15:36 | 07/11/2019

Công nghiệp thủy sản: Lấy cá, trả rác cho biển

Theo một báo cáo mới được công bố của Tổ chức môi trường Greenpeace, ngư cụ bị vứt bỏ hoặc thất lạc trên biển là thủ phạm lớn nhất gây ô nhiễm nhựa ở đại dương.
Việt Nam lọt "top" 4 nước thải rác nhựa xuống biển lớn nhất thế giới "Thời kỳ Đồ Nhựa" đang đến gần?! Ô nhiễm biển do rác thải nhựa tại Indonesia

Trung bình mỗi năm có hơn 64.000 tấn lưới, chậu, bẫy… được sử dụng trong đánh bắt cá thương mại thải ra biển, tương đương với trọng lượng của 55.000 xe buýt hai tầng.

Những chất thải này không chỉ gây ô nhiễm môi trường biển trong nhiều thập kỷ, mà còn gây tử vong cho các sinh vật khi nuốt hoặc vướng phải.

cong nghiep thuy san lay ca tra rac cho bien
Lưới đánh cá sau khi thải ra đại dương có thể tồn tại trong nhiều thập kỷ, khiến các loài sinh vật biển tử vong khi nuốt hoặc mắc phải. Ảnh: Sea Shepherd.

Năm 2018, tại vùng biển Oaxaca (Mexico), người ta thu thập được khoảng 300 xác rùa biển chết do vướng vào ngư cụ thải trên biển. Tháng 10/2019, xác một con cá voi đang mang thai cũng được tìm thấy khi đang mắc vào lưới đánh cá cũ ngoài khơi bờ biền Orkney.

Các ngư cụ thải hoặc rác thải nhựa sau khi bị sinh vật biển nuốt vào sẽ mắc lại ở hệ thống lọc đặc biệt bên trong miệng của chúng hoặc gây tắc ruột, khiến quá trình nuốt và hấp thụ thức ăn bị vô hiệu hoá rồi chết dần vì thiếu dinh dưỡng. Các sinh vật nhỏ như loài giáp xác cho đến rùa, chim, cá voi… đều phải đối mặt với nguy cơ này.

Nhà Hải dương học Louisa Casson thuộc Greenpeace ở Anh Quốc cho biết: "Ở đâu có ngư cụ thải là ở đó sinh vật biển bị đe doạ. Đây là một trong những nguồn gây ô nhiễm nhựa lớn của đại dương".

Số dụng cụ thải này sẽ theo thuỷ triều và dòng chảy trôi dạt vào các vùng biển khác, bao gồm cả các hòn đảo xa xôi nhất ở Thái Bình Dương, vướng vào các rặng san hô, trở thành rác dưới đáy biển.

Dụng cụ đánh bắt cá thải ước tính gây ra 10% ô nhiễm nhựa trên đại dương, nhưng nếu tính theo trọng lượng thì chúng và những mảnh nhỏ của chúng chiếm tới 70% lượng rác đang trôi nổi trên mặt biển.

Một nghiên cứu gần đây về Đảo rác Thái Bình Dương đã cho thấy, phía Bắc của khu vực này có chứa khoảng 42.000 tấn rác khổng lồ, trong đó có tới 86% là lưới đánh cá.

Một đoàn thám hiểm Nam Thái Bình Dương đã tìm thấy khoảng 18 tấn vụn nhựa trải dọc trên một bờ biển dài 2,5km của đảo hoang Henderson và không ngừng tích luỹ thêm hàng nghìn mảnh mỗi ngày. Theo ước tính của các nhà khoa học thì có khoảng 60% trong số đó là rác thải của ngành công nghiệp thuỷ sản.

Greenpeace cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đánh bắt cá bất hợp pháp tràn lan và nhân lực trong ngành ngày càng đông đảo. Bên cạnh đó là chính sách quản lý kém của các chính phủ trong việc tạo ra các khu bảo tồn đại dương.

Việc bảo vệ môi trường biển giờ đây là trách nhiệm của toàn thế giới. Một Hiệp ước đại dương với quy mô toàn cầu được kỳ vọng sẽ ký kết thành công tại Liên hợp quốc vào năm tới. Thông qua báo cáo, Greenpeace cũng kêu gọi quốc tế cùng hành động để đạt mục tiêu các khu bảo tồn sẽ chiếm 30% diện tích đại dương trên thế giới vào năm 2030.

Diệu Anh

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/cong-nghiep-thuy-san-lay-ca-tra-rac-cho-bien-4378.html

In bài viết