15:37 | 08/10/2019

Ngành nhiệt điện châu Á khốn đốn vì thiếu nước

Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, ngành nhiệt điện châu Á, đặc biệt khu vực phía Nam và Đông Nam, đang ngày càng thiếu bền vững do biến đổi khí hậu làm các nguồn nước cạn kiệt dần.
Hà Nội khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo Trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới sắp được xây dựng tại Anh Phát triển mô hình nhà máy điện thủy triều lai ghép với pin Mặt trời

Nghiên cứu của nhà khoa học Yaoping Wang đến từ Đại học Tennessee (Mỹ), được đăng cuối tháng 9 trên tờ Khoa học Năng lượng và Môi trường chỉ rõ, các nhà máy nhiệt điện cần được làm mát bằng một lượng nước lớn, trong khi các nguồn nước đang cạn kiệt dần vì nhiệt độ Trái đất nóng lên qua mỗi năm.

Theo báo cáo của Viện Tài nguyên Thế giới, từ năm 2013 - 2016, 14 trên 20 nhà máy nhiệt điện lớn nhất Ấn Độ đã phải đóng cửa vì thiếu nước, gây thiệt hại 1,4 tỉ USD.

Ông Wang cho biết: "Quy hoạch các nhà máy nhiệt điện tại các nước đang phát triển ở châu Á nên phối hợp với quy hoạch tài nguyên nước; đồng thời tìm ra giải pháp mang lại lợi ích cho cả người dùng nước lẫn người dùng năng lượng".

nganh nhiet dien chau a khon don vi thieu nuoc
Nhiều nhà máy nhiệt điện ở châu Á khốn đốn vì thiếu nước làm mát. Ảnh:Kristoferb, CC BY-SA 4.0.

Theo ông Wang, các nhà máy nhiệt điện trong khu vực thực hiện nghiên cứu hầu như có mực nước rút nhiều, cùng với phương pháp xả nước nóng không phù hợp gây hại cho hệ sinh thái. Điều này cần được khắc phục gấp để giải quyết các vấn đề về môi trường và an ninh năng lượng. Đặc biệt vào năm 2030, một nhà máy nhiệt điện than có công suất 400 gigawatt sẽ đi vào hoạt động tại Mông Cổ và một phần của Ấn Độ, Trung Quốc.

Các chuyên gia cho biết, phương pháp làm mát bằng nước khó có thể thay thế được vì những vùng nóng, ẩm như Nam Á không phù hợp với các thiết bị làm mát khô.

Ông Jeffrey Bielicki - Đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư khoa Kỹ thuật dân dụng và Trắc địa tại Đại học bang Ohio (Mỹ) nói: "Việc lắp đặt thêm các hệ thống làm mát trong nhà máy điện chỉ cho hiệu quả tức thì chứ không giải quyết được vấn đề một cách triệt để. Một phần do các hệ thống này đòi hỏi nhiều năng lượng mới có thể vận hành. Đó là cái giá không đáng để trả. Tốt hơn hết là nên lập quy hoạch sao cho nguồn nước và năng lượng phối hợp nhịp nhàng".

Ông Bielicki cho rằng, các chuyên gia nên cân nhắc việc giãn cách mật độ của các nhà máy nhiệt điện than để giảm cạnh tranh về nước. "Nếu không thể di dời các nhà máy điện đang vận hành, chúng ta nên xem xét đến vị trí của những dự án nhiệt điện sắp được thành lập" - ông nói thêm.

Giáo sư Wei Peng của khoa Kỹ thuật dân dụng và Môi trường Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) nhận xét, nghiên cứu mới này rất quan trọng trong việc phát triển châu Á, khi nhu cầu về năng lượng các quốc gia trong khu vực này đang gia tăng nhanh chóng.

Vị giáo sư này nhấn mạnh: "Một khi các nhà máy mới này được xây dựng, chúng sẽ hoạt động trong nhiều thập kỷ. Chúng ta phải thật thận trọng khi điều kiện về nguồn nước và khí hậu đang không ổn định. Nói chung, thách thức với các nước đang phát triển là thiếu dữ liệu về cả không gian lẫn thời gian. Nghiên cứu này sẽ giúp họ có cái nhìn tổng quan để xác định các rủi ro tiềm ẩn khi mở rộng ngành sản xuất năng lượng".

Việc đặt các nhà máy nhiệt điện ở đúng vị trí mang tính chiến lược sẽ đặc biệt hữu ích về lâu dài; giúp tiết kiệm năng lượng, nâng cao sản lượng và phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp.

Diệu Anh

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/nganh-nhiet-dien-chau-a-khon-don-vi-thieu-nuoc-3318.html

In bài viết