13:27 | 12/09/2019

Người đã chết cũng "phải" bảo vệ môi trường

Trước các vấn đề nghiêm trọng hiện xảy ra với môi trường, công tác xử lý thi thể người chết cũng trở nên hóc búa. Do đó, các công nghệ "xanh" trong lĩnh vực này đang được phát triển mạnh mẽ.
"Siết" cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại Nhiều thành phố ở châu Á trở nên "khó sống" vì ô nhiễm môi trường Khoảng cách an toàn về môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn

Ô nhiễm môi trường hiện là vấn đề “nóng” trong mọi lĩnh vực của đời sống. Khi nhiệt độ trái đất luôn xấp xỉ ngưỡng nguy hiểm, chất lượng không khí giảm đến mức báo động, môi trường đất, nước đối mặt nguy cơ bị huỷ hoại…, hành tinh xanh trở nên nhạy cảm với mọi hành vi gây phát thải dù là nhỏ nhất.

Lúc này, công tác xử lý thi thể người cũng trở thành bài toán hóc búa, khi chôn cất gây ô nhiễm môi trường đất, hoả táng giải phóng quá nhiều CO2,… Tại những quốc gia có truyền thống cải táng (bốc mộ) như Việt Nam, môi trường càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.

Theo số liệu của các nhà khoa học, việc hoả táng một thi thể sẽ giải phóng trung bình 400kg khí CO2 vào khí quyển. Khí thải từ hoả thiêu còn bao gồm thuỷ ngân và nhiều chất độc hại khác sinh ra từ chân, tay giả, răng giả, xương cấy,… của người trước khi tử vong. Một lần hoả thiêu kéo dài khoảng 75 phút với mức nhiệt 760-1150 độ C. Tổng mức năng lượng cần sử dụng trong quá trình này đủ cho một người dùng trong một tháng.

Chôn cất cũng gây ảnh hưởng nhất định đến môi trường đất. Cụ thể, sau khi xác chết phân huỷ, chất lỏng sinh ra sẽ đi qua quan tài và ngấm vào đất. Với các bệnh nhân qua đời do các bệnh nan y như ung thư, lượng hoá trị và xạ trị dư thừa sẽ được giải phóng vào đất. Không gian chôn cất cũng ngày càng khan hiếm và đắt đỏ. Tại các thành phố lớn như Luân Đôn (Anh), phí dịch vụ chôn cất cơ bản lên tới 4.267 bảng Anh (tương đương hơn 124 triệu VNĐ), mức giá này tăng 6% mỗi năm, báo động đến mức Cơ quan Quản lý thị trường của chính phủ phải vào cuộc điều tra.

nguoi da chet cung phai bao ve moi truong
Chiếc máy Resomator áp dụng công nghệ xử lý thi thể mới có ích cho môi trường. Ảnh: The Guardian.

Trước tình hình trên, công ty cung cấp dịch vụ hậu sự Green Funeral Company (Anh Quốc) vừa đưa vào hoạt động một công nghệ mới có tên là Resomation. Thi thể người chết sẽ được ngâm trong Resomator - một máy áp suất hình ống, cùng hỗn hợp nước và dung dịch kali hidroxit (KOH) 150 độ C. Sau 3-4 giờ, cơ và nội tạng sẽ tan thành nước, chỉ còn lại xương trong trạng thái mềm và chuyển sang màu xám. Bộ xương sau đó sẽ được đưa vào lò sấy khô, còn lượng chất lỏng được chuyển đến nhà máy nước thải để xử lý. Toàn bộ quá trình trên được vận hành qua màn hình cảm ứng và nút khởi động cơ độc lập, tách biệt hoàn toàn khỏi người thân.

Đáng chú ý, phương pháp này giúp giảm 13 lần lượng phát thải và giảm 21 lần chi phí so với chôn cất và hoả táng truyền thống. Theo các nhà khoa học, cơ và nội tạng người sẽ hoá thành 950 lít chất lỏng với lượng khoáng chất phong phú, có thể dùng để làm phân bón. Mặt khác, nhà máy xử lý nước thải có khả năng biến nó thành nước sạch vô trùng dùng được trong sinh hoạt, thậm chí là uống được.

nguoi da chet cung phai bao ve moi truong
Công ty dịch vụ tang lễ xanh Green Funeral đang gây quỹ để mở rộng việc sử dụng Resomator. Ảnh: The Guardian.

Gia đình bà Claire và ông Rupert Callender đã thành lập công ty dịch vụ tang lễ xanh Green Funeral vào năm 2000. Đây hiện là một trong những công ty tang lễ thân thiện với môi trường nổi tiếng nhất Anh Quốc. Ban lãnh đạo công ty đang gây quỹ để mở rộng việc sử dụng Resomator, đồng thời thuyết phục cộng đồng bằng những biện pháp tích cực. Ông Claire từng chia sẻ công khai: “Về cơ bản, hoả táng sẽ biến người thân của bạn thành tro bụi, thoát ra qua ống khói dưới dạng các hạt bồ hóng, carbon và mọi người sẽ hít phải chúng”. Công ty Green Funeral hiện đã giảm số lượng các lượt hoả táng xuống mức tối thiểu, chỉ khoảng 70 lần/năm trong khi các công ty khác thực hiện tới 3-4 lượt mỗi ngày.

Ở Mỹ, công nghệ này được gọi là thuỷ phân kiềm, được sử dụng lần đầu giữa những năm 1990 và hợp pháp tại 19 tiểu bang. Ban đầu, phương pháp thuỷ phân kiềm được phát triển để xử lý xác gia súc mắc dịch bệnh. Vào năm 2008, bác sĩ Dean Fisher của Đại học California lần đầu tiên áp dụng Resomator cho các xác chết y tế quá hạn sử dụng, những thi thể này luôn chứa nhiều chất hoá học có hại cho môi trường. Sau khi nhận ra các ưu điểm của phương pháp này, ông Fisher khẳng định: “Resomator là công nghệ có lợi về mọi mặt. Bên cạnh những lợi ích về môi trường, nó còn giúp gia đình những người đã khuất lưu giữ phần xương còn lại mãi mãi". Nhiều nơi cung cấp dịch vụ hậu sự tại Mỹ đã đưa Resomator vào sử dụng, với hi vọng công nghệ tân tiến này sẽ ngày càng phổ biến hơn trong cộng đồng.

Ông Sandy Sullivan – Nhà sáng lập doanh nghiệp Resomation Ltd. có trụ sở tại Mỹ và Anh chia sẻ: “Dù được phổ biến về ưu điểm của công nghệ mới này, khá nhiều người, bao gồm cả cán bộ nhà nước, vẫn tỏ ra e ngại khi mường tượng thân thể mình sẽ tan thành nước. Song, phần lớn bệnh nhân đang cận kệ cái chết cho biết sẵn sàng sử dụng dịch vụ này với suy nghĩ nó sẽ nhẹ nhàng và giúp lưu giữ nhiều hơn hoả thiêu".

nguoi da chet cung phai bao ve moi truong
Tiểu bang Washington ở Mỹ đã hợp pháp hoá việc dùng xác chết để ủ phân. Ảnh: Telegraph.

Bên cạnh Resomation, trong những năm vừa qua, khoa học cũng đã phát triển nhiều công nghệ mới để xử lý thi thể người, như promession: sấy khô cơ thể hoàn toàn, sau đó tạo chấn rung gây vỡ thành mảnh; hoặc mặc cho thi thể một bộ đồ đặc biệt giúp tăng tốc độ phân huỷ. Vào tháng 5/2019, tiểu bang Washington ở Mỹ thậm chí đã hợp pháp hoá việc dùng xác chết để ủ phân. Gia đình người quá cố sau đó chỉ có thể mang về một nắm đất chứa “tàn dư” của người thân, dùng để cất giữ hoặc trồng cây… Tuy nhiên, ý tưởng này là một sự đả kích nặng nề đối với các nhà thờ Công giáo tại địa phương.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực nông lâm nghiệp đã đưa ra phương pháp chôn cất khá mới mẻ: sử dụng quan tài bằng gỗ liễu gai mộc, không sử dụng chất hoá học ướp xác, đồng thời chôn quan tài với độ sâu khoảng 1 mét thay vì trên 2 mét như thông thường, giúp thi thể phân huỷ nhanh hơn.

Theo giáo sư Douglas Davies - lãnh đạo của Trung tâm nghiên cứu Sự sống và Cái chết của Đại học Durham (Anh Quốc), thái độ của con người với cái chết cần phải thay đổi. "Về cả khoa học về tâm linh, sự hồi sinh luôn tồn tại, chúng ta không nên tạo ra giả định về nỗi cô đơn hay bỏng rát do hoả thiêu sau khi qua đời. Hiện nay, môi trường là mối quan tâm hàng đầu. Do vậy, sự phát triển của những công nghệ xử lý thi thể mới là hoàn toàn đúng đắn". ông Davies nói.

"Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ việc phổ biến rộng rãi công nghệ này dù cho thị trường có bảo thủ đến mức nào. Con người cần chăm sóc hành tinh này ngay cả khi đã chết, vì chính con người đã phá huỷ nó khi đang sống" - Sandy Sullivan.
nguoi da chet cung phai bao ve moi truong
Ông Sandy Sullivan – Nhà sáng lập doanh nghiệp Resomation Ltd.

Ông Sullivan là người dành rất nhiều tâm huyết cho Resomation. Ông luôn dặn dò các đồng nghiệp về việc sử dụng Resomator cho chính mình sau khi mất. Lời nói của ông đã truyền cảm hứng cho nhiều người: “Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ việc phổ biến rộng rãi công nghệ này dù cho thị trường có bảo thủ đến mức nào. Con người cần chăm sóc hành tinh này ngay cả khi đã chết, vì chính con người đã phá huỷ nó khi đang sống".

Diệu Anh

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/nguoi-da-chet-cung-phai-bao-ve-moi-truong-2409.html

In bài viết