15:07 | 15/11/2019

Cung cầu, nhập khẩu than: Thách thức và giải pháp

Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu các nguồn năng lượng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế đất nước. Trong đó, nguồn cung về than, nhất là than cho sản xuất điện có liên quan đến đảm bảo an ninh năng lượng (ANNL) Quốc gia không đáp ứng yêu cầu. Để có cái nhìn khái quát về vấn đề cung cầu, nhập khẩu than, bài báo cập nhật những thông tin mới về Quy hoạch phát triển năng lượng Việt Nam đến 2025, có xét đến 2035, Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam điều chỉnh và những vấn đề thách thức đang đặt ra cần sớm có lời giải để đảm bảo cho phát triển bền vững.
Ngành than, khoáng sản và công cuộc bảo vệ môi trường

1. Dự báo nhu cầu năng lượng sơ cấp

Theo số liệu cập nhật từ đề án "Quy hoạch phát triển năng lượng Việt Nam đến 2025, có xét đến 2035", nhu cầu năng lượng sơ cấp có một số thay đổi như sau:

Kịch bản phát triển năng lượng trong giai đoạn quy hoạch (Kịch bản đề xuất - KBĐX) là kịch bản dựa trên mức tăng trưởng GDP ở kịch bản cơ sở theo giai đoạn bình quân 2016 - 2035 ở mức 7%/năm kết hợp với kịch bản TKNL ở mức kinh tế với các mức tiết kiệm so với kịch bản cơ sở là 4,1% (2020), 5,9% (2025), 8,1% (2030) và 10,0% (2035) và kết hợp với mục tiêu giảm 15% CO2 vào năm 2030 so với kịch bản cơ sở.

cung cau nhap khau than thach thuc va giai phap
Tốc độ tăng trưởng năng lượng sơ cấp giai đoạn 2016÷2025 sẽ là 5,3%/năm.

Theo các chuyên gia, KBĐX đã tổng hợp hiệu ứng từ các chính sách, chương trình sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm của Nhà nước, các giả thiết về thay đổi công nghệ sử dụng năng lượng trong các ngành kinh tế và trong lĩnh vực dân dụng. Mặt khác, tiềm năng tiết kiệm được đánh giá và đưa vào các chương trình tính toán mô phỏng để đưa ra mức tiết kiệm có xét đến yếu tố kinh tế. Tham chiếu từ kịch bản nhu cầu năng lượng cơ sở, kịch bản về tiết kiệm năng lượng (TKNL) đã được xây dựng. KBĐX này là kết quả của việc đánh giá tương tác các yếu tố của các kịch bản của Quy hoạch và các khuyến nghị từ đánh giá Môi trường Chiến lược (ĐMC).

Bảng 1 - Tốc độ tăng trưởng GDP và nhu cầu năng lượng cuối cùng KBĐX

Chỉ tiêu

2016÷2020

2021÷2025

2026÷2030

2031÷2035

2016÷2025

2026÷2035

2016÷2035

GDP

6,7%

8,2%

7,2%

5,9%

7,5%

6,6%

7,0%

NCNL cuối cùng

5,3%

4,9%

4,8%

3,7%

5,1%

4,2%

4,7%

Hệ số đàn hồi

0,79

0.6

0.66

0,62

0,68

0,64

0,67

Ở KBĐX, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp (NLSC) sẽ tăng từ mức 80,7 MTOE năm 2015 lên 136,8 MTOE năm 2025 và 217,9 MTOE năm 2035. Tốc độ tăng trưởng NLSC giai đoạn 2016 - 2025 sẽ là 5,3%/năm sau đó giảm xuống mức 4,8%/năm ở giai đoạn 2026 - 2035. Tốc độ tăng cả giai đoạn 2016 - 2025 sẽ là 5,0%/năm. Trong các loại nhiên liệu hóa thạch, than sẽ có mức tăng cao nhất với tốc độ 7,9%/năm trong giai đoạn 2016 - 2025, sau đó đến khí tự nhiên và dầu với tốc độ tăng trưởng 5,7%/năm và 4,4%.

Về cơ cấu NLSC theo dạng nhiên liệu, than vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhưng sẽ có xu hướng ổn định tỷ trọng ở những năm sau của giai đoạn QH với tỷ lệ 37,3% năm 2025 và 38,4% năm 2035. Đây là một kết quả của việc áp dụng những chính sách các-bon thấp để thúc đẩy NLTT phát triển. Tỷ lệ thủy điện có mức giảm đáng kể, trong khi đó các loại xăng dầu chiếm tỷ trọng hơn 20 - 22% và khí TN chiếm khoảng 11 - 13% tổng NLSC.

Với KBĐX, tỷ lệ NLTT trong tổng cung NLSC có thể đạt mức 28% vào năm 2030, sau đó tăng lên mức 30,1% vào năm 2035. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với KB cơ sở, tuy nhiên, vẫn chưa đạt mục tiêu yêu cầu trong Chiến lược NLTT, do đó, vẫn cần những chính sách hỗ trợ mạnh để các giải pháp NLTT vào sớm hơn trong giai đoạn 2026 - 2035.

Bảng 2 - Cung cấp NLSC trong KB đề xuất (KTOE)

NL

2020

2025

2030

2035

Giai đoạn 2016-2025

Giai đoạn 2026-2035

Giai đoạn 2016-2035

Than

35,47

51,02

65,65

83,57

7,9%

5,1%

6,5%

Khí

10,66

15,78

23,02

24,36

5,7%

4,4%

5,1%

Dầu

22,11

29,79

37,96

44,27

4,4%

4,0%

4,2%

Thủy điện

18,81

19,89

20,23

20,57

2,5%

0,3%

1,4%

Điện nhập

0,03

0,04

0,04

0,06

12,2%

5,0%

8,5%

NLTT

17,69

20,32

29,03

45,08

3,7%

8,3%

6,0%

Tổng

104,77

136,84

175,93

217,90

5,3%

4,8%

5,0%

Nhiệt điện than công suất đặt đến năm 2020 là: 24.147 MW (chiếm 40% tổng công suất đặt) 2025: 45.362 MW (chiếm 47%); 2030: 50.162 MW (chiếm 39%) và 2035: 59.562 MW (chiếm 33% tổng công suất đặt), xem bảng 3.

Bảng 3 - Công suất điện toàn quốc theo KBĐX

Chỉ tiêu

2020

2025

2030

2035

1. Tổng nhu cầu, MW

39.166

57.819

81.290

106.188

2. Tổng công suất/đặt. MW

60.279

97.256

127.995

181.445

Trong đó:

2.1 Thuỷ điện + TĐ tích năng

18.221

20.411

20.711

22.211

Cơ cấu

30%

21%

16%

12%

2.2 NĐ than

24.147

45.362

50.162

59.562

Cơ cấu

40%

47%

39%

33%

2.3 NĐ khí+Dầu

8.216

13.578

22.828

28.078

Cơ cấu

14%

14%

18%

15%

2.4 TĐ nhỏ+NLTT

8.174

14.884

29.247

63.447

Cơ cấu

14%

15%

23%

35%

2.5 Nhập khẩu

1.522

3.022

5.048

8.148

Cơ cấu

3%

3%

4%

4%

3.Tổng công suất đặt (không gió và mặt trời)

56.450

89.017

108.393

128.743

4. Dự phòng (không gió và mặt trời)

17.284

31.197

27.102

22.555

5 Tỉ lệ dự phòng

44.1%

54.0%

33.3%

21.2%

2. Dự báo nhu cầu than

Dự báo nhu cầu sử dụng than trong nước theo phương pháp trực tiếp và phương pháp nội suy. Phương pháp trực tiếp được áp dụng để tính toán dự báo nhu cầu sử dụng than đối với các ngành đã có quy hoạch như điện, xi măng, thép, phân bón hóa chất...; phương pháp nội suy áp dụng để tính toán dự báo nhu cầu sử dụng than đối với các ngành chưa có quy hoạch hoặc không có số liệu về dự báo nhu cầu sử dụng than.

Nhu cầu cho các nhà máy điện dự báo trên cơ sở Kịch bản phát triển năng lượng đề xuất (KBĐX) trong Quy hoạch tổng thể năng lượng Việt Nam. Kết quả dự báo nhu cầu đã được cập nhật theo KBĐX so với Quy hoach phát triển ngành than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.

Nhu cầu than cho điện theo KBĐX với lịch huy động các dự án NMNĐ vào vận hành theo phụ tải điện được cập nhật đến năm 2020 là 60 triệu tấn, (giảm 4 triệu tấn so với QH 403); 2025 là 86 triệu tấn, (giảm 10 triệu tấn); 2030 là 119 triệu tấn (giảm 11 triệu tấn); năm 2035 là 127 triệu tấn. Nhu cầu than cho luyện kim, xi măng, phân bón hóa chất và các hộ khác về cơ bản tương tự như QH 403.

Theo dự báo trong Kịch bản thông thường của JEEI Outlook 2018 thì đến năm 2030 nhu cầu than bình quân đầu người của thế giới (TOE/người) là: 0,5; trong đó của Trung Quốc: 1,48; Nhật Bản: 0,93; Hàn Quốc:1,74; Đài Loan: 1,75; Malaixia: 0,86; Thái Lan: 0,35; Mỹ: 0,78; châu Đại Dương: 1,18. Như vậy, đến năm 2030 nhu cầu than của Việt Nam được dự báo tương đương khoảng 65,65 triệu TOE (tấn dầu tiêu chuẩn), bình quân đầu người khoảng 0,63 TOE/người (tương ứng với dân số khi đó được dự báo là 104 triệu người). So với bình quân đầu người của thế giới thì nhu cầu than của Việt Nam đến năm 2030 cao hơn, song so với nhiều nước trong khu vực thì vẫn còn thấp hơn nhiều, nhất là so với Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Đại Dương, Nhật Bản và một số nước giàu tài nguyên than.

Ngoài ra, việc khai thác than trong nước gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nếu không có giải pháp đồng bộ để tháo gỡ sẽ khó có thể đạt được mức sản lượng đề ra trong QH 403/2016, chẳng hạn sản lượng đề ra cho năm 2016 và 2017 là 41 - 44 triệu tấn nhưng thực tế chỉ đạt khoảng 38 triệu tấn, dẫn đến thiếu than cho đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và đòi hỏi sản lượng than nhập khẩu tăng lên. Nguyên nhân chính là do:

- Nguồn tài nguyên than có mức độ thăm dò còn rất hạn chế, độ tin cậy rất thấp, đặc biệt tại các vùng mỏ truyền thống đã có dấu hiệu sắp bước vào thời kỳ suy giảm. Tổng trữ lượng và tài nguyên chắc chắn + tin cậy chỉ chiếm 7,23% tổng tài nguyên than. Trong khi đó, việc đầu tư thăm dò nâng cấp trữ lượng có nhiều rào cản từ việc cấp phép, tới chồng lấn quy hoạch nên thực hiện chậm so với tiến độ đề ra trong QH 403/2016.

- Hiện nay phần trữ lượng than có điều kiện khai thác thuận lợi đã cạn kiệt, hầu hết các mỏ than đều khai thác xuống sâu và đi xa hơn nên mức độ nguy hiểm và rủi ro ngày càng tăng, theo đó chi phí đầu tư và giá thành than ngày càng tăng cao. Ngoài ra, chính sách thuế, phí đối với than tăng cao cũng làm cho giá thành than được đà tăng vọt. Theo tính toán trong QH than 403/2016 thì giá thành than bình quân toàn ngành đến năm 2020 (ngàn đồng/tấn theo mặt bằng giá tại thời điểm năm 2015): 1.611; năm 2025: 1.718; năm 2030: 1.918. Nếu tính thêm thuế tài nguyên than từ 1/7/2016 tăng thêm 3% so với trước thì còn cao hơn nữa và cao hơn giá bán than bình quân thực tế của TKV (năm 2015: 1.522 ngàn và năm 2016: 1.471 ngàn).

- Thời gian tới chuyển sang khai thác hầm lò là chủ yếu. Đây là loại hoạt động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nhiều rủi ro, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tính mạng của người lao động, gây ra nhiều bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động, cho nên rất khó thu hút lao động, trong khi thời gian đào tạo công nhân hầm lò tương đối dài (2 - 3 năm).

- Chính sách, pháp luật của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh than và tiêu thụ, sử dụng than còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa phù hợp với kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước gắn liền với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhất là chính sách thuế, phí ngày càng tăng cao theo hướng tận thu tài chính cho ngân sách, đi ngược lại với chính sách khuyến khích khai thác tận thu tối đa, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên than được coi là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nhu cầu cho các nhà máy điện dự báo trên cơ sở KBĐX trong Quy hoạch tổng thể năng lượng Việt Nam (Bảng 4). Kết quả dự báo nhu cầu đã được cập nhật theo KBĐX so với nhu cầu của QH403 như sau:

Bảng 4 - Tổng hợp dự báo nhu cầu sử dụng than trong nước (triệu tấn)

TT

Danh mục

Năm

2019

2020

2025

2030

2035

A

Nhiệt điện

52,547

59,470

86,008

119,368

127,502

B

Xi măng

5,180

5,719

6,604

6,676

6,676

C

Luyện kim

4,433

5,276

7,189

7,189

7,189

D

Phân bón, hóa chất

5,023

5,023

5,023

5,023

5,023

F

Các hộ khác

5,628

5,796

6,092

6,403

6,729

Tổng cộng

72,810

81,285

110,916

144,658

153,119

Nhu cầu than sử dụng trong nước dự báo giảm khoảng 4÷12 triệu tấn/năm so với QH403, cụ thể 2020: 81,285/86,361 triệu tấn (giảm 5 triệu tấn); 2025: 110,916/121,476 triệu tấn (giảm 10,5 triệu tấn); 2030: 144,658/156,631 triệu tấn (giảm 12 triệu tấn).

Nhu cầu than cho điện theo KBĐX với lịch huy động các dự án NMNĐ vào vận hành theo phụ tải điện được cập nhật đến năm 2020 là 59,5/64 triệu tấn giảm 4,5 triệu tấn so với QH403; 2025 là 86/96,5 triệu tấn giảm 10,5 triệu tấn; 2030 là 119/131 triệu tấn giảm 12 triệu tấn; năm 2035: 127 triệu tấn.

Nhu cầu cho xi măng điều chỉnh giảm từ 0,1÷0,3 triệu tấn, thì lại điều chỉnh tăng cho nhu cầu các hộ khác từ 0,1÷0,3 triệu tấn và nhu cầu cho luyện kim, phân đạm, hóa chất tương tư như QH403.

3. Nguồn cung sản xuất than trong nước

Trên cơ sở lịch khai thác được lập theo QH403 rà soát và xem xét huy động sản lượng tới 2035 cho đồng bộ với KBĐX qua đó xác định được sản lượng than nguyên khai toàn ngành và than tương phẩm toàn ngành ở Bảng 5.

Bảng 5 - Sản lượng than nguyên khai toàn ngành

(Đồng Vông - Uông Thượng tính từ năm 2021 - tổng hợp)

TT

Danh mục

Năm

2019

2020

2025

2030

2035

I

THAN NGUYÊN KHAI TOÀN NGÀNH

50 200

50 712

55 788

59 930

61 872

A

TẬP ĐOÀN TKV

40 000

40 000

43 088

44 440

46 175

B

TCT ĐÔNG BẮC

6 950

7 442

6 380

5 700

4 450

C

CÁC MỎ MỚI BỂ ĐÔNG BẮC

1 750

4 200

4 200

D

CÁC MỎ KHÁC, THAN BÙN, ĐỊA PHƯƠNG

2 600

2 620

4 540

4 090

4 047

E

BỂ THAN SÔNG HỒNG

30

1 500

3 000

II

THAN THƯƠNG PHẨM TOÀN NGÀNH

43 291

44 313

49 415

53 130

54 795

Qua lịch bố trí sản lượng cho thấy, các khoáng sàng than có tiềm năng đã bố trí các mỏ với công suất phù hợp kể cả những vùng trắng và trống ở bể than Đông Bắc chưa tiến hành thăm dò tài nguyên. Đây là sản lượng tối đa ngành than có thể huy động với mục tiêu phát triển bền vững với điều kiện TKV & TCT Đông Bắc được cấp phép, thăm dò và cấp phép khai thác đúng tiến độ theo quy hoạch; doanh nghiệp đảm bảo áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, huy động đủ vốn đầu tư phát triển mỏ và được hỗ trợ về cơ chế chính sách, thuế phí hợp lý... để phát triển. Trên cơ sở sản lượng quy hoạch của từng khoáng sàng, từng mỏ qua các qua các sàng mỏ và nhà máy sàng tuyển khu vực thu được than thương phẩm.

Than thương phẩm sản xuất trong nước theo quy hoạch đã được cập nhật mới là nguồn cung có khả năng cân đối nhu cầu than trong nước (than thương phẩm không bao gồm than các mỏ than bùn địa phương, than ĐBSH/than thương phẩm toàn ngành) đạt 43/44 triệu tấn (2020); 46/49 triệu tấn (2025); 48/53 triệu tấn (2030) và 49/55 triệu tấn (2035), Bảng 6.

Bảng 6 - Tổng hợp nguồn cung than có thể đưa vào cân đối nhu cầu

(không bao gồm than các mỏ than bùn địa phương, than ĐBSH)

TT

Chủng loại than

Năm

2019

2020

2025

2030

2035

A

Than nguyên khai

48 050

48 562

52 758

55 430

55 872

B

Than thương phẩm

41 866

42 888

46 538

48 930

49 245

4. Cân đối cung cầu và nhu cầu nhập khẩu than

Việc cân đối than cho các hộ tiêu thụ trong nước được thực hiện theo nguyên tắc sau: Ưu tiên cấp tối đa than cho sản xuất điện (bao gồm các chủng loại than cám 4b, cám 5, cám 6, cám 7); Than còn lại cân đối cho các hộ theo thứ tự ưu tiên là phân bón, hóa chất, xi măng, các hộ khác. Riêng luyện kim sử dụng than cốc nên cân đối hết các nguồn than cốc trong nước sản xuất được cho luyện kim, còn thiếu sẽ nhập khẩu.

cung cau nhap khau than thach thuc va giai phap
Việt Nam phải nhập khẩu than cho sản xuất điện khoảng 25 triệu tấn vào năm 2020.

Kết quả cân đối than:

Căn cứ vào tổng lượng than cân đối và nguyên tắc cân đối than và kế hoạch phân phối than cho các hộ tiêu thụ xác định được khả năng cấp than và lượng than thiếu cho từng hộ, qua chi tiết ở bảng 8 cho thấy:

Trong tổng số than thương phẩm sản xuất, than đủ tiêu chuẩn để cấp cho sản xuất điện chiếm khoảng 80% (năm 2020 khoảng 35 triệu tấn, năm 2025: 36,3 triệu tấn, năm 2030: 39,8 triệu tấn và năm 2035: 39,5 triệu tấn).

Than trong nước chỉ đủ nguồn cung cho 17 NMNĐ sử dụng antraxit trong nước: Phả lại 1, 2; Uông Bí 1, MR 1&2; Ninh Bình; Na Dương Iⅈ Cao Ngạn; Cẩm Phả Iⅈ Sơn Động; Mạo Khê; Mông Dương I, II; Quảng Ninh I, II; Hải Phòng I, II; Nông Sơn và 12 NMNĐ sử dụng pha trộn antraxit trong nước và nhập khẩu: An Khánh I; Thái Bình I, II; Hải Dương; Nam Định I; An Khánh - Bắc Giang; Thăng Long; Vũng Ánh I; Nghi Sơn I; Vĩnh Tân I, II; Duyên Hải I.

Còn lại 28 NMNĐ phải sử dụng 100% than bitum, á bitum nhập khẩu: Hải Phòng III; Quảng Ninh III; Nghi Sơn II; Công Thanh; Vũng Áng II, III; Quảng Trách I, II; Quỳnh Lập I, II; Quảng Trị; Fonmosa-Hà Tĩnh; Hải Hà- Đồng Phát; Vĩnh Tân III; Duyên Hải II, III; Vân Phong I; Long Phú I, II, III; Sông Hậu I, II; Long An I, II; Vĩnh Tân IV; Fonmosa- miền Nam; Than miền Nam.

Kết quả tính toán cân đối cung - cầu cho thấy, Việt Nam phải nhập khẩu than cho sản xuất điện khoảng 25 triệu tấn vào năm 2020; 50 triệu tấn vào năm 2025 (các NMNĐ BOT tự thu xếp khoảng 25 triệu tấn); 80 triệu tấn vào năm 2030 (các NMNĐ BOT tự thu xếp khoảng 40 triệu tấn) và 88 triệu tấn vào năm 2035 (các NMNĐ BOT tự thu xếp khoảng 43 triệu tấn). Như vậy, từ năm 2020 trở đi, việc phát triển nhiệt điện than phụ thuộc nhiều vào nguồn than nhập khẩu.

* Phân bón, hóa chất: Từ năm 2019 trở đi than trong nước sẽ không cung ứng đủ cho ngành hoá chất. Khả năng đáp ứng than cho ngành hoá chất đạt trung bình khoảng 3,0¸3.4 triệu tấn/năm (chiếm 70% so với tổng nhu cầu than cho hoá chất, còn thiếu khoảng 1,6 - 2,0 triệu tấn).

* Xi măng: Từ năm 2019, trở đi sẽ thiếu than cho xi măng với khối lượng khoảng từ 3 đến 4,5 triệu tấn/năm, tương đương 65% so với tổng nhu cầu than cho xi măng;

* Luyện kim: Chủ yếu sử dụng than cốc - là chủng loại than trong nước sản xuất được rất hạn chế, không đủ để cung cấp. Ngành thép phải nhập khẩu than cốc để phục vụ sản xuất gang với khối lượng 4,0 tới 7,0 triệu tấn/năm. Trong những năm tới, khi nhu cầu cho sản xuất gang tăng cao, cần thiết phải tìm thị thường để nhập khẩu lâu dài.

* Các hộ khác: Nhu cầu sử dụng của các hộ khác chiếm tỷ trọng tương đối lớn. Khả năng cung cấp than cho các hộ khác chỉ đạt khoảng 1,0÷3,0 triệu tấn/năm. Do vậy, từ năm 2019 than cho các hộ khác sẽ thiếu khoảng 4,0 - 5,0 triệu tấn/năm, cần có cơ chế khuyến khích các hộ này chuyển sang sử dụng các dạng năng lượng khác.

Theo cân đối cung cầu than, than thiếu phải nhập cho các hộ chủ yếu là than cho xi măng (than cám 3, cám 4); luyện kim (than cốc); các hộ khác (nhiều chủng loại); điện (gồm than cám 5, cám 6, cám 7, than nhiệt);

Khối lượng than thiếu cho các hộ tiêu thụ được xác định theo từng chủng loại và từng miền để định hướng các cảng nhập và phương án nhập phù hợp. Theo đó, than nhập khẩu ở miền Bắc chủ yếu là than cho luyện kim, điện và các hộ khác; than nhập khẩu ở miền trung là than cho xi măng, luyện kim, các hộ khác và điện; than nhập khẩu ở miền Nam chủ yếu là than cho điện. Kết quả tổng hợp cân đối cung cầu theo các hộ cung ứng - sử dụng than và nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam thể hiện ở bảng 7.

Bảng 7 - Tổng hợp cân đối cung cầu và than nhập khẩu

TT

Danh mục

Năm

2019

2020

2025

2030

2035

A

Than thương phẩm

41,866

42,888

46,538

48,930

49,245

B

Tổng nhu cầu

72,810

81,285

110,916

144,658

153,119

Cân đối than cho các hộ tiêu thụ

1

Nhiệt điện

52,547

59,470

86,008

119,368

127,502

Khả năng cấp than

33,417

34,916

36,335

39,841

39,491

Thừa (+) thiếu (-)

-19,130

-24,554

-49,673

-79,527

-88,011

2

Phân bón, hóa chất

5,023

5,023

5,023

5,023

5,023

Khả năng cấp than

2,996

2,934

3,382

3,186

3,412

Thừa (+) thiếu (-)

-2,027

-2,089

-1,641

-1,837

-1,611

3

Xi măng

5,180

5,719

6,604

6,676

6,676

Khả năng cấp than

2,123

2,027

2,012

2,141

2,167

Thừa (+) thiếu (-)

-3,057

-3,692

-4,592

-4,535

-4,509

4

Luyện kim

4,433

5,276

7,189

7,189

7,189

Khả năng cấp than

163

181

226

64

64

Thừa (+) thiếu (-)

-4,270

-5,096

-6,963

-7,125

-7,125

5

Các hộ khác

5,628

5,796

6,092

6,403

6,729

Khả năng cấp than

1,117

780

2,533

1,648

2,056

Thừa (+) thiếu (-)

-4,510

-5,016

-3,559

-4,754

-4,673

C

Dự kiến xuất khẩu

2,050

2,050

2,050

2,050

2,055

D

Tổng than nhập

32,994

40,447

66,428

97,779

105,929

D1

Cho các hộ ngoài điện

13,864

15,893

16,755

18,251

17,918

D2

Cho điện

19,130

24,554

49,673

79,527

88,011

+

TKV+ĐB

9 383

9 309

10 171

23 677

19 457

+

EVN

8 460

9 259

6 476

7 393

4 122

+

PVN

4 724

6 730

10 981

7 802

+

BOT

21 974

28 930

33 675

+

IPP

1 286

1 262

2 356

2 973

5 075

+

Chưa xác định

1 965

5 573

17 880

1

Miền Bắc

1 583

2 258

4 893

14 341

18 315

2

Miền Trung

74

164

16 431

23 566

31 993

3

Miền Nam

17 473

22 132

28 349

41 620

37 703

(Nguồn: Quy hoạch và cấp than cho nhà máy điện - VIMCC)

Mặc dù khối lượng than nhập cho điện lớn (khoảng 88 triệu tấn năm 2035) nhưng các chủ đầu tư NMNĐ BOT tự chịu trách nhiệm nhập than tới 43 triệu tấn (chiếm tới 50% nhu cầu), các NMNĐ chủ yếu do các tập đoàn lớn làm chủ đầu tư như: PVN, EVN, TKV và một số công ty tư nhân hoặc/và một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. Các Tập đoàn PVN, EVN đều đã tự chủ động đi tìm nguồn cung cấp than cho các NMNĐ do mình làm chủ đầu tư. Một số Công ty tư nhân và một số đơn vị nước ngoài đều tự chủ động tìm kiếm nguồn cung cấp than cho mình, chỉ còn lại một số NMNĐ do TKV, một số NMNĐ của các doanh nghiệp khác hoặc doanh nghiệp nước ngoài làm chủ đầu tư có cam kết với TKV thì TKV sẽ thực hiện nhập khẩu để cung ứng than theo hợp đồng.

Thực tế Việt Nam đã chuyển từ một nước xuất khẩu than thành nước nhập khẩu than ròng. Theo số liệu thống kê (bảng 8) cho thấy, than xuất khẩu từ 24 triệu tấn (2009) nay giảm còn khoảng 2 - 3 triệu tấn/năm, than nhập khẩu tăng nhanh từ 2,3 triệu tấn (2013) lên 14,7 (2017) đến năm 2018 ước đạt 24,7 triệu tấn và sẽ tiếp tục tăng theo nhu cầu than nhập khẩu đã xác định.

Bảng 8 - Kim ngạch xuất nhập khẩu than giai đoạn 2013 - 2018

Năm

Xuất khẩu

Nhập khẩu

Lượng (triệu tấn)

Trị giá (tr.USD)

Lượng (triệu tấn)

Trị giá (tr.USD)

2013

12,801

914,089

2,271

264,156

2014

7,265

554,515

3,095

363,906

2015

1,747

185,073

6,927

547,458

2016

1,243

138,733

13,198

959,455

2017

2,228

287,120

14,677

1.534,094

2018

3,342

300,785

24,7 (*)

2.875,0 (*)

Nguồn: Cục CNTT & Thống kê Hải quan,Tổng cục Hải quan; (*) Ước tính

Các quốc gia xuất khẩu than vào Việt Nam lớn nhất qua các năm gồm 7 nước: Indonesia, Australia, Russia, China, Malaysia, South Africa, Canada. Các nước này có thị phần xuất khẩu vào Việt Nam chiếm tỷ trọng 95 - 99%. Chủng loại than nhập về Việt Nam trong những năm qua chủ yếu là than antraxit, than bitum, á bitum và than cốc cho ngành thép. Khối lượng than antraxit nhập khẩu không nhiều chủ yếu để phối trộn với than sản xuất trong nước.

5. Thách thức:

Trong cơ cấu huy động các nguồn năng lượng sẽ tác động tới nhu cầu than cho các NMNĐ. Khi nguồn thủy điện đã huy động tối đa, điện nguyên tử đã tạm dừng; nguồn thủy điện vừa và nhỏ đã cân đối nhằm hạn chế tác động tới môi trường; chương trình tiết kiệm và sử dụng hiệu quả điện năng đã được tính đến mức hợp lý thì ảnh hưởng tới nhu cầu điện than chỉ còn lại nguồn năng lượng tái tạo và nhiệt điện sử dụng dầu, khí và nhiên liệu hóa lỏng. Khi kịch bản dựa vào than nhập khẩu tiềm ẩn nguy cơ rủi ro thì cũng chỉ còn dựa vào nhiệt điện khí và khí hóa lỏng.

Mục tiêu phát triển bền vững ngành than với sản lượng đạt khoảng 42 - 55 triệu tấn than thương phẩm vào giai đoạn đến 2035, trong đó Tập đoàn TKV và TCT Đông Bắc vẫn giữ vai trò chủ đạo sản xuất trên 95% sản lượng than toàn quốc. Cơ hội phát triển có, nhưng thách thức phát triển gặp phải không nhỏ:

- Tổng tài nguyên - trữ lượng than Việt Nam theo QH403 là 48.878 triệu tấn. Trong đó: Trữ lượng, tài nguyên chắc chắn và tin cậy là 3.558 triệu tấn chiếm 7%; Tài nguyên dự tính và tài nguyên dự báo 45.499 triệu tấn chiếm tới 93%; Tài nguyên trữ lượng ở bể than đồng bằng sông Hồng lên tới 42,01 tỉ tấn chiếm tỉ trọng lớn 86% tổng tài nguyên trữ lượng, nhưng chỉ ở dạng tiềm năng. Điều kiện địa chất rất phức tạp, chưa có công nghệ khai thác phù hợp và điều kiện khai thác rất khó khăn, nên trong QH chỉ đề cập tới các dự án nghiên cứu thử nghiệm công nghệ và trong tương lai gần không thể huy động vào khai thác và cân đối cung cầu.

- Khu vực huy động chính của QH chỉ còn là bể than Đông Bắc có tổng tài nguyên-trữ lượng là 6.287 triệu tấn. Trong đó có một số khu vực hiện đang chưa được cấp phép thăm dò, tại các mỏ khu vực Bảo Đài khoảng 518 triệu tấn; 2.085 triệu tấn đang nằm phía dưới diện tích quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch rừng, quy hoạch vùng cấm, hạn chế khai thác khoáng sản; và khu vực tài nguyên - trữ lượng kém triển vọng 478 triệu tấn. Như vậy, trong trường hợp không được phép thăm dò, khai thác các mỏ khu Bảo Đài và không huy động phần tài nguyên than dưới các khu vực tỉnh Quảng Ninh thực hiện QHXD vùng, tài nguyên trữ lượng than của bể than Đông Bắc chỉ có thể huy động vào quy hoạch là 3.206 triệu tấn, khoảng 51% tổng tài nguyên trữ lượng của bể than Đông Bắc. Với sản lượng huy động theo QH thì còn khai thác khoảng 35 - 40 năm sẽ cạn kiệt.

- Nhu cầu vốn đầu tư lớn cho thăm dò, khai thác, sàng tuyển chế biến và cơ sở hạ tầng, thời gian đầu tư mỏ kéo dài từ 6 - 8 năm (tùy theo công suất mỏ lộ thiên hay hầm lò), quá trình đầu tư xây dựng và khai thác có nhiều rủi ro về biến động trữ lượng, sản lượng, chất lượng than, điều kiện mỏ - địa chất khai thác, thời tiết, v.v. so với thiết kế và kế hoạch. Điều kiện địa chất mỏ phức tạp, biến động lớn, nhiều phay phá, yêu cầu bảo vệ môi trường chặt chẽ, khai thác ngày càng xuống xuống sâu, gia tăng chi phí; Do đó không thể gia tăng sản lượng đột biến và để đầu tư phát triển bền vững liên quan tới đảm bảo an ninh năng lượng yêu cầu phải có nhu cầu ổn định và cam kết tiêu thụ lâu dài.

- Công nghệ khai thác và chế biến ở mức hạn chế, điều kiện hạ tầng và hậu cần phục vụ cho sản xuất kinh doanh nhất là nhập khẩu còn thiếu. Thiếu vốn để đầu tư phát triển mỏ, thiếu công nghệ và kỹ thuật quản lý hiện đại, kể cả khai thác và chế biến. Thiếu vốn đầu tư khai thác than ở nước ngoài để có nguồn than nhập khẩu ổn định, đầu tư hạ tầng & hậu cần (logistics) cho nhập khẩu than. Sử dụng nhiều lao động nhất là trong các khâu phục vụ phụ trợ, năng suất lao động thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Khả năng sản xuất than thương phẩm của ngành than từ nay đến năm 2035 tăng không nhiều, đạt khoảng từ 42 - 50 triệu tấn/năm. Trong khi đó, nhu cầu than của các hộ ngày càng tăng cao vượt xa khả năng cung cấp của ngành than, đặc biệt là nhiệt điện (52 - 128 triệu tấn/năm). Do vậy, việc nhập khẩu than là tất yếu với nhu cầu rất cao 67 triệu tấn (2025); 98 triệu tấn (2030) và 106 triệu tấn (2035). Do đó phải có chiến lược nhập khẩu và phải triển khai quyết liệt ngay để đảm bảo nhập khẩu than với khối lượng lớn trong thời gian dài. Đồng thời, cũng phải nghiên cứu giải pháp, kịch bản nguồn năng lượng thay thế như nhiệt điện khí hoặc khí hóa lỏng… trong trường hợp than không nhập khẩu được với khối lượng lớn tới trên 100 triệu tấn.

Nhu cầu nhập khẩu than gồm nhiều chủng loại cho nhiều hộ tiêu thụ khác nhau và phân bố theo từng miền. Than nhập cho điện chủ yếu ở miền Nam và miền Trung, than nhập cho các hộ còn lại chủ yếu ở miền Bắc, miền Trung và một phần nhỏ ở miền Nam. Với nhu cầu nhập khẩu than như trên có thể việc nhập khẩu và vận chuyển than đến các hộ tiêu thụ rất phức tạp, cần có các định hướng, phương án cụ thể để tránh chồng chéo, tối ưu các phương án về logistic (hậu cần) và vận chuyển, đảm bảo hiệu quả.

6. Giải pháp:

Để phát triển bền vững ngành than cần nghiên cứu, áp dụng KHCN tiên tiến trong khai thác, chế biến than cũng như các hoạt động BVMT...; tăng cường hợp tác với các tổ chức và doanh nghiệp các nước để phát triển công nghệ khai thác, sử dụng than theo cách thức thân thiện với môi trường và an toàn, tìm kiếm nguồn cung cấp than dài hạn đảm bảo an ninh lượng cho Việt Nam.

Cần đổi mới chính sách về quản lý tài nguyên, khoáng sản theo nguyên tắc thị trường, hội nhập ngay từ việc cấp giấy phép để các doanh nghiệp mỏ chủ động trong vấn đề phát triển nguồn tài nguyên than. Cụ thể, đề nghị điều chỉnh một số điều trong Luật Khoáng sản liên quan tới cấp phép khai thác như: Cho phép khai thác sản lượng theo nhu cầu thị trường nhưng không vượt công suất thiết kế; điểu chỉnh chiến lược và quy hoạch than phù hợp với điều kiện thực tế; sửa đổi quy định vốn đối ứng bằng 30% tổng mức đầu tư, theo hướng quy mô đầu tư lớn thì tỉ lệ vốn đối ứng giảm xuống mức min là 15%; cấp phép khai thác xuống đáy tầng than để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động đầu tư thăm dò, khai thác than; tăng cường công tác kiểm soát tổn thất than trong khai thác...

Về đầu tư phát triển đề nghị Nhà nước bổ sung và hoàn thiện cơ sở pháp lý, văn bản dưới luật về quản lý tiêu chuẩn phân cấp cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh than có một môi trường đầu tư thuận lợi, kể cả nước ngoài và trong nước. Cần có chính sách hỗ trợ đầu tư thăm dò than một cách thích hợp để đảm bảo nguồn trữ lượng tài nguyên cho phát triển các dự án khai thác than theo Quy hoạch; hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng & hậu cần (logistics) phục vụ nhập khẩu than và thị trường than.

Cần có một cơ chế, chính sách đặc thù đối với các đối tượng làm nghề nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm như công nhân hầm lò về tiền lương, bảo hiểm, thâm niên, nhà ở.

Cần có cơ chế, chính sách bình đẳng giữa than nhập khẩu và than trong nước theo thông lệ quốc tế và theo giá quốc tế. Cơ chế mua bán than nói chung và than cho các hộ sử dụng than trọng điểm nói riêng, nhất là than cho sản xuất điện thông qua hợp đồng kinh tế, cụ thể: Đối với than cung ứng liên quan tới an ninh năng lượng, thực hiện cam kết bằng hợp đồng kinh tế dài hạn cung cấp cho các nhà máy phát điện ổn định ở mức khoảng đến 90% nhu cầu của các nhà máy phát điện (đối với than trong nước) và ở mức khoảng 60% nhu cầu của các nhà máy phát điện (đối với than nhập khẩu); nhu cầu còn lại, thực hiện theo phương thức đấu thầu cạnh tranh/hoặc thỏa thuận và ký kết hợp đồng trung và ngắn hạn tương tự như các đối tượng người mua khác (hộ sử dụng than khác) với giá cả theo thị trường và thực hiện niêm yết than trên các sàn giao dịch hàng hoá.

Cần có chiến lược nhập khẩu than và đưa quy hoạch cảng nhập khẩu than vào quy hoạch cảng biển quốc gia. Để có nguồn than nhập khẩu ổn định theo kinh nghiệm của các nước nhập khẩu than như Nhật, Hàn Quốc... phải đảm bảo 50% nhu cầu nhập từ nguồn than đầu tư mua mỏ ở nước ngoài, nhưng đây là dạng đầu tư mạo hiểm và nhiều rủi ro cần có sự hỗ trợ thích đáng của Chính phủ thông qua các hình thức thích hợp từ cơ chế chính sách, hỗ trợ đầu tư, hợp tác quốc tế, đường lối ngoại giao năng lượng...

Pha trộn than là giải pháp đảm bảo nguồn cung ứng than cho điện bao gồm cả than sản xuất trong nước và than nhập khẩu. Để cung ứng cho các NMNĐ sử dụng antraxit: Pha trộn atraxit trong nước với (khoảng 30 - 40%) antraxit, bán antraxit và/hoặc than nhiệt năng chất bốc thấp được nhập khẩu từ Nga, Úc, Nam Phi và áp dụng thử nghiệm pha trộn antraxit với than bitum hoặc á bitum nhập khẩu theo tỉ lệ khoảng từ 10% đến 25% than nhập khẩu và 90% đến 75% than antraxit Việt Nam; Để cung ứng cho các NMNĐ sử dụng than nhập khẩu pha trộn đạt hiệu quả tối ưu là 30% than bitum và 70% (tối đa) than á bitum. Ngoài ra cần có chính sách sử dụng than tiết kiệm than, tận thu nguồn than chất lượng thấp (nhiệt trị thấp, độ tro cao) đưa vào sử dụng hoặc chuyển sang sử dụng loại than chất lượng thấp hơn. Cụ thể như: than cho sản xuất điện chủ yếu sử dụng than cám 5 và cám 4 sang sử dụng than cám 6, cám 7; sản xuất xi măng sử dụng than cám 3 và 4 sang pha trộn thêm than cám 5; sản xuất phân bón sử dụng than TCN và TCCS, các hộ sử dụng khác như than cho sản xuất vật liệu xây dựng, chất đốt, sinh hoạt chuyển sang sử dụng các dạng năng lượng khác để dành than cho sản xuất điện;

Về chính sách thuế: Đề nghị Nhà nước xem xét gộp thuế tài nguyên và thu tiền cấp quyền khai thác mỏ khoáng sản và xem xét giảm thuế tài nguyên xuống mức ngang bằng các nước trong khu vực và giá tính thuế tài nguyên là giá FOB của từng chủng loại than trừ chi phí sàng tuyển và vận chuyển từ mỏ ra cảng, để than Việt Nam có khả năng cạnh tranh với than nhập khẩu và khuyến khích khai thác tận thu tài nguyên.

TS. Nguyễn Tiến Chỉnh - Hội Khoa học Công nghệ Mỏ Việt Nam

Tài liệu Hội thảo “Bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến, sử dụng than, khoáng sản và dầu khí”

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/cung-cau-nhap-khau-than-thach-thuc-va-giai-phap-4681.html

In bài viết