16:08 | 24/10/2019

Chế độ ăn uống của con người thay đổi thế nào khi dân số tăng?

Lãnh đạo của Nestlé - một trong những nhà sản xuất thực phẩm lớn nhất thế giới cho rằng, chế độ ăn uống của con người cần thay đổi trong bối cảnh dân số ngày một gia tăng, cụ thể là giảm tiêu thụ đường, muối, thịt, tăng tiêu thụ rau củ quả, ngũ cốc.
Mối liên quan giữa cháy rừng và biến đổi khí hậu Thu giữ gần 3 tấn thực phẩm chức năng không đạt tiêu chuẩn Biến động giá cả và nhu cầu của một số mặt hàng thực phẩm

Ông Laurent Freixe - Phó Chủ tịch điều hành và đứng đầu các hoạt động ở châu Mỹ của Nestlé chia sẻ: Dân số thế giới hiện nay khoảng hơn 7,7 tỉ người và đang tiếp tục tăng nhanh. Điều này khiến chế độ ăn uống của con người thay đổi, nhu cầu ăn rau và ngũ cốc tăng lên trong khi tiêu thụ đường và thịt giảm đi.

Theo ông Freixe, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị thu hẹp và các vấn đề về sức khoẻ cộng đồng, như gia tăng bệnh béo phì, tiểu đường,…; bên cạnh đó là nhận thức của công chúng về quy trình sản xuất và nguồn gốc thực phẩm được nâng cao.

che do an uong cua con nguoi thay doi the nao khi dan so tang
Nhu cầu tiêu thụ rau củ quả, ngũ cốc sẽ tăng lên theo xu hướng tăng của dân số. Ảnh minh hoạ.

Điển hình là trên thế giới hiện nay đang có làn sóng giảm tiêu thụ thịt bò mạnh mẽ, vì công chúng nhận thức được rằng quy trình sản xuất thịt nói chung và thịt bò nói riêng, gây phát thải một lượng carbon đáng kể, góp phần đẩy nhanh hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Ông Freixe cho biết: “Để cải thiện những điều tiêu cực này, chúng tôi đã làm việc không ngừng nghỉ để cải tổ các sản phẩm của mình. Đây là một phần của chương trình đào tạo nghề do công ty tài trợ”.

Ngoài ra, nguồn gốc của nguyên liệu thô cũng là một vấn đề được cộng đồng rất quan tâm hiện nay. Người tiêu dùng có xu hướng “tẩy chay” các sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu đến từ những khu vực có rừng bị đốt, chặt phá trái phép hoặc những nơi xảy ra tình trạng lạm dụng lao động trẻ em…

Theo lãnh đạo của Nestlé, đây là một vấn đề rất nhạy cảm khi hiện nay, thông tin trên toàn cầu dễ dàng được kết nối nhờ mạng Internet. Mọi người đều có quyền truy cập thông tin và được biết quy trình sản xuất ra thực phẩm của họ có vi phạm quy chuẩn nào về đạo đức không.

Thách thức đặt ra với các nhà sản xuất thực phẩm là làm cách nào để có thể kiểm soát chặt chẽ đầu vào của nguyên liệu khi trên thế giới có hàng triệu nông dân, tương đương với hàng triệu nhà cung cấp nông sản.

Vừa qua, Brazil - một trong những nước xuất khẩu cà phê và đường nhiều nhất thế giới, đã trải qua thời gian khủng hoảng cháy rừng, làm dấy lên làn sóng chỉ trích trên toàn thế giới về cách quản lý môi trường. Người tiêu dùng gần như đã “ép” các công ty thực phẩm toàn cầu từ chối nguồn cung ứng hàng hoá từ đất nước này.

Tuy nhiên, Brazil không phải là nơi duy nhất để xảy ra các bất cập trong công tác quản lý môi trường. Do vậy, để đảm bảo kết nối với khách hàng, các nhà sản xuất và bán lẻ thực phẩm cần điều tra và làm rõ nguồn gốc của nguyên liệu, lặp tức loại bỏ những nhà cung cấp chưa phù hợp.

Diệu Anh

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/che-do-an-uong-cua-con-nguoi-thay-doi-the-nao-khi-dan-so-tang-3863.html

In bài viết