13:29 | 20/09/2019

"Văn hóa túi nhựa" của Nhật Bản: Bài toán nan giải

Nhật Bản là quốc gia sử dụng nhựa nhiều thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ. Các đặc điểm về văn hoá, xã hội của đất nước mặt trời mọc gây ra một số khó khăn trong công cuộc giảm rác thải nhựa, phần nào đi ngược lại với nỗ lực toàn cầu hiện nay.   
Mỹ đưa ra dự luật giảm rác thải nhựa "Thời kỳ Đồ Nhựa" đang đến gần?! Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác thế giới

Văn hoá túi nhựa

Trong một bài báo được đăng trên trang The Washington Post, nhà báo kỳ cựu Simon Denyer chia sẻ về trải nghiệm của mình ở Nhật Bản: "Chiếc bánh mì tròn tôi mua ở Nhật được bọc riêng trong túi nhựa kín. Nếu tôi không để ý, họ sẽ tiếp tục cho nó vào một chiếc túi nhựa khác, trước khi cho vào chiếc túi thứ ba cùng với các sản phẩm khác mà tôi đã mua".

"Fukuroo irimasen tức là Tôi không cần túi đâu!, là một trong những câu đầu tiên tôi học khi đến Nhật" - nhà báo Denyer kể lại.

van hoa tui nhua cua nhat ban bai toan nan giai
Mỗi chiếc bánh trong các cửa hàng của Nhật đều được bọc ngoài một lớp túi nilon. Ảnh: Vice.

Anh Robin Lewis - Giám đốc của Tổ chức Social Innovation Japan, một người Anh gốc Nhật nổi tiếng với các hoạt động xã hội cũng từng chia sẻ trong một bài viết: "Ngày nọ, một người bạn ở Tokyo gửi cho tôi một trái dâu làm quà. Khi mở nó ra, tôi bần thần ngồi trong phòng khách của mình… Bạn biết không? Trái dâu nhỏ được bọc trong 5 lớp bao nhựa, mất tới hàng trăm năm mới phân huỷ được! Chẳng lẽ dâu ở Nhật lại dễ vỡ đến vậy?! Tôi không biết nên cười hay khóc vào lúc đó. Nhưng sau một thời gian suy ngẫm, tôi nhận ra rằng, món quà nhỏ này phản ánh một vấn đề rất lớn: Tiêu thụ nhựa một cách quá mức có hệ thống".

van hoa tui nhua cua nhat ban bai toan nan giai
Trái dâu "mong manh" được bọc bằng 5 lớp túi nhựa của Nhật Bản. Ảnh: Social Innovation Japan.

Theo ông Denyer, nỗi "ám ảnh" về sự sạch sẽ của đất nước mặt trời mọc cùng với niềm tự hào về nghệ thuật hiếu khách truyền thống (gọi là omenenashi) đã khiến những tiểu thương ở đây tin rằng, bọc, quấn, đóng gói mọi thứ một cách tỉ mỉ với nhiều lớp túi là cách phục vụ tốt nhất. Bên cạnh đó là tràn lan các sản phẩm dùng một lần như thìa, đũa, khăn giấy,...

van hoa tui nhua cua nhat ban bai toan nan giai
Mỗi củ khoai được bọc riêng bằng túi nilon trong siêu thị Nhật. Ảnh: The Washington Post.
van hoa tui nhua cua nhat ban bai toan nan giai
Một quả chuối cũng được "ưu ái" bọc riêng trong túi. Ảnh Vice.

Trong mỗi cửa hàng nhỏ, siêu thị tại địa phương, ngay cả khoai tây, cà rốt hay một quả chuối cũng được bọc riêng lẻ. Mỗi người Nhật sử dụng trung bình khoảng 300-400 túi nhựa mỗi năm, tương đương khoảng 40 tỉ túi trên toàn quốc. Hiện nước này là quốc gia đứng thứ hai thế giới (sau Mỹ) về lượng rác thải nhựa bình quân đầu người. Theo trang Statista, trung bình Nhật Bản sản xuất tới 106kg nhựa cho một người mỗi năm; trong khi Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác cộng lại mới đạt 94kg. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cũng cho biết, mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người ở Nhật cũng nhiều hơn ở Liên minh châu Âu (EU).

Một nghiên cứu đã cho thấy tới 80% cá cơm sống ở vịnh Tokyo có chứa nhựa trong cơ thể; nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng đang có tới 3 triệu túi nhựa đang "phiêu du" ở vịnh Osaka.

Trong một cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Yoshiaki Harada thừa nhận, túi nhựa chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số chất thải nhưng là loại mặt hàng bị lãng phí nhất.

Nỗ lực yếu ớt và sự thật mất lòng

Nhà báo Denyer cho rằng, Nhật Bản cần phải thay đổi trong bối cảnh thế giới sắp tràn ngập trong rác thải nhựa. Những hạt nhựa siêu nhỏ đã xuất hiện ở những nơi tận cùng nhất của Trái Đất, như đáy đại dương, Bắc Cực… Chúng lẫn trong không khí, nước uống, thực phẩm và cả những bông tuyết, báo động về tình trạng ô nhiễm nhựa trên toàn cầu.

van hoa tui nhua cua nhat ban bai toan nan giai
Nhật Bản thúc đẩy người dân phân loại rác đúng cách. Ảnh: The Washington Post.

Tháng 6/2019, Nhật Bản đã công bố kế hoạch giảm rác thải nhựa. Theo đó, chính phủ sẽ lắp đặt các thùng chuyên thu gom rác thải nhựa trên toàn quốc; thúc đẩy các hoạt động vớt rác trên sông, biển…; đẩy mạnh phát triển vật liệu đóng gói phân huỷ sinh học… Người tiêu dùng nước này cũng nỗ lực theo kịp các quy tắc quốc tế về tái chế.

van hoa tui nhua cua nhat ban bai toan nan giai
Nhiều thành phố ở Nhật có quy tắc phân loại rác nghiêm ngặt. Ảnh: Social Innovation Japan.

Điển hình, chính quyền thành phố Yokohama đã cho ra mắt tài liệu hướng dẫn "Cách ly, xử lý và tái chế rác" dài 8 trang để gửi đến các hộ gia đình. Trong đó hướng dẫn chi tiết cách phân loại 10 loại rác thải, từ vải, giấy, bìa cứng, kim loại và nhiều loại khác bằng nhựa. Ví dụ, trước khi vứt vào thùng rác, các hộp sữa phải được cắt ra, rửa sạch bằng nước, phơi khô; sau đó dùng dây bằng giấy bó lại cùng với các loại rác khác có cùng kích thước, chủng loại. Loại vỏ hộp tráng nhôm hoặc sáp cũng cần được xử lý riêng.

Đối với những người nước ngoài sống ở Nhật, các quy tắc phân loại rác là một thử thách "cân não". Trang hỗ trợ thuê nhà trực tuyến Airbnb đã từng "mắc cạn" tại thị trường này do khách hàng quốc tế liên tục khiếu nại, than vãn về cách thức xử lý rác phức tạp.

van hoa tui nhua cua nhat ban bai toan nan giai
Theo chính phủ Nhật, 86% trong 9 triệu tấn chất thải nhựa người dân thải ra mỗi năm đã được tái chế. Ảnh: The Washington Post.

Chính phủ Nhật luôn hãnh diện rằng, nhờ có những nỗ lực "ấn tượng" này, 86% trong 9 triệu tấn chất thải nhựa người dân thải ra mỗi năm đã được tái chế; chỉ 8% bị thiêu huỷ; phần còn lại được vứt ra các bãi rác.

Tuy nhiên, những con số trên không phản ánh thực tế. Theo luật hiện hành, tái chế nhựa ở Nhật đang được chia thành 3 loại hình, gồm: đốt nhựa lấy năng lượng (tái chế nhiệt, chiếm khoảng 56%), tái sử dụng nhựa (tái chế vật liệu, chiếm khoảng 23%) và sử dụng nguyên liệu thô cho mục đích công nghiệp (tái chế hoá học, chiếm 4%). Do vậy, không phải tất cả số rác được phân loại tỉ mỉ sẽ được tái chế thành vật liệu mới.

Đối với những người hoạt động vì môi trường ở Nhật, nỗ lực của chính phủ hiện nay chỉ như "muỗi đốt inox". Họ vẫn luôn lo ngại về viễn cảnh xứ sở hoa anh đào sẽ bị ngập trong "cơn sóng thần rác thải nhựa" một ngày nào đó, vì lượng nhựa sản xuất ra vẫn chưa được kiểm soát.

Theo thông tin từ Tạp chí Forbes, trên thực tế có tới 70% rác thải nhựa bị đốt cháy để tạo ra nhiệt và điện năng. Ông Denyer cũng cho biết, 14% lượng rác được xuất khẩu sang các nước châu Á nghèo hơn, có cơ chế quản lý rác thải lỏng lẻo hơn; từ đây rác có thể "nằm phơi" ở các bãi phế liệu hoặc trôi nổi trên biển. Chỉ khoảng 14% rác ở Nhật thực sự được tái chế, chủ yếu bằng cách phân nhỏ và sản xuất thành các sản phẩm mới.

van hoa tui nhua cua nhat ban bai toan nan giai
Trên thực tế, lượng rác thải chưa được giải quyết hiệu quả như kỳ vọng. Ảnh: The Washington Post.

Nhiều người dân "ngoan ngoãn" phân loại rác mà không hề biết về sự thật này. Ông Kenji Fuma - Chuyên gia tư vấn về phát triển bền vững, Giám đốc điều hành của Neural chia sẻ: "Chúng ta đặt quá nhiều niềm tin vào chính phủ mà không ai biết chuyện gì thực sự xảy ra với số chất thải được thu gom".

Sự thật thường gây mất lòng, quả đúng là như vậy. Trong trường hợp này, nếu sự thật về rác thải được phổ biến rộng rãi, áp lực sẽ gia tăng đối với chính phủ và cả người dân khi phải kiểm soát mức nhựa tiêu thụ chặt chẽ hơn.

Nhật Bản luôn tự hào với công nghệ tiên tiến, có khả năng lọc các loại khí điôxin có hại phát tán trong quá trình đốt nhựa, thậm chí còn xuất khẩu công nghệ này ra các quốc gia châu Á khác. Tuy nhiên, đốt rác nhựa chưa bao giờ là giải pháp bền vững.

van hoa tui nhua cua nhat ban bai toan nan giai
Đốt rác là giải pháp xử lý rác không bền vững. Ảnh: The National.

Bà Sirine Rached - Chuyên gia của Liên minh toàn cầu về các giải pháp thay thế đốt rác cho rằng, phương pháp này giải phóng carbon điôxit vào khí quyển, góp phần đẩy nhanh hiện tượng nóng lên toàn cầu, đi ngược lại các nỗ lực loại bỏ chất thải của cộng đồng. "Phần khó nhất của hoạt động quản lý chất thải chính là phân loại và khi người tiêu dùng sẵn sàng tự mình thực hiện việc đó thì không có lý do gì lại không thể tái chế rác hiệu quả" - bà Sirine nói thêm.

Xuất khẩu cũng là vấn đề nan giải không kém. Về cơ bản, nó không giải quyết được vấn đề rác thải mà chỉ chuyển ô nhiễm từ quốc gia này sang quốc gia khác, góp phần làm "lây lan" các vấn đề về môi trường ra toàn châu Á. Năm 2018, lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa của Trung Quốc đã tạo ra một cuộc khủng hoảng. Một lượng lớn rác thải sau đó đã được xuất khẩu sang các nước khác, lượng rác còn lại nặng hàng trăm nghìn tấn vẫn đang chất đống tại các đô thị trên khắp Nhật Bản.

Tìm giải pháp mới

Trước tình hình trên, chính phủ Nhật Bản đang kỳ vọng sẽ giảm được 25% lượng nhựa sử dụng vào năm 2030. Một trong những nỗ lực là ban hành lệnh buộc các cửa hàng bán lẻ tính phí cho túi nhựa.

Nhà báo Denyer nhận thấy, nhận thức của người Nhật về các vấn đề liên quan đến rác thải nhựa còn thấp, nhưng đang được cải thiện dần khi các kênh truyền thông tích cực kêu gọi người dân từ bỏ "văn hoá dùng một lần".

van hoa tui nhua cua nhat ban bai toan nan giai
Chính phủ Nhật Bản đang kỳ vọng sẽ giảm được 25% lượng nhựa sử dụng vào năm 2030. Ảnh: Social Innovation Japan.

Chuỗi siêu thị bán lẻ Aeon cho biết, hơn 1.700 trong tổng số 3.085 cơ sở kinh doanh của họ đã tính phí túi nhựa; mục tiêu thực hiện tại 2.500 cơ sở vào tháng 2/2020. Chuỗi của hàng tiện lợi 7-Eleven cũng đặt ra mục tiêu loại bỏ hoàn toàn túi nhựa vào năm 2030.

Thị trấn nông thôn Kamikatsu (phía Tây Nam Nhật Bản) thậm chí đã đạt được thành tựu nổi bật hơn nữa. Từ năm 2003, do không đủ kinh phí chi trả cho việc đốt rác, thị trấn đã đặt ra mục tiêu "không rác thải" vào năm 2020. Hiện nay, thông qua việc phân loại, xử lý và tái sử dụng, Kamikatsu đã tái chế được hơn 80% lượng chất thải, trở thành mô hình toàn cầu cho cuộc sống bền vững.

Tuy nhiên, để thay đổi cục diện cần phải nỗ lực mạnh mẽ, mở rộng quy mô của các biện pháp tích cực, khi phía bên kia của chiến tuyến là cộng đồng doanh nghiệp trong nước, chính quyền…, những người chưa sẵn sàng cho sự thay đổi. Các nhà sản xuất không muốn đổi mới cách thức hoạt động, bỏ thêm chi phí hay mạo hiểm với nguồn thu dồi dào đến từ các sản phẩm nhựa.

Ông Fuma chia sẻ: "Nhiều nhà bán lẻ và nhà hàng đang bắt đầu thay đổi, nhưng sự chống đối lớn nhất lại đến từ các nhà sản xuất, trong khi Bộ Kinh tế, Thương mại, Công nghiệp chưa hề có ý kiến chính thức nào về việc giảm sử dụng nhựa".

Tổ chức môi trường Greenpeace và các tổ chức phi chính phủ về môi trường khác đang bày tỏ mong muốn Nhật Bản đưa ra những cam kết vững chắc hơn để đạt mục tiêu giảm 25% lượng chất thải nhựa vào năm 2030.

Diệu Anh

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/van-hoa-tui-nhua-cua-nhat-ban-bai-toan-nan-giai-2671.html

In bài viết