỗi 10cm2 trầm tích lại có 40 hạt nhựa. Trong đó có 2/3 là sợi nhựa; 1/5 là các mảnh nhựa; 1/10 là màng nhựa.

Hầu hết các hạt nhựa đến từ vải tổng hợp được sử dụng cho may mặc. Theo một nghiên cứu được công bố năm 2016, trung bình một lần giặt quần áo có thể giải phóng ra 700.000 sợi nhựa. Như vậy, nhựa đã tự do "xâm lăng" đại dương qua nước thải trong suốt những thập kỷ qua.

thoi ky do nhua dang den gan
Các nghiên cứu cho thấy có nhiều hạt nhựa siêu nhỏ trong các lớp trầm tích trên biển. Ảnh: William Jones/Sciecn Advances.

Trong đợt phân tích mới nhất, các nhà khoa học đã lấy mẫu lõi trầm tích ở nơi cách Santa Barbara (California) – nơi sinh sống của 4 triệu người khoảng 1,5km. Lưu vực này vốn không có ôxy do các đặc thù dòng biển, đồng nghĩa với việc không có một sinh vật ăn đáy nào có thể làm khuấy động lớp trầm tích. Mẫu vật được lấy ở đây phản ánh khách quan nhất diễn biến ô nhiễm nhựa trên biển qua thời gian.

Bà Jennifer Brandon - Chuyên gia đến từ Viện Hải dương học Scripps của Đại học California (San Diego, Mỹ), người đứng đầu nghiên cứu cho biết: "Hiển nhiên là ô nhiễm nhựa trên đại dương ảnh hưởng trực tiếp đến các loài động vật ăn đáy như trai, hàu, san hô… và chuỗi thức ăn nói chung. Tuy nhiên, ta đang đối mặt với một vấn đề còn nghiêm trọng hơn, nhựa đang đi vào lịch sử thông qua hoá thạch. Tôi lo ngại nhân loại đang bước vào Thời kỳ Đồ Nhựa. Nếu các thế hệ tương lai ghi nhớ và học tập về chúng ta qua nhựa thì thật đáng sợ".

Hồi tháng 7, ngài David Attenborough - Nhà sử học tự nhiên nổi tiếng của Anh Quốc thậm chí đã dự đoán rằng, ô nhiễm nhựa sẽ khiến thế hệ sau "ghê tởm" chúng ta hệt như cách chúng ta khinh miệt chế độ chiếm hữu nô lệ, coi con người như súc vật khi xưa.

thoi ky do nhua dang den gan
Một mặt cắt trầm tích được dùng trong nghiên cứu. Ảnh: William Jones/Science Advances.

Bà Brandon chia sẻ: "Dấu hiệu của nhựa rất rõ ràng. Hạt nhựa xuất hiện trong trầm tích gần như ngay lập tức sau khi con người phát minh ra nhựa. Lượng chất thải nhựa đến từ các hộ gia đình chắc chắn không được lọc và xử lý đúng cách, kể cả tại các nhà máy xử lý chất thải. Tôi nghĩ đây chính là câu hỏi lớn tiếp theo: Chúng ta phải làm gì lúc này khi lượng nhựa mà chúng ta thải ra đang trôi thẳng ra biển?".

Mỗi năm, có hàng triệu tấn nhựa bị thải ra môi trường. Chúng phân rã thành những hạt hoặc sợi nhỏ (microplastic) và không thể phân huỷ. Microplastic đã được tìm thấy ở khắp nơi, từ không khí, nước uống, thực phẩm… cho đến những nơi hẻo lánh như Bắc Cực, đáy đại dương,… Điều này chứng tỏ ô nhiễm nhựa đã lan rộng ra khắp hành tinh ở một mức đáng báo động.

Con người được cho là tiêu thụ ít nhất 50.000 hạt microplastic mỗi năm thông qua thực phẩm và nước. Tuy chưa có nghiên cứu chính thức nào về tác hại của các hạt nhựa với sức khoẻ, nhưng microplastic có thể mang theo các chất độc hại, ở kích thước siêu nhỏ có khả năng xâm nhập vào các mô.

Theo bà Brandon, tuy nghiên cứu đã kết thúc vào năm 2010 nhưng sản lượng nhựa thì vẫn tăng không ngừng, tỷ lệ thuận với mức ô nhiễm nhựa trong môi trường. Bà hy vọng nghiên cứu của bà và đồng sự sẽ nâng cao nhận thức của mọi người về tính cấp bách của việc giải quyết ô nhiễm nhựa.

Diệu Anh

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/thoi-ky-do-nhua-dang-den-gan-2406.html

In bài viết