14:31 | 02/04/2019

Rà soát và hoàn thiện Quy hoạch tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long

Đây là Quy hoạch quan trọng, liên quan trực tiếp đến Quy hoạch tổng thể phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nội dung Quy hoạch đang được gấp rút hoàn thiện để trình phê duyệt trước khi diễn ra Hội nghị lần thứ 2 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu sắp tới.

Chiều 01/4/2019, Thứ trưởng Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp với Lãnh đạo Cục Quản lý tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ để nghe báo cáo rà soát, hoàn thiện Quy hoạch tài nguyên nướcĐBSCL.
Báo cáo về nhiệm vụ Quy hoạch tài nguyên nước ĐBSCL, ông Tống Ngọc Thanh - Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước cho biết: Phạm vi Quy hoạch thuộc 13 tỉnh/thành phố là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, với diện tích 39.945 km2 (không tính diện tích các huyện đảo Kiên Hải 28,2 km2 và Phú Quốc 575,4 km2 của tỉnh Kiên Giang).
Mục tiêu của Quy hoạch nhằm: (i) Bảo đảm phân bổ công bằng và hợp lý nguồn nước giữa các vùng, nhóm; đối tượng sử dụng nước, các tỉnh; cơ bản giải quyết được tình trạng mâu thuẫn trong phân bổ, chia sẻ, khai thác, sử dụng nước giữa các đối tượng sử dụng nước; (ii) Bảo đảm nguồn nước cho các ưu tiên phát triển mang tính chiến lược, ổn định an sinh xã hội; (iii) Cân bằng giữa lượng nước có thể khai thác và nhu cầu sử dụng nước có xét đến sự biến động nguồn nước do tác động của biển đổi khí hậu, nước biển dâng và do khai thác, sử dụng nước ở thượng lưu; (iv) Bảo vệ được các hệ sinh thái phụ thuộc vào nước, kiểm soát được tình trạng gia tăng ô nhiễm nguồn nước ở các khu dân cư, khu đô thị lớn, khu công nghiệp tập trung; hạn chế tình trạng xâm nhập mặn vùng cửa sông và các tầng chứa nước; (v) Kiểm soát được tình trạng sạt lở bờ sông; phòng, chống sụt, lún đất do khai thác nước dưới đất quá mức và giảm thiểu các tác hại do nước gây ra; (vi) Bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước hiện có.
Ngay sau khi có Luật số 35/2018/QH14 về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch; Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia đã tiếp thu ý kiến của nhiều cơ quan trong và ngoài Bộ cùng các chuyên gia am hiểu về ĐBSCL; trao đổi với các chuyên gia tư vấn xây dựng Đề cương “Quy hoạch tổng thể ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050” để cập nhật các nội dung có liên quan đến tài nguyên nước.
Để có thông tin, số liệu cũng như nguồn lực thực hiện lập Quy hoạch, Trung tâm đề nghị Bộ chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp, cung cấp các tài liệu, số liệu và phối hợp thực hiện, tổng hợp các số liệu về khí tượng, thủy văn; đo đạc, quan trắc chất lượng; các khu bảo tồn, vùng đất ngập nước quan trọng; đánh giá môi trường chiến lược; số liệu, bản đồ hiện trạng và quy hoạch sử dụng đất; bản đồ nền địa hình; xây dựng mô hình tính toán thủy văn, thủy lực và đánh giá tài nguyên nước phần thượng lưu ...
Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Hoàng Văn Bẩy đề nghị: Trong Quy hoạch tài nguyên nước ĐBSCL cần phải xây dựng kịch bản rõ ràng về nước từ thượng nguồn, đặc biệt về mô hình nước mặt, trên cơ sở tận dụng mô hình sông Mê Kông để xây dựng mô hình chi tiết. Cần sơ bộ các chức năng nguồn nước mặt, cần nghiên cứu xây dựng bản đồ nguồn nước, bản đồ sông, suối, rạch của ĐBSCL và chức năng chính của từng nguồn nước, cần lưu ý tính đến yếu tố xâm nhập mặn. Quy hoạch cần bám sát yêu cầu của Luật Quy hoạch và Luật Tài nguyên nước.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu tham gia cuộc họp, phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, đối với Quy hoạch tổng thể ĐBSCL là một bài toán phức tạp, nên cần rất nhiều công sức nữa để có được một quy hoạch tốt đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, bước đầu đã xác định được các nội dung công việc cần làm trong thời gian tới.
Thứ trưởng nhấn mạnh tới các số liệu về nước thượng nguồn; số liệu nước ngầm; vấn đề sụt lún... là những đầu vào số liệu không thể thiếu trong Quy hoạch tài nguyên nước ĐBSCL.

 Monre

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/ra-soat-va-hoan-thien-quy-hoach-tai-nguyen-nuoc-dong-bang-song-cuu-long-252.html

In bài viết