16:28 | 22/03/2019

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới

Ngày 20/3/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông tin cho báo chí về các hoạt động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới năm 2019. Ngày Khí tượng thế giới năm nay có chủ đề: “The Sun, the Earth and the Weather” dịch “Mặt Trời, Trái Đất và Thời tiết”.

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới


Công ước thành lập Tổ chức Khí tượng thế giới có hiệu lực từ ngày 23 tháng 3 năm 1950. Đây là dịp tôn vinh những đóng góp của các cơ quan khí tượng thủy văn trên khắp thế giới đối với việc bảo vệ tính mạng và tài sản của con người trước sự tác động của thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn (KTTV).
Tại Việt Nam, các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới được Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động tổ chức hằng năm. Năm 2019 chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới được tổ chức các hoạt động cụ thể như sau:
1. Lễ phát động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới năm 2019
- Thời gian dự kiến: Bắt đầu 08h00 ngày 23 tháng 3 năm 2019.
- Địa điểm: Tại Trạm Khí tượng Phù Liễn, phường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng.
Chương trình phát động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới năm 2019 với chủ đề: “Mặt Trời, Trái Đất và Thời tiết” (The Sun, the Earth and the Weather). Tại Chương trình phát động sẽ truyền tải thông điệp của Tổng Thư ký Tổ chức khí tượng thế giới.
Qua đó, phản ánh mục đích cốt lõi của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và vai trò thiết yếu của khí tượng thủy văn trong việc giám sát hệ thống Trái đất nhằm đưa ra dự báo thời tiết hàng ngày và tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách về sự thay đổi và biến đổi khí hậu. Trong quá trình đó, cộng đồng Tổ chức Khí tượng thế giới hỗ trợ các hành động nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản trước sự khắc nghiệt của thời tiết và xây dựng khả năng chống chịu khí hậu lâu dài.
Đối với Việt Nam, nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, lượng nước mùa lũ chiếm tới 70 - 80% lượng nước cả năm và thường gây ra lũ lụt. Việt Nam có lượng bức xạ mặt trời rất lớn với số giờ nắng từ 1.400 - 3.000 giờ/năm, nhiệt bức xạ trung bình năm 100kcal/cm². Do ảnh hưởng của gió mùa và sự phức tạp về địa hình nên Việt Nam thường chịu tác động mạnh về thời tiết như bão, lũ lụt, hạn hán...
Từ những đặc thù điển hình về thời tiết khí hậu, mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn có lịch sử gần 120 năm và hiện nay vẫn luôn được quan tâm, phát triển với hơn 600 trạm khí tượng, thủy văn, hải văn, ra đa thời tiết, định vị sét,... và gần 800 trạm, điểm đo mưa. Mạng lưới trạm đã và đang từng bước được nâng cấp hiện đại hóa, tự động hóa phục vụ đo đạc, thu thập đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu KTTV phục vụ tốt công tác dự báo, cảnh báo KTTV và giám sát biến đổi khí hậu. Đồng thời, ngành KTTV đã và đang áp dụng những thành tựu mới của nhân loại trong lĩnh vực công nghệ thông tin để phục vụ truyền tin và áp dụng cho hệ thống tính toán phục vụ dự báo như: Hệ thống mạng LAN, Internet trong nội bộ, truyền tin vệ tinh, GPRS đến hệ thống máy tính hiệu năng cao, siêu máy tính mini,...
Công nghệ dự báo KTTV được thực hiện theo hướng mô hình hóa, tập trung chủ yếu cho các lĩnh vực dự báo thời tiết, dự báo thủy văn và dự báo hải văn với hệ thống mô hình dự báo hiện đại trên thế giới như của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu,… được cải tiến, phát triển cho phù hợp với Việt Nam trong dự báo bão, dự báo mưa lớn, dự báo lũ, cảnh báo lũ quét, dự báo sóng biển, nước dâng do bão hay gió mùa.
Những nỗ lực phát triển của ngành KTTV đã bước đầu đáp ứng yêu cầu dự báo, cảnh báo; góp phần quan trọng làm giảm 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra (số liệu năm 2018 so với năm 2017). Uy tín ngành KTTV Việt Nam đối với quốc tế ngày càng được nâng cao. Việt Nam đã duy trì hiệu quả hoạt động hỗ trợ các nước Đông Nam Á (nhất là Lào và Cam Pu Chia) trong cảnh báo thời tiết nguy hiểm được Tổ chức Khí tượng thế giới công nhận là một trong những mắt xích quan trọng trong dự báo KTTV ở khu vực.
2. Tọa đàm: “Mặt trời, Trái đất và Thời tiết - Hành động của chúng ta”
- Thời gian: Bắt đầu từ 09h30 ngày 23 tháng 3 năm 2019.
- Địa điểm: Tại Trạm Khí tượng Phù Liễn, Phường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng.
Chương trình Tọa đàm nhằm khẳng định vai trò, sự quan trọng của hoạt động KTTV trong phát triển kinh tế - xã hội; những thách thức đặt ra và những định hướng mục tiêu hành động để ngành KTTV tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ, có tác động lan tỏa tích cực tới công tác chỉ đạo, thực hiện vai trò quản lý nhà nước và các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ góp phần tích cực cho việc hoạch định chính sách, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
3. Gắn biển Công trình Trạm Khí tượng trên 100 năm lịch sử tại Trạm Khí tượng Phù Liễn
- Thời gian dự kiến: từ 10h15 - 10h40 ngày 23 tháng 3 năm 2019.
- Địa điểm: Tại Trạm Khí tượng Phù Liễn, phường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng.
- Trạm Khí tượng Phù Liễn được thành lập và bắt đầu hoạt động từ ngày 16 tháng 9 năm 1902. Ngày nay còn có trạm rađa thời tiết Phù Liễn đang tiếp tục cùng hệ thống mạng lưới KTTV thực hiện các nhiệm vụ quan trắc và giám sát KTTV phục vụ công tác dự báo, cảnh báo và điều tra cơ bản góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra ở khu vực Đông Bắc.
Ngày 28 tháng 6 năm 2018, Hội đồng Điều hành Tổ chức Khí tượng thế giới đã bỏ phiếu thông qua và cấp bằng công nhận Trạm Khí tượng Phù Liễn là Trạm Khí tượng 100 năm tuổi trên thế giới. Trạm Khí tượng Phù Liễn đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như: Trạm được xây dựng ít nhất là 100 năm; có hoạt động liên tục ít nhất một yếu tố khí tượng tính từ khi bắt đầu hoạt động đến nay và đang hoạt động bình thường tính đến thời điểm đề cử; Trạm được quan trắc, vận hành theo tiêu chuẩn của Tổ chức Khí tượng thế giới; có bộ dữ liệu lịch sử, có toạ độ địa lý thực tế, hoặc có nguồn gốc cụ thể gồm độ cao, thành phần khí tượng được xác định và đơn vị khí tượng, cũng như lịch trình quan trắc…
Việc Tổ chức Lễ gắn biển công trình Trạm Khí tượng 100 năm lịch sử là hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh Trạm Khí tượng có nhiều đóng góp cho nền khí tượng thủy văn của nhân loại. Đây là niềm vinh dự tự hào không chỉ của gần 3.000 cán bộ, công chức, viên chức Tổng cục KTTV mà còn là vinh dự đánh dấu sự phát triển của khoa học hiện đại trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong nước trước sự hội nhập mang tầm thế giới.
4. Các hoạt động khác
Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Tổng cục Khí tượng thủy văn chủ trì tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Khí tượng Thế giới năm 2019:
4.1. Hội nghị Tổng kết công tác dự báo KTTV phục vụ phòng chống thiên tai năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.
- Thời gian: Bắt đầu từ 14h00 ngày 22 tháng 3 năm 2019.
- Địa điểm: Trung tâm Hội nghị khách sạn BIDV, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng.
Hội nghị đánh giá toàn diện về công tác dự báo, cảnh báo KTTV phục vụ phòng chống thiên tai năm 2018, trên cơ sở đó triển khai công tác dự báo, cảnh báo KTTV năm 2019 một cách hiệu quả, thiết thực phục vụ yêu cầu của công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
4.2. Hội thi Quan trắc viên giỏi Đài KTTV khu vực Đông Bắc
- Thời gian: Bắt đầu từ ngày 21 tháng 3 năm 2019.
- Địa điểm: Tại các Trạm quan trắc khí tượng, thủy văn Đài KTTV khu vực Đông Bắc, thành phố Hải Phòng.
Hội thi Quan trắc viên giỏi cấp Đài khu vực nhằm đánh giá trình độ, nâng cao năng lực của đội ngũ các Quan trắc viên khí tượng, thủy văn đang công tác trên mạng lưới trạm KTTV ở 6 tỉnh khu vực Đông Bắc. Đồng thời, khuyến khích, động viên các Quan trắc viên tích cực thi đua, phấn đấu rèn luyện, nâng cao nghiệp vụ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trắc phục vụ nhiệm vụ dự báo, cảnh báo KTTV. Thông qua Hội thi cấp khu vực để lựa chọn Quan trắc viên giỏi đi dự Hội thi Quan trắc viên giỏi toàn quốc được Tổng cục KTTV tổ chức định kỳ 5 năm/ lần, dự kiến tổ chức năm 2020.
5. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới năm 2019 tại các địa phương

 Gia An

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/cac-hoat-dong-huong-ung-ngay-khi-tuong-the-gioi-248.html

In bài viết