21:55 | 01/11/2019

Áp dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt để thực thi Hiệp định CPTPP

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 19/2019/TT-BCT quy định về áp dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt để thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Hướng dẫn biện pháp tự vệ đối với hàng dệt may trong Hiệp định CPTPP
ap dung cac bien phap tu ve dac biet de thuc thi hiep dinh cptpp
Biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may được áp dụng dưới hình thức tăng thuế suất.

Các biện pháp tự vệ đặc biệt để thực thi Hiệp định CPTPP, bao gồm:

Biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển tiếp và Biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may. Trong đó, biện pháp tự vệ chuyển tiếp do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định khi kết luận điều tra của cơ quan điều tra có các nội dung sau đây: có sự gia tăng nhập khẩu tuyệt đối hoặc tương đối so với khối lượng, số lượng sản xuất trong nước của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra từ một hay nhiều nước thành viên do kết quả của việc giảm thuế hoặc xóa bỏ thuế của hàng hóa đó theo Hiệp định; ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng…

Biện pháp tự vệ chuyển tiếp được áp dụng gồm: đình chỉ việc tiếp tục giảm thuế suất theo quy định của Hiệp định đối với hàng hóa bị điều tra; tăng thuế suất đối với hàng hóa đó nhưng không vượt quá thuế suất ưu đãi có hiệu lực tại thời điểm áp dụng biện pháp này hoặc thuế suất ưu đãi có hiệu lực vào ngày liền trước ngày Hiệp định có hiệu lực, tùy mức thuế suất nào thấp hơn.

Thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp không được vượt quá 02 năm. Trong trường hợp cơ quan điều tra kết luận rằng cần tiếp tục áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp để ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng và tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh của ngành sản xuất trong nước, thời hạn áp dụng có thể kéo dài thêm tối đa 01 năm.

Biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định khi kết luận điều tra của cơ quan điều tra có các nội dung sau đây: có sự gia tăng nhập khẩu tuyệt đối hoặc tương đối so với khối lượng, số lượng sản xuất trong nước của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra từ một hay nhiều nước thành viên do kết quả của việc giảm thuế hoặc xóa bỏ thuế của hàng hóa đó theo Hiệp định; ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng…

Biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may được áp dụng dưới hình thức tăng thuế suất đối với hàng hóa đó nhưng không vượt quá thuế suất ưu đãi có hiệu lực tại thời điểm áp dụng biện pháp này, hoặc thuế suất ưu đãi có hiệu lực vào ngày liền trước ngày Hiệp định có hiệu lực, tùy mức thuế suất nào thấp hơn.

Thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp không được vượt quá 02 năm và có thể gia hạn thêm tối đa 02 năm.

Hiệp định CPTPP là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên Việt Nam đàm phán, ký kết và chính thức có hiệu lực từ ngày 14/01/2019. Hiệp định CPTPP có số lượng thành viên tham gia lớn với 11 nước thành viên và các cam kết cắt giảm thuế cao. Vì vậy, việc sử dụng các công cụ cần thiết và hợp pháp để bảo vệ ngành sản xuất trong nước có khả năng xảy ra. Do đó, việc ban hành hướng dẫn thực thi các biện pháp nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước nguy cơ gia tăng hàng nhập khẩu do kết quả thực thi cam kết trong Hiệp định là cần thiết.

Thúy Hà

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/ap-dung-cac-bien-phap-tu-ve-dac-biet-de-thuc-thi-hiep-dinh-cptpp-4159.html

In bài viết