14:47 | 15/10/2019

Quy trình canh tác lúa thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu

Để đảm bảo an ninh lương thực là phải xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, có khả năng thích ứng với biến đổi của khí hậu, ngoài việc sử dụng giống có năng suất cao, kháng sâu bệnh, thì phân bón cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Chia sẻ giải pháp xử lý bã thải gypsum của một số nhà máy sản xuất hóa chất, phân bón

Theo nghiên cứu và dự báo của Ủy ban Liên chính phủ của Liên hợp quốc (IPPC) và Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu. Chỉ số Rủi ro về Khí hậu Toàn cầu năm 2016 đã xếp hạng Việt Nam là quốc gia đứng thứ 7 chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những hiện tượng thời tiết cực đoan trong giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2014. Bão, lũ, hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên với cường độ mạnhvà khó dự đoán, dẫn tới nguy cơ có ảnh hưởng tới những thành tựu phát triển còn non yếu. Chỉ tính riêng năm 2016, hạn hán và lũ lụt đã gây thiệt hại tớ 1,7 tỉ USD, tương đương với 1% GDP của quốc gia.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu 2018, nếu nước biển dâng lên 100cm, sẽ có khoảng 38,9% diện tích ở đồng bằng sông Cửu Long và 16,8% diện tích ở đồng bằng sông Hồng có nguy cơ bị ngập. Trong đó, các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,86%) và Cà Mau (57,69%).

quy trinh canh tac lua thong minh thich ung bien doi khi hau
Bình Điền đầu tư dây chuyền công nghệ tháp cao.

Trước tình hình đó, để đảm bảo an ninh lương thực là phải xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, có khả năng thích ứng với những biến đổi của khí hậu, ngoài việc sử dụng giống có năng suất cao, kháng sâu bệnh, chịu được điều kiện bất lợi của thời tiết, thì phân bón cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Theo Dongxin FENG (2012), phân bón đóng góp 40% trong tăng năng suất cây trồng, trong khi bảo vệ thực vật đóng góp 20%. Tuy nhiên, hiệu suất sử dụng phân vô cơ còn rất thấp, gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện trạng này là sử dụng phân bón chưa thật sự khoa học. Nghiên cứu về "Điều tra đánh giá đất trồng cà phê để có định hướng sản xuất và phát triển các loại phân bón chuyên dùng thích hợp cho cà phê" do Công ty CP Phân bón Bình Điền phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk thực hiện trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, còn đến 32% hộ bón chưa cân đối hợp lý và phần lớn các hộ đều bón lượng phân khoáng vượt khuyến cáo của quy trình. Chính vì vậy, trong nỗ lực nâng cao hiệu quả sử dụng của các loại phân bón, bên cạnh việc xây dựng các quy trình canh tác mang tính khoa học và thực tế cho các loại cây trồng, phù hợp cho từng loại đất… thì việc đầu tư nghiên cứu để sản xuất ra các loại phân bón mới đóng vai trò quyết định. Từ hướng đi này, thuật ngữ phân bón thế hệ mới ra đời và đang ngày càng được nhiều nhà nghiên cứu và sản xuất sử dụng phổ biến.

Đi cùng xu hướng đó, những năm gần đây, Công ty CP Phân bón Bình Điền đã chủ động nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ KHKT trong và ngoài nước vào sản phẩm để phân bón không chỉ đóng vai trò cung cấp chất dinh dưỡng mà còn có tác dụng cải tạo môi trường đất (hệ vi sinh vật đất, độ tơi xốp, tái thiết lập tình trạng cân bằng dinh dưỡng trong đất), nâng cao hiệu quả hấp thu dinh dưỡng của cây trồng thông qua công nghệ kiểm soát quá trình giải phóng chất dinh dưỡng từ hạt phân hay sử dụng các nguồn nguyên liệu "thông minh"... Công ty đã sản xuất được các loại phân bón và xây dựng quy trình canh tác thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Đồng bằng sông Cửu long có khoảng 2 triệu ha đất phèn, tập trung ở các vùng sản xuất lúa trọng điểm như Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau. Cùng với đó là khoảng trên 800.000 ha đất nhiễm mặn ở các tỉnh ven biển. Những năm gần đây, tình trạng khô hạn do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt hơn, bên cạnh đó là nguồn nước ngọt từ thượng nguồn đổ về ít hơn nên canh tác trên đất nhiễm phèn, mặn gặp nhiều khó khăn hơn trước.

Lấy cơ sở khoa học từ đề tài nghiên cứu cấp Bộ Công Thương "Nghiên cứu sản xuất phân bón chuyên dùng cho lúa trên đất nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long" thực hiện từ 2013 – 2015, Bình Điền đã cho ra đời sản phẩm Đầu Trâu Phèn - Mặn (Nts: 4%, P2O5hh: 14%, Ca: 14,5%, SiO2hh: 1% và một số trung vi lượng khác). Kết quả thử nghiệm cho thấy với lượng bón lót từ 100-160kg/ha loại phân này, cây lúa phát triển rất tốt, đẻ nhánh mạnh và đặc biệt giảm được ngộ độc phèn giữa vụ.

Nhằm thích ứng với xâm nhập mặn, công ty đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện Chương trình canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu. Chương trình là một gói giải pháp kỹ thuật, từ làm đất, sạ hạt, bón phân, quản lý nước và dịch hại, chăm sóc, thu hoạch với mục đích chính là khuyến cáo nông dân giảm chi phí đầu vào (giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ) mà vẫn đạt, thậm chí vượt năng suất và chất lượng sản phẩm. Dựa trên nền sản phẩm Đầu Trâu Phèn - Mặn và các sản phẩm phân bón chuyên dùng cho lúa có bổ sung các hoạt chất tiết kiệm đạm (Agrotain) và tiết kiệm lân (Avail), mô hình canh tác lúa thông minh với 65 hộ nông dân (0,5ha/hộ) ở 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu long được thực hiện trong 03 vụ liên tiếp từ 2016 - 2018. Kết quả cho thấy ruộng mô hình có lượng giống còn 70 - 80 kg/ha, lượng phân N giảm 25 - 28kg/ha nhưng lại cho năng suất tăng 4 - 10% và lợi nhuận tăng từ 23 - 50% so với ruộng đối chứng của nông dân. Hiện tại, công ty đang thực hiện các thủ tục pháp lý để đăng ký công nhận quy trình canh tác lúa thông minh là tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Song song với chương trình trên, công ty cũng xây dựng quy trình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính để tham gia dự án "Sản xuất lúa bền vững và Giảm phát thải khí nhà kính AgResults (AVERP)" do Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV tổ chức tại Thái Bình. Quy trình canh tác là gói công nghệ gồm các biện pháp kỹ thuật từ chọn giống, cấy/gieo sạ, bón phân, quản lý nước, quản lý dịch hại… Trong đó, điểm nổi bật là các loại phân bón thế hệ mới có hiệu suất sử dụng cao, giảm phát thải các loại khí nhà kính do hạn chế sự mất đạm do bốc hơi và nitrat hóa (bổ sung hoạt chất Agrotain) hay bảo vệ lân (P) khỏi sự cố định của sắt (Fe), nhôm (Al3+) di động trong đất hay các chủng vi sinh được bổ sung có khả năng phân hủy nhanh gốc rạ của vụ trước nhằm tránh trình trạng ngộ độc hữu cơ cho cây lúa vụ sau…

Kết thúc giai đoạn 1 của dự án, qua 02 vụ sản xuất là vụ Mùa năm 2017 và vụ Xuân năm 2018, dưới sự đánh giá của Cơ quan kiểm định quốc tế AGS dựa vào các tiêu chí tăng năng suất và giảm phát thải khí nhà kính, Công ty CP Phân bón Bình Điền đạt giải nhì trên tổng số 11 đơn vị tham gia. Giai đoạn 2 là pha mở rộng ứng dụng gói công nghệ trên ra sản xuất, công ty đang tiếp tục cải tiến công nghệ cho hoàn thiện hơn để đạt kết quả cao nhất.

Phạm Anh Cường

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/quy-trinh-canh-tac-lua-thong-minh-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-3541.html

In bài viết