10:24 | 18/09/2019

Nâng vốn điều lệ Quỹ Bảo vệ môi trường lên 3.000 tỉ đồng?

Nhằm khắc phục những bất cập hiện nay về nguồn vốn, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ Bảo vệ môi trường, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (thay thế Quyết định số 78/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Đề xuất nâng mức vốn điều lệ của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

Dự thảo quyết định gồm 10 điều: Phạm vi điều chỉnh; Địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân; Nguyên tắc hoạt động; Chức năng, nhiệm vụ; Quyền hạn; Cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý và điều hành của Quỹ; Nguồn vốn; Trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan; Điều khoản chuyển tiếp; Điều khoản thi hành.

Theo đó, dự thảo bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ tài chính cho các hoạt động phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; sửa đổi, bổ sung nguyên tắc quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của Ngân sách Nhà nước.

nang von dieu le quy bao ve moi truong len 3000 ti dong
Quỹ bảo vệ môi trường có chức năng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ lãi suất vay vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quyền hạn của quỹ: Tổ chức cơ quan điều hành và các đơn vị nghiệp vụ hoạt động phù hợp với điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ, mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Kiểm tra định kỳ, đột xuất các tổ chức sử dụng nguồn vốn của quỹ trong việc triển khai các hoạt động, nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn quốc và phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quỹ có quyền thu hồi vốn cho vay trước hạn, đình chỉ tài trợ hoặc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với các chủ đầu tư vi phạm cam kết với quỹ hoặc vi phạm các quy định của Nhà nước; khởi kiện các chủ đầu tư vi phạm theo quy định của pháp luật. Sử dụng vốn nhàn rỗi của quỹ để gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng tốt đảm bảo nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn cho quỹ.

Thực hiện và tiếp nhận các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để tăng cường năng lực cho quỹ. Từ chối yêu cầu của tổ chức hoặc cá nhân về việc cung cấp các thông tin của quỹ nếu yêu cầu đó trái với quy định của pháp luật và điều lệ tổ chức, hoạt động của quỹ. Trực tiếp quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để kêu gọi, thu hút, nhận ủy thác, tiếp nhận tài trợ hoặc huy động vốn bổ sung cho quỹ theo quy định của pháp luật. Cử cán bộ, viên chức và người lao động của quỹ ra nước ngoài công tác, học tập, tham quan, khảo sát theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý và điều hành của quỹ gồm có hội đồng quản lý, ban kiểm soát và cơ quan điều hành nghiệp vụ.

Về nguồn vốn của quỹ, dự thảo nêu rõ: Nâng mức vốn điều lệ của Quỹ từ 1.000 tỉ đồng lên 3.000 tỉ đồng; đến năm 2022, được cấp đủ 3.000 tỉ đồng. Vốn điều lệ của quỹ được bổ sung từ nguồn Ngân sách Nhà nước và từ quỹ đầu tư phát triển của quỹ.

Trong giới hạn 3.000 tỉ đồng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quyết định bổ sung vốn điều lệ từ nguồn quỹ đầu tư phát triển của quỹ; đối với nguồn Ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quyết định bổ sung vốn điều lệ sau khi có văn bản giao dự toán ngân sách bổ sung vốn điều lệ của Bộ Tài chính. Trường hợp tăng vốn điều lệ vượt mức 3.000 tỉ đồng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.

Vốn bổ sung hằng năm từ các nguồn: Ngân sách Nhà nước chi sự nghiệp môi trường cấp kinh phí tài trợ, hỗ trợ cho các dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường đã thực hiện hằng năm và bù đắp các khoản mà quỹ đã chi thực hiện các chương trình, dự án do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giao; khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện, ủy thác đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn của quỹ đã được tạo lập hợp pháp trước ngày quyết định này có hiệu lực...

Danh mục hoạt động phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường

1. Xây dựng các công trình khai thác nước phục vụ các hoạt động sản xuất, chế biến và sinh hoạt; công trình tích trữ nước ngọt.

2. Sản xuất sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi.

3. Sản xuất vật liệu xây không nung.

4. Sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng (đèn led, bình nước uống năng lượng mặt trời).

5. Sản xuất các giống cây trồng chịu mặn; sản xuất chế phẩm sinh học cho nông nghiệp.

6. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

7. Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 500 m3/ngày (24 giờ) đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên.

8. Xử lý chất thải các cơ sở sản xuất, bệnh viện, khu sinh thái (nước thải, khí thải, khói bụi).

9. Mua sắm thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải.

10. Các dự án phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, kinh tế các bon thấp, kinh tế xanh và bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên khác.

Mai Hoa

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/nang-von-dieu-le-quy-bao-ve-moi-truong-len-3000-ti-dong-2580.html

In bài viết