15:57 | 09/05/2019

Ký kết chương trình phối hợp về công tác BVMT giữa Bộ TN&MT và Bộ GD&ĐT giai đoạn 2019-2025

Nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong hoạt động giáo dục, đào tạo, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững của đất nước gắn với bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức, năng lực cho toàn thể nhà giáo và người học, sáng 8/5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã ký kết Chương trình phối hợp về công tác bảo vệ môi trường giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2019-2025.

Ký kết chương trình phối hợp về công tác BVMT giữa Bộ TN&MT và Bộ GD&ĐT giai đoạn 2019-2025


Hình ảnh tại buổi lễ ký kết.

Chương trình phối hợp công tác về bảo vệ môi trường giai đoạn 2019 - 2025 là sự thể hiện rõ tinh thần, quyết tâm cao về bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững của đất nước của Bộ TN&MT và Bộ GD&ĐT. Chương trình sẽ giúp nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động giáo dục, đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững; tiếp tục đổi mới từ hoạt động giáo dục, đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường và đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình giáo dục của tất cả các bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Lễ ký kết Chương trình này sẽ đánh dấu cho sự phối hợp chặt chẽ giữa hai Bộ với các nội dung triển khai trong giai đoạn 2019-2025. Qua đó, sẽ tìm ra những giải pháp có hiệu quả cao cho ngành tài nguyên môi trường và ngành giáo dục đào tạo nhằm tạo ra sự thúc đẩy, phát triển công tác giáo dục thế hệ học sinh luôn có ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Các nội dung chính trong Chương trình phối hợp về công tác bảo vệ môi trường giữa Bộ TN&MT và Bộ GD&ĐT, gồm:(1) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nội dung giáo dục BVMT trong các cấp học và trình độ đào tạo trong các cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo gắn với BVMT trong giai đoạn tới; (2) Tiếp tục rà soát, xây dựng và phát triển hệ thống tài liệu, học liệu điện tử về giáo dục BVMT, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; (3) Tăng cường xây dựng các sáng kiến, giải pháp hiệu quả về BVMT, các mô hình tiên tiến, điển hình về BVMT, tập trung vào việc phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong các cơ sở giáo dục; (4) Tăng cường triển khai các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức, phổ biến giáo dục pháp luật về BVMT trong các cơ sở giáo dục; (5) Tổ chức các cuộc thi, trao giải thưởng trong lĩnh vực giáo dục BVMT.
Hai Bộ sẽ cùng nhau đóng góp ý kiến xây dựng nền tảng giáo dục lâu dài, kể từ cấp mẫu giáo, gắn ý thức, trách nhiệm nghĩa vụ của từng người với việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng những cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng và tập hợp được sự tham gia, ủng hộ đóng góp của những nhà trí thức, chuyên gia có uy tín.
Chương trình phối hợp là cơ sở tiền đề để các đơn vị thuộc hai Bộ triển khai các nội dung, kế hoạch đề ra, cần phải gấp rút xây dựng thêm những dự án trong tương lai để phát triển cả ngành giáo dục đào tạo cũng như tài nguyên môi trường và được toàn thể các cấp học sinh, xã hội nhìn nhận một cách đúng đắn và đồng lòng hưởng ứng; đồng thời, khuyến khích khối tư nhân tham gia để có được sự đồng thuận của toàn xã hội.

 Mai Lan

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/ky-ket-chuong-trinh-phoi-hop-ve-cong-tac-bvmt-giua-bo-tnmt-va-bo-gddt-giai-doan-2019-2025-309.html

In bài viết