06:39 | 12/11/2019

Thủ tướng: Đừng sợ dân giàu, Nhà nước không nên “ôm” dự án!

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, ngoại trừ những lĩnh vực “yết hầu” như tiền tệ, quốc phòng, an ninh thì tất cả phải “nhường chỗ” cho tư nhân tham gia. “Đừng sợ dân giàu các đồng chí ạ!” - người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Toàn cảnh Quốc hội thảo luận KT-XH và ngân sách nhà nước Khu vực kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng trong nền kinh tế Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân

Ngày 11/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc ban hành Luật PPP là cấp bách và là kết quả quá trình thay đổi tư duy của Đảng, Nhà nước.

Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, đã đến lúc vai trò của Nhà nước trong một số lĩnh vực cần phải thấp xuống, vai trò của tư nhân phải cao hơn.

“Tôi đi các địa phương, người dân bức xúc về thiếu vốn đầu tư, công trình, dự án từ to đến nhỏ. Các nước phát triển người ta đầu tư xong rồi, chỉ còn hưởng lợi thôi. Mình bây giờ vừa sản xuất kinh doanh, vừa đầu tư hạ tầng, hàng loạt vấn đề đặt ra” - Thủ tướng nói

thu tuong dung so dan giau nha nuoc khong nen om du an
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Nhận định nguồn lực trong dân còn rất lớn, nhưng Thủ tướng cho biết nếu không có pháp luật bảo vệ thì người dân không đầu tư. “Hiến pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền công dân rất lớn. Nhưng phải có luật pháp cụ thể, không có luật pháp thì làm sao người ta bỏ ra được?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Theo Thủ tướng, trong quy luật kinh tế, khi đầu tư theo hình thức công - tư thì cả Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân đều có lợi, thậm chí nhân dân có thể giàu có hơn.

“Đừng sợ dân giàu các đồng chí ạ! Bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư tư nhân để họ yên lòng là rất quan trọng. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cái chính nằm ở đây, thị trường phải được đặt ra đồng thời với thu hẹp khoảng cách…” - Thủ tướng lưu ý.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh về quan hệ đối tác công - tư: Trừ những việc mà Nhà nước phải nắm yết hầu của nền kinh tế như tiền tệ, quốc phòng, an ninh, còn lại tất cả Nhà nước và tư nhân cùng làm.

“Điện lực chẳng hạn, Nhà nước độc quyền truyền tải điện, làm đường dây. Nhiều người muốn làm, làm xong khấu hao trả lại cho họ, chứ anh độc quyền cả đầu tư thì làm sao được, EVN không có tiền, vay quá hạn mức rồi” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Nêu quan điểm rõ ràng về việc này, Thủ tướng tái khẳng định: “Chính phủ không nên ôm dự án, công trình, Nhà nước chỉ khuyến cáo những việc thật nguyên tắc. Nếu ôm hết từ A-Z thì làm sao được, tính thị trường là không để Nhà nước bảo lãnh hết”.

Thảo luận về Luật PPP, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Gốc phải có, Nhà nước không thể chuyển toàn bộ rủi ro của Nhà nước sang cho tư nhân trong khi nhiệm vụ công lại đòi hỏi đầu tư tư. Khi đó, tư nhân sẽ không chơi, không làm.

“Tất cả chúng ta có nhiều quyền nhưng nhà đầu tư có 1 quyền là chơi hay không chơi với mình. Làm sao ta phải thiết kế được 1 sân chơi bình đẳng, hấp dẫn, phải an toàn, ổn định thì nhà đầu tư mới sẵn sàng yên tâm bỏ tiền ra làm ăn với chúng ta. Chứ cái gì cũng có lợi cho Nhà nước, cái gì cũng chặt chẽ, thì nhà đầu tư sẽ sử dụng cái quyền duy nhất là không chơi với chúng ta nữa” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ.

Theo Dân trí

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/thu-tuong-dung-so-dan-giau-nha-nuoc-khong-nen-om-du-an-4550.html

In bài viết