17:11 | 24/09/2019

Nghịch lý Vietjet Air: Tưởng rẻ mà... không rẻ!

Vietjet Air thường xuyên tung ra vé máy bay với giá 0 đồng, nhưng nghịch lý ở chỗ đến khi bay khách hàng sẽ phải trả thêm đủ loại thuế, phí để có thể sử dụng dịch vụ tưởng chừng "free".
Phục vụ mặt đất, "miếng bánh ngon" mà Vietjet đang thèm khát Vietnam Airlines "tố" việc niêm yết giá vé của Vietjet Air sai quy định! Vietnam Airlines được cấp phép bay tới Mỹ

Vietjet có "lừa dối" khách hàng (!?)

Vietjet Air của bà Nguyễn Thị Phương Thảo được người dân gọi với cái tên rất thân mật "hãng hàng không giá rẻ". Thế nhưng, khi sử dụng dịch vụ của hãng này lại không hề rẻ chút nào. Chị N.T.T người sử dụng dịch vụ hàng không của hãng này cho biết: "Tôi mua vé máy bay của Vietjet Air qua đại lý với các giá 0 đồng, 199.000 đồng, 399.000 đồng… Ban đầu khi mua vé, tôi nghĩ chỉ cần bỏ ra số tiền như thế là đã bao gồm đầy đủ các loại thuế, phí và có thể lên máy bay được rồi. Thế nhưng tôi đã nhầm, để có thể bay tôi phải nộp thêm hàng triệu đồng các loại phí khác nhau. Đơn cử như: thuế giá trị gia tăng 10%, phí dịch vụ soi chiếu an ninh đối với hành khách và hành lý, lệ phí sân bay, phí quản trị của Vietjet Air…!".

"Việc này thật ra không quá quan trọng đối với tôi, nhưng tôi cảm thấy mình bị hãng hàng không này lừa dối. Bởi tôi tưởng săn được giá vé rẻ mà không hiểu sao lại độn thêm nhiều loại thuế phí như thế, thành ra không hề rẻ chút nào" - Chị N.T.T nói.

nghich ly vietjet air tuong re ma khong re
Nghịch lý bay Vietjet Air tưởng rẻ mà lại không rẻ!

Hiện nay, ngành hàng không thế giới vẫn áp dụng song song hai cách hiển thị giá vé là bao gồm thuế phí (gross fare) và không bao gồm thuế phí (net fare) và thường thống nhất theo khu vực.

Tại Việt Nam, Vietnam Airlines là hãng bay duy nhất đang hiển thị giá vé theo hình thức gross fare. Các hãng bay còn lại là Vietjet Air, Jetstar Pacific và Bamboo Airways đều lựa chọn hiển thị net fare.

Bởi đang có hai trường phái đối lập, Vietnam Airlines thì đề xuất thống nhất dùng gross fare (giá vé bao gồm đầy đủ thuế, phí) để đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường, tính minh bạch với khách hàng và sự thượng tôn pháp luật, thì Vietjet Air lại cho rằng chính việc không công bố chi tiết thành phần giá vé như Vietnam Airlines mới là thiếu minh bạch, khiến khách hàng chịu thiệt khi phải chi trả cho một số dịch vụ mà họ không cần tới (như ký gửi hành lý).

Quy định một đằng, thực hiện một nẻo

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên một số website bán vé của Vietjet Air ghi nhận những câu chào mời như săn vé rẻ 0 đồng. Nhưng khi mua loại vé này khách hàng sẽ phải trả hàng loạt các loại thuế phí có giá trị lên đến hàng triệu đồng. Nhận định số tiền phải chi trả cho loại vé này theo cảm quan của phóng viên thực chất không hề rẻ hơn so với đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Vietnam Airline với hình thức niêm yết giá vé bao gồm đầy đủ các loại thuế, phí (gross fare).

nghich ly vietjet air tuong re ma khong re
Vietjet Air thường tung ra các vé giá 0 đồng.

Liên quan đến việc Hãng Hàng không Vietjet Air bán vé máy bay với giá 0 đồng, nhưng để sử dụng được, khách hàng sẽ phải đóng hàng loạt các loại thuế, phí. Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Phúc Ban - Văn phòng Luật sư Hà Nội (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo Điều 18, Nghị định 177/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá đối với cách thức niêm yết giá. Trong đó, có nói đến việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết.

Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được bán cao hơn hoặc mua thấp hơn giá niêm yết.

"Giá niêm yết là giá hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ đó" - Luật sư Ban cho biết thêm.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Phúc Ban, quy định về niêm yết giá vé máy bay đã được Chính phủ quy định rõ ràng và các hãng hàng không đều phải thực hiện.

"Tuy nhiên, hiện nay có một số hãng hàng không niêm yết giá vé không bao gồm thuế mà Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam 'tố' với Cục Hàng không và Cục Quản lý giá sẽ khiến hành khách hiểu lầm, tạo ra xung đột dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh" - vị Luật sư này nói.

Để có thông tin đa chiều, khách quan, phóng viên Công nghiệp Môi trường đã liên hệ với đại diện của Vietjet Air và được vị này cho biết, sẽ không bình luận và phát ngôn gì liên quan tới vấn đề này.

Đức Trọng

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/nghich-ly-vietjet-air-tuong-re-ma-khong-re-2815.html

In bài viết