11:10 | 11/10/2019

Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn

Vấn đề bảo vệ nước dưới đất là rất cấp bách, không thể để khai thác tràn lan, cần khoanh định khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất, đặc biệt là khai thác nước dưới đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long có liên quan đến vấn đề sụt lún và sạt lở.
Quan trắc động thái nước dưới đất khu vực Hà Nội

Việt Nam được coi là một trong những quốc gia thiếu nước trong khu vực và trên thế giới. Tình trạng sử dụng nước chưa hiệu quả, nguồn nước liên tục bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng, ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu đã gây sức ép không nhỏ đến đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế của đất nước. Chính vì vậy, yêu cầu quản lý tài nguyên nước bền vững ở Việt Nam ngày càng cấp bách hơn bao giờ hết.

Theo báo cáo của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, hiện nay, cả nước có 795 đô thị, với tỷ lệ đô thị hoá đạt 35,2%, gồm: 02 đô thị đặc biệt (Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh), 17 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 41 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV và 626 đô thị loại V. Việc khai thác nước dưới đất để cung cấp cho các đô thị đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác nước đã nảy sinh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động xấu tới nguồn tài nguyên nước dưới đất như: cạn kiệt nguồn nước, gia tăng quá trình ô nhiễm, xâm nhập mặn nước dưới đất.

bao ve nuoc duoi dat o cac do thi lon
Khảo sát thực địa công trình khoan nghiên cứu cấu trúc địa chất thủy văn.

Xác định tầm quan trọng của tài nguyên nước dưới đất đối với phát triển kinh tế - xã hội ở các đô thị nước ta hiện nay và trong nhiều năm tới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 18/2/2013 về việc phê duyệt Đề án "Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn", nhằm mục tiêu trên cơ sở đánh giá nguồn nước dưới đất ở các đô thị lớn, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất cho các đô thị lớn. Giai đoạn I của Đề án được thực hiện từ năm 2013-2018 tại 09 đô thị trọng điểm là: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Quy Nhơn, Vũng Tàu, Buôn Mê Thuột, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Mỹ Tho.

Kết quả của Đề án đã đánh giá lại toàn bộ thực trạng về tài nguyên nước dưới đất của 9 đô thị lớn; thực trạng khai thác, sử dụng và những tồn tại, các nguy cơ cũng như nguyên nhân gây ra các tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn, sụt lún nền đất. Từ kết quả đó, đánh giá được tài nguyên này hiện có bao nhiêu, đang khai thác như thế nào, những vấn đề gì bất cập và phải khai thác ra sao cho bền vững, ổn định lâu dài; đồng thời đưa ra các giải pháp bảo vệ nước dưới đất cho các đô thị lớn.

Cụ thể là đã làm sáng tỏ được cấu trúc địa chất thủy văn, điều kiện tồn tại, sự phân bố của các tầng chứa nước ở 9 đô thị lớn; xác định được tổng tiềm năng tài nguyên nước dưới đất, đánh giá đầy đủ nhất về hiện trạng chất lượng nguồn nước dưới đất, phân vùng các khu vực nước dưới đất có chất lượng tốt, bảo đảm cấp nước cho ăn uống sinh hoạt và phát triển kinh tế của 9 đô thị; thống kê đầy đủ và chi tiết tình hình khai thác sử dụng nước dưới đất, các nguồn gây ô nhiễm nước dưới đất, đồng thời đánh giá được các nguy cơ ô nhiễm, nhiễm mặn và các tác động ảnh hưởng đến tài nguyên nước dưới đất tại 9 đô thị.

Trên cơ sở đánh giá chi tiết nguồn nước dưới đất, Đề án đã đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất ở 9 đô thị trọng điểm. Đặc biệt, Đề án đạt được một kết quả hết sức quan trọng là đã tính toán và xây dựng quy hoạch vùng cấm, vùng hạn chế và vùng được phép khai thác nước dưới đất ở các đô thị. Trong đó, đã khoanh định các khu vực cần bảo vệ miền cấp, miền vận động và khu vực khai thác. Giám sát cả về số lượng và chất lượng, đồng thời đưa ra các giải pháp, lộ trình cần phải thực hiện ngay trong thời gian tới. Xây dựng được bộ dữ liệu thông tin về tài nguyên nước dưới đất cho từng đô thị, có hệ thống, dễ tra cứu, phục vụ tốt cho công tác quản lý, giám sát các hoạt động khai thác và sử dụng nguồn nước; xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật là nguồn tài liệu hết sức quan trọng trong quá trình triển khai bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn giai đoạn tiếp theo đảm bảo khả thi và hiệu quả. Kết quả Giai đoạn I của Đề án được bàn giao cho các địa phương làm cơ sở để quản lý và triển khai các giải pháp bảo vệ nước dưới đất, bảo đảm mục tiêu khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên nước.

Từ thực tiễn và những kết quả đạt được của Giai đoạn I, cho thấy việc tiếp tục triển khai thực hiện Giai đoạn II của Đề án là thực sự cần thiết và cấp bách. Theo đó, Giai đoạn II của Đề án sẽ tiếp tục được thực hiện tại 8 đô thị, bao gồm: Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Quảng Ngãi, Tuy Hòa, Long Xuyên, Rạch Giá, Bạc Liêu, Cà Mau với tổng diện tích là 2.746 km2. Kết quả đánh giá nguồn nước dưới đất qua đó, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất tại các đô thị lớn.

Cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường của Đề án sẽ được sử dụng lâu dài chung trong cộng đồng; là nguồn tài liệu phong phú cho việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học tiếp theo.

Tại Hà Nội, các kết quả nghiên cứu địa chất thủy văn cho thấy, nước sông Hồng đóng góp từ 60% đến 80% lượng nước khai thác từ các bãi giếng bố trí ven sông. Tuy nhiên, nếu tốc độ đô thị hóa phát triển mạnh hai bên ven bờ sông Hồng, thì các hoạt động xây dựng ở đó không chỉ làm ô nhiễm nước đang khai thác tại các bãi giếng mà còn tạo nên bức tường ngăn chặn khả năng cung cấp nước của sông Hồng cho nước dưới đất. Hiện tượng này sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm lưu lượng và mực nước trong các giếng khoan.

Quang Minh

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/bao-ve-nuoc-duoi-dat-o-cac-do-thi-lon-3418.html

In bài viết