11:42 | 24/10/2019

Ông Nguyễn Thiện Nhân:

"Làm việc 9-10 giờ một ngày thì không có gia đình hạnh phúc đâu"

Trong phiên thảo luận về một số nội dung chưa thống nhất trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), các đại biểu quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là về việc mở rộng khung tăng giờ làm thêm tối đa. 
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Thông cáo báo chí số 3 Có nên giảm giờ làm đối với người lao động? Phú Thọ: Ai đã cho chính quyền xã Văn Lung ăn bớt giờ làm việc

Ngày 23/10, trong phiên thảo luận về một số nội dung chưa thống nhất trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) như tăng tuổi nghỉ hưu, mở rộng khung tăng giờ làm thêm tối đa, đề xuất giảm giờ làm và tăng ngày nghỉ lễ..., ông Nguyễn Thiện Nhân – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM, đại biểu Quốc hội cho rằng, làm thêm giờ chỉ mang lại cái lợi trước mắt cho doanh nghiệp và người lao động, nhưng về lâu dài, sức khoẻ người lao động sẽ suy giảm trong khi năng suất lao động không tăng. Vì đã có thống kê cho thấy, năng suất lao động không tăng nếu làm việc trên 40 giờ/tuần.

Ông Thiện Nhân làm rõ hơn quan điểm của mình: “Hạnh phúc của người Việt Nam lâu nay gồm nhiều giá trị. Vừa qua có cuốn sách nghiên cứu về hạnh phúc của người Việt Nam, kết quả điều tra cho thấy chúng ta đều mong muốn có thu nhập, nhà ở, việc làm. Nhưng có đến 95% mong muốn có gia đình hòa thuận; 73% mong con cháu tiến bộ. Nếu cứ làm việc 9 - 10 giờ/ngày quanh năm thì không có gia đình hạnh phúc đâu".

lam viec 9 10 gio mot ngay thi thi khong co gia dinh hanh phuc dau
Ông Nguyễn Thiện Nhân: "Làm việc 9-10 giờ một ngày thì thì không có gia đình hạnh phúc đâu". Ảnh: quochoi.vn

Tại Việt Nam, theo Bí thư Thành ủy TP HCM, từ năm 1960, công chức làm 8 tiếng và 6 ngày/tuần, năm 1999 giảm xuống làm 5 ngày/tuần.

“Chúng ta làm theo xu hướng thế giới, nhưng chậm hơn họ nửa thế kỷ”, ông Nhân nói. Hiện có 2 nhóm người, một là làm cho Nhà nước 5 ngày/tuần, hai là làm cho doanh nghiệp 6 ngày/tuần. Ông Nhân cho rằng điều này là không bình đẳng, các nước khác không có luật lao động nào tách riêng công chức làm 40 giờ, công nhân làm nhiều giờ.

Sau năm 2000 đến nay, thế giới tiếp tục thay đổi, không còn làm 40 giờ/tuần mà giảm dần. Ông Nhân dẫn chứng, thời gian lao động trong tuần tại Chile là 37 giờ, Pháp 28,5 giờ, Đức là 26,2 giờ, nhưng Đức có năng suất hàng đầu thế giới, nền kinh tế thứ 4 thế giới, đứng đầu châu Âu.

Bí thư Thành ủy TP HCM khẳng định, gốc rễ của việc tăng năng suất lao động là phải đổi mới công nghệ, giảm giờ làm chứ không phải là ngược lại. Vì tăng giờ làm chỉ làm giảm năng suất lao động. Làm thêm giờ thì càng mệt, năng suất càng giảm.

Bấm nút tranh luận, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đoàn TP HCM cho rằng, thực tế người lao động không muốn làm thêm nhưng buộc phải làm thêm do tiền lương làm chính không đủ để trang trải cuộc sống tối thiểu. Đời sống nhiều người lao động còn khó khăn, chật vật.. Vai trò của Quốc hội là phải làm thế nào để người lao động có thu nhập đủ trang trải cuộc sống, có thời gian để học tập, nâng cao tay nghề, chăm sóc bản thân, gia đình… Đó là những quyền con người được hiến pháp quy định.

Bà Tâm xúc động nói: "Chúng ta hãy nhìn dáng vẻ, tâm thế người công nhân, đời sống thực tế của họ. Chúng ta hãy nhìn những đứa trẻ con của công nhân phải gửi con về quê cho ông bà ở quê chăm sóc, có cha mẹ nào nỡ lòng xa con. Có những người già phải chăm cháu để con đi xa làm ăn. Những người lao động như thế, họ không muốn cam chịu, không muốn trở thành gánh nặng của xã hội, họ phải đi tìm việc làm. Mà nói là họ tự nguyện để làm thêm giờ, tôi cho rằng cần phải làm sáng tỏ vấn đề này”.

Cho rằng Việt Nam cần tiệm cận với xu hướng này, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn tỉnh Đắk Lắk) nghĩ việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, giám sát và chế tài còn hạn chế sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng tăng thời giờ làm thêm để khai thác sức lao động quá mức. Đại biểu nhất trí với phương án không mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa so với quy định hiện hành và cần bổ sung các chế tài đủ mạnh để xử lý các tổ chức doanh nghiệp vi phạm các quy định của Bộ luật Lao động.

Trong khi đó, Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI đồng tình phương án tăng giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm so với quy định hiện hành là 300 giờ.

Ông cho rằng, đối với một số ngành nghề đặc biệt, thời gian làm thêm sẽ không quá 400 giờ/năm. Đây là khung giờ để người lao động và người sử dụng lao động tự thỏa thuận với nhau. Người lao động có quyền lựa chọn làm thêm hoặc từ chối làm thêm, và cũng chỉ có giới hạn trong một số rất ít ngành nghề đặc thù, ở thời vụ cao điểm.

Cũng theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, làm thêm giờ là “cực chẳng đã” đối với các doanh nghiệp, nhưng là nhu cầu tự nguyện của người lao động. Kết quả khảo sát mới đây của Tổ chức lao động quốc tế đã xác nhận có tới 99% hợp đồng lao động ngoài giờ ở nước ta là có sự thỏa thuận tự nguyện cả hai bên. Tổ chức lao động quốc tế cũng cảnh báo hiện tượng có tới 70% doanh nghiệp bị đánh giá không tuân thủ giới hạn tối đa 300 giờ/năm. Điều này phản ánh thực tiễn tăng giờ làm thêm hơn 300 là yêu cầu của cuộc sống, phù hợp với lợi ích của cả người lao động và người sử dụng lao động.

Ông Lộc cũng ủng hộ phương án làm viêc 48 giờ/tuần vì "phù hợp với nền kinh tế và rất nhân văn, hợp lý".

Về mở rộng khung giờ làm thêm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo đề xuất 02 phương án kính trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến:

Phương án 1: Quy định theo hướng giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành, nhưng cần ghi rõ nâng thời giờ làm thêm theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm để người lao động biết, làm cơ sở cho việc giám sát tuân thủ, bảo vệ được quyền lợi, sức khỏe của người lao động.

Phương án 2: Nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ/năm theo đề xuất của Chính phủ. Quy định theo phương án này không khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng, nhưng Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ, đánh giá tác động và bổ sung quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ kể từ giờ thứ 201 hoặc từ giờ thứ 301 trở đi và trình Quốc hội dự thảo Nghị định chi tiết.

Diệu Anh

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/lam-viec-9-10-gio-mot-ngay-thi-khong-co-gia-dinh-hanh-phuc-dau-3858.html

In bài viết