02:37 | 10/11/2019

Hà Nội: Tăng giá đất thêm 30%, vẫn thấp so với thực tế!

Hà Nội vừa đề xuất tăng bình quân 30% giá các loại đất từ 1/1/2020 đến 31/12/2024. Theo đề xuất này, kể cả tăng giá đất như vậy thì giá đất Hà Nội vẫn kém xa so với giá đang được giao dịch trên thị trường.
Bình Dương: Điều tra sai phạm bán 43ha đất công ở dự án Tân Phú Thị trường BĐS Đà Nẵng: Bóc mẽ chiêu "thổi giá" cuối năm Điều chỉnh khung giá các loại đất theo thang điểm 100

Cụ thể, UBND TP. Hà Nội vừa đề xuất tăng bình quân 30% giá các loại đất sau khi lấy ý kiến góp ý vào tờ trình ban hành giá các loại đất trên địa bàn thành phố áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024.

Trong đó, giá đất ở đô thị dự kiến cao nhất sẽ là hơn 200 triệu đồng/m2 áp dụng cho một số địa bàn thuộc quận Hoàn Kiếm như phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ (giá áp dụng từ 1/1/2015 đến 31/12/2019 là 162 triệu đồng/m2). Giá thấp nhất thuộc địa bàn quận Hà Đông với hơn 4,5 triệu đồng/m2.

ha no i tang gia da t them 30 va n co n ra t tha p so vo i thu c te
Hà Nội tăng giá đất thêm 30% vẫn còn rất thấp so với thực tế!

Liên quan đến đề xuất tăng giá đất, UBND TP. Hà Nội cho rằng, việc xây dựng bảng giá đất đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giảm bớt chênh lệch giữa bảng giá với thị trường; góp phần thiết lập cơ chế chính sách đồng bộ trong quản lý đất đai; hài hoà lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Dự thảo Nghị quyết bảng giá đất trên sẽ được trình HĐND xem xét, thông qua tại kỳ họp đầu tháng 12 tới, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Tuy nhiên, trên thực tế, bảng giá đất mà UBND TP. Hà Nội dự kiến áp dụng còn thấp hơn nhiều so với mức giá đang giao dịch trên thị trường.

Theo đánh giá thị trường của Công ty Gachvang (Công ty chuyên nghiên cứu về mặt bằng giá đất) vừa công bố báo cáo về các tuyến đường quanh phố đi bộ Hà Nội trong 7 tháng đầu năm 2019 với giá đất bình quân 541,6 triệu đồng/m2. Thậm chí ở khu vực phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm, giao dịch ở mức 500 - 800 triệu đồng/m2, có không ít nơi giá còn lên đến hơn 1 tỉ đồng/m2.

“Giá đất này có thể so sánh ngang ngửa với đất tại các thành phố lớn nổi tiếng trên thế giới như New York (Mỹ), Paris (Pháp) hay Tokyo (Nhật Bản)” - báo cáo của công ty này đánh giá.

Ngoài ra, khảo sát cho thấy trong top 5 tuyến phố có giá đất dẫn đầu Thủ đô thì cả 5 tuyến phố này đều thuộc quận Hoàn Kiếm, đặc biệt các tuyến phố quanh hồ Gươm như Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Bảo Khánh, Hàng Hành... đều có mức giá trung bình trên 1 tỉ đồng/m2. Đặc biệt có một ngôi nhà mặt phố Đinh Tiên Hoàng đang được rao bán với giá 593 tỉ đồng cho diện tích 415 m2.

Cũng theo công ty này, bất động sản ở phố Lê Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang có mức giá trung bình cao nhất Thủ đô, phổ biến ở mức 1,03 tỉ đồng/m2. Tiếp theo đó là phố Bảo Khánh ở mức tròn 1 tỉ đồng/m2.

Nằm cách phố Bảo Khánh và hồ Gươm chưa đầy 100m, bất động sản phố Hàng Hành có mức giá kém 1 chút, ở mức 960 triệu đồng/m2. Cả hai tuyến phố Bảo Khánh và Hàng Hành đều nổi tiếng bởi các khách sạn lớn chuyên phục vụ khách du lịch quốc tế đến Hà Nội.

Nhận định về giá đất mà Nhà nước áp dụng so với giá đất trên thị trường tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long chỉ rõ, một trong những nguyên tắc định giá đất là phải “phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường” (Điểm c, Khoản 1, Điều 112) nhưng trên thực tế thực hiện thì hầu như lại thoát ly khỏi giá cả thị trường.

Ông Long dẫn chứng, trên thực tế khung giá đất của Nhà nước chỉ bằng khoảng 20-30% khung giá đất thị trường. Tương tự như thế, khung giá đất cấp tỉnh cũng chỉ bằng từ 30 - 60% giá đất thị trường tại địa phương. Điều này đã dẫn đến bất cập khi thu hồi đất khiến người bị thu hồi đất thiệt thòi và không đồng thuận.

“Vì thế khi thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội, dự án công cộng... thì mặt bằng luôn là một trong những “điểm nghẽn” khiến các công trình chậm tiến độ” - TS Ngô Trí Long nhận xét.

Đức Trọng

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/ha-noi-tang-gia-dat-them-30-van-thap-so-voi-thuc-te-4482.html

In bài viết