11:40 | 30/09/2019

Xe bán tải chữa cháy rừng

Thay cho 50-60 người chữa cháy với dụng cụ thủ công trên diện tích 5.000 m2, thì chỉ cần một xe bán tải với 5 người vận hành, hỗ trợ.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy
xe ban tai chua chay rung

Xe bán tải được cải tiến thành xe chữa cháy rừng cơ động cao.

Ông Nguyễn Sĩ Doãn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Đồng Hới (Quảng Bình), nhìn nhận: "Mỗi năm, khi mùa hè đến là nhiệm vụ phòng chống chữa cháy rừng (PCCCR) của lực lượng kiểm lâm rất nặng nề. Khi có cháy, thiếu hẳn phương tiện dập lửa cứu rừng. Vì vậy, sáng kiến lắp đặt máy bơm nước gắn trên xe Ford bán tải tuy đơn giản mà hiệu quả".

Sáng kiến đơn giản

Những năm qua, biến đổi khí hậu khiến thời tiết cực đoan. Trên dải đất miền Trung có những đợt nắng nóng kéo dài và gay gắt, cháy rừng xảy ra thường xuyên gây thiệt hại lớn. Trong khi đó, ngoài lực lượng công an chữa cháy chuyên nghiệp có xe chữa cháy hiện đại thì lực lượng "4 tại chỗ" đều chữa cháy thủ công như dùng cành cây, mang gùi nước lên đồi dốc dập lửa.

Từ thực tế đó, tập thể Hạt Kiểm lâm Đồng Hới bắt tay vào nghiên cứu giải pháp để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng. Sau thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, mô hình "chữa cháy rừng cơ động" ra đời.

Giới thiệu với chúng tôi, ông Nguyễn Sĩ Doãn đánh luôn con xe Ford bán tải của đơn vị ra giữa sân để mọi nguười "mục sở thị". Theo ông Doãn, quá trình chữa cháy rừng vất vả, khó khăn mà hiệu quả không cao. Nhiều vị trí cháy nơi dốc cao, đường hẹp thì xe chữa cháy không thể tiếp cận.

Ông Doãn bảo: "Có anh em đề xuất sao không lấy con xe bán tải của ta làm thí điểm luôn. Thế là chúng tôi làm thử".

xe ban tai chua chay rung
Chữa cháy rừng bằng xe bán tải.

Trước hết, để có nguồn nước, anh em mua về một bồn nhựa loại 0,5 m3 nước. Bồn được cho lên thùng xe và gia cố chắc chắn, khi xe chạy không dịch chuyển, nhưng cũng phải đảm bảo tháo lắp nhanh, dễ dàng.

Tiếp theo là hệ thống bơm, vòi phun. Động cơ xăng hiệu Honda (loại động cơ Gx 390) gắn lên thùng, sát bồn nước. Máy bơm có 1 đầu hút vào bồn nước và có 3 van xả. Mỗi đầu van xả được gắn với lô cuốn dây ống nước. Mỗi tuyến dây dài khoảng 300m.

"Chúng tôi chế 3 van xả để khi nguy cấp, hệ thống bơm có thể dùng tới 3 đầu bơm để dập lửa nhanh hơn" - ông Doãn nói.

xe ban tai chua chay rung
Hệ thống 3 đầu bơm để dập lửa nhanh hơn và tiết kiệm nước.

Một ưu điểm nữa là xe bán tải 2 cầu mạnh mẽ, với tính năng có thể vượt qua được nhiều địa hình khó khăn, nhỏ hẹp, leo lên đồi cao mà các phương tiện cơ giới khác, kể cả xe chữa cháy chuyên nghiệp khó leo lên.

Ngoài ra, để cung cấp nước cho xe bán tải, anh em chế bộ giàn gắn lên xe máy. Mỗi xe máy có thể chở được 3 can nhựa (loại 20-30 lít), có thể theo xe bán tải vào tận điểm tập kết để cung cấp nước vào bồn. Trường hợp xe máy không thể tiếp cận thì lực lượng chữa cháy khiêng vác can nhựa tiếp nước cho xe.

Để chủ động, mỗi xe chữa cháy được bố trí thêm một máy bơm nước. Trường hợp gần đám cháy có khe suối, ao hồ nước thì máy bơm được vận hành hút nước với khoảng cách khoảng 150m cung cấp lên bồn.

Hiệu quả lớn

Mô hình được tập thể Hạt Kiểm lâm Đồng Hới cho ra đời vào đầu năm nay và áp dụng ngay. Ngay từ đầu hè 2019, thời tiết nắng nóng gay gắt, kéo dài nên tại Đồng Hới xảy ra 19 điểm phát lửa, 1 vụ cháy rừng. Vào tháng 4/2019, một đám cháy bùng phát tại rừng phòng hộ ven biển xã Bảo Ninh. Nhận được tin báo, kiểm lâm cùng xe bán tải chữa cháy được điều động đến gần đám cháy phun nước.

Ông Doãn kể lại: "Khi đó, vòi bơm mới chỉ 150 mét thôi. Nhưng nước xịt rất mạnh. Tôi đề nghị nối thêm ống nhựa để kéo vòi xịt đi xa hơn". Ngay tại hiện trường, ông Nguyễn Đức Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Đồng Hới đã đồng ý. Chỉ 30 phút sau, hệ thống ống được nối tiếp. Máy bơm hoạt động liên tục và cơ động được nhiều địa điểm khác nhau nên đám cháy đã được khống chế.

xe ban tai chua chay rung

Xe máy cơ động của kiểm lâm địa bàn.

Quy trình nhận thông tin và xử lý khi có cháy xảy ra ở lực lượng kiểm lâm Quảng Bình khá bài bản. Tại các chòi canh, có thể nhận diện cột khói bất thường. Hạt Kiểm lâm gọi điện cho chủ rừng, chính quyền và cán bộ kiểm lâm địa bàn yêu cầu xác nhận sự việc, địa điểm. Kiểm lâm địa bàn phải có mặt kịp thời để xác nhận thông tin và xử lý.

Nếu có đám cháy, thông báo khẩn và với phương tiện đã được trang bị, dùng máy phun hơi, xẻng, rựa xử lý đám cháy ban đầu. Lực lượng PCCCR sau 10 phút là lên đường, cơ động đến điểm cháy và sử dụng máy bơm nước dập lửa.

Qua thực tế, ông Doãn cho biết, cứ mỗi bồn nước 0,5m3 là máy bơm liên tục được khoảng 20 phút. Trong trường hợp đám cháy lớn, kiểm lâm đưa xe tải lớn (loại xe chở trên 3 tấn) chở được 2, 3 bồn lớn (loại 1m3 nước/bồn), thì máy bơm hoạt động được 1-2 giờ đồng hồ.

Với phương án phát hiện, xử lý ngay từ ban đầu và lực lượng PCCCR can thiệp kịp thời nên 19 đám cháy ở Đồng Hới đã được phát hiện sớm. Không chỉ làm nhiệm vụ PCCCR, phương tiện và lực lượng kiểm lâm còn trực tiếp tham gia vào nhiều vụ chữa cháy khác. Vì đơn giản là xe bán tải cùng hệ thống bơm nước của đơn vị vào được khu dân cư với đường nhỏ hẹp mà xe chữa cháy chuyên dụng không vào được.

xe ban tai chua chay rung

Đội chữa cháy rừng cơ động của Hạt Kiểm lâm Đồng Hới.

Hệ thống chữa cháy cơ động này phát huy hiệu quả cao so với các dụng cụ chữa cháy rừng thủ công trước đây. Ông Doãn nhìn nhận, thay cho 50- 60 người chữa cháy với dụng cụ thủ công trên diện tích 5.000 m2, thì chỉ cần một xe bán tải với 5 người vận hành, hỗ trợ. "Một ưu điểm nữa là xe bán tải cơ động rộng để dập tắt những đám cháy nhỏ, than lửa còn âm ỉ đề phòng ngừa cháy bùng phát trở lại" - ông Doãn nhấn mạnh.

Cần nhân rộng

Ông Phạm Hồng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình nói, hiện mỗi năm tỉnh đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm dụng cụ chữa cháy rừng thủ công, hiệu quả không cao.

Trong khi đó, với mô hình sáng kiến kỹ thuật của Hạt Kiểm lâm Đồng Hới giá thành rất rẻ (bộ hệ thống khoảng 30 triệu đồng) nhưng hiệu quả hơn, tiết kiệm kinh phí.

Sau thời gian đưa các xe bán tải chữa cháy vào Hạt Kiểm lâm các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, bước đầu rất tốt. Các chủ rừng đánh giá cao tính khả thi. Sự linh hoạt cũng giúp tăng hiệu quả mô hình. Hạt Kiểm lâm Đồng Hới đã có quan hệ phối hợp với đội xe tải chuyên chở keo tràm trên địa bàn. Những lái xe này thông thuộc địa hình đồi núi, có kỹ năng lái xe vượt dốc, kể cả đường có độ nghiêng lớn.

"Vì vậy, khi có đám cháy, chỉ cần gọi điện thoại là họ sẵn sàng đến để chúng tôi lắp máy bơm lớn, bồn nước, công cụ chữa cháy lên xe và khẩn trương đến hiện trường. Đây cũng là lực lượng hỗ trợ rất nhiều cho kiểm lâm khi cần thiết" - ông Doãn chia sẻ.

Theo NNVN

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/xe-ban-tai-chua-chay-rung-3029.html

In bài viết