10:22 | 21/11/2019

Thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững vùng miền Trung

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 19/11/2019 về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng miền Trung.
Thủ tướng: Miền Trung phải thực sự là "đất lành, chim đậu"

Vùng miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) được gắn kết bởi 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với chiều dài bờ biển lên tới 1.900km, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển; kết cấu hạ tầng lớn được quan tâm đầu tư một cách căn bản với 9 sân bay, trong đó 5 sân bay quốc tế; 14 nhóm cảng biển nước sâu, trong đó 8 cảng biển tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực và có 11/17 khu kinh tế ven biển của cả nước.

Vùng miền Trung đã thu được nhiều kết quả quan trọng như tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân toàn vùng giai đoạn 2016-2018 đạt khoảng 7,62%/năm, tỉ trọng đóng góp vào GDP của cả nước năm 2018 đạt 19,28%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tăng tỉ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp, thu ngân sách nhà nước của các địa phương trong vùng đều đạt và vượt dự toán các năm trong giai đoạn 2016-2018, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được hoàn thiện, phát triển kinh tế biển được quan tâm, các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo và xóa đói giảm nghèo trong Vùng đều được chú trọng.

thuc day tang truong phat trien ben vung vung mien trung
4 mục tiêu - 3 giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng miền Trung.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Vùng miền Trung phát huy hết tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững, Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị các bộ, ngành, các địa phương trong Vùng miền Trung tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đạt 4 mục tiêu chính thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng miền Trung.

Bốn mục tiêu

1- Vận dụng chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 vào năm trụ cột kinh tế: (1) Ngư nghiệp, tập trung vào đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản; (2) Du lịch, đặc biệt là du lịch biển, đảo và khai thác thế mạnh du lịch của Vùng; (3) Cảng biển và các dịch vụ logistics; (4) Phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển; (5) Năng lượng tái tạo: điện gió, điện mặt trời và nghiên cứu các dạng năng lượng khác.

2- Quan tâm và tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về liên kết vùng và thể chế phát triển vùng, cơ chế điều phối hoạt động của Vùng đủ mạnh, trong đó tập trung xây dựng quy hoạch Vùng mang tính chất đột phá, khơi dậy lợi thế tiềm năng của địa phương, phân bổ nguồn lực hợp lý, xây dựng thể chế thuận lợi cho phát triển Vùng. Tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng và nội vùng.

3- Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phát triển, tập trung vào các ngành có lợi thế của vùng như cảng biển, sân bay, khu kinh tế, khu du lịch, đô thị ven biển, cảng cá, nuôi trồng thủy sản, các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch gắn với biển, du lịch lịch sử, văn hóa, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, di sản thiên nhiên,…

4- Tăng cường bảo vệ, phát triển trồng rừng, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, nhất là nước biển dâng và xâm nhập mặn. Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển, tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương.

Ba giải pháp trọng tâm

Để đạt được những mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương liên quan phải thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về: 1- Cơ chế, chính sách; 2- Liên kết các ngành, lĩnh vực; 3- Nguồn lực. Cụ thể:

Về cơ chế, chính sách: Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để tạo điều kiện cho Vùng miền Trung, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển bền vững; nghiên cứu hoàn thiện cơ chế điều phối Vùng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của Luật Quy hoạch...

Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021-2030; Hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, nghiên cứu đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển; giải quyết các điểm nghẽn về quản lý đất đai.

UBND các tỉnh, thành phố trong vùng cần coi trọng việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước hằng năm và Nghị quyết số 02/NQ-CP là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để quyết liệt triển khai thực hiện; xác định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước, kinh tế hợp tác xã để quan tâm thúc đẩy phát triển; chủ động rà soát, thực hiện các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; khơi dậy khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn vùng và từng địa phương; đổi mới tư duy, phát huy tinh thần tự lực, tự cường và xác định các yếu tố bứt phá để phấn đấu vươn lên, phát triển nhanh, bền vững; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân phù hợp với từng giai đoạn phát triển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai, hạn hán; bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; tiếp tục bảo vệ rừng, tăng cường phát triển trồng rừng để độ che phủ rừng miền Trung đứng đầu cả nước.

Về liên kết ngành, lĩnh vực: Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải có giải pháp để khai thác hiệu quả các cảng biển, sân bay sẵn có, có phương án đầu tư hoàn thành hệ thống đường cao tốc trong khu vực, hệ thống đường ven biển và các tuyến đường trục ngang kết nối từ các tỉnh Duyên hải miền Trung lên Tây Nguyên; kết nối đường sắt hiện hữu với các cảng biển...

Bộ Công Thương ưu tiên phát triển mạng lưới trung tâm logistics của vùng, tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, gần nguồn cung cấp hàng hóa như khu công nghiệp, hệ thống cảng, gần khách hàng tiêu thụ; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố có tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, trong đó đánh giá tiềm năng, lợi thế của các tỉnh, thành phố vùng miền Trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nghiên cứu việc tái cơ cấu rừng, hình thành kinh tế rừng; định hướng nuôi trồng thủy sản, tăng cường chế biến, chuỗi giá trị sâu báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2019.

Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu hỗ trợ xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong trường đại học, doanh nghiệp, khu kinh tế, khu công nghiệp và các Khu đô thị khoa học trên địa bàn tỉnh, thành phố trong Vùng; tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao vào phát triển sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của Vùng trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, dược liệu, du lịch. Thủ tướng giao các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Giáo dục và Đào tạo; Lao động, thương binh và Xã hội nghiên cứu, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong Vùng về lĩnh vực của mình, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cùng Vùng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trong vùng miền Trung phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, thực hiện tốt các hoạt động điều phối liên kết; đồng thời tập trung xây dựng các đô thị ven biển hiện đại, có điều kiện và lợi thế làm hạt nhân lan tỏa thúc đẩy phát triển và trở thành các trung tâm kinh tế của từng tiểu vùng; tăng cường liên kết vùng, tiểu vùng và liên kết giữa các tỉnh miền Trung với Tây Nguyên, hợp tác cùng phát triển; đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng và cơ cấu ngành hợp lý; kiểm soát và khắc phục ô nhiễm mô trường, các nguồn gây ô nhiễm tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nặng, phải gắn kết và phát triển hài hòa công nghiệp hóa gắn với đô thị hóa.

Về nguồn lực: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền ưu tiên bố trí nguồn lực để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng cơ bản, đường ven biển và các công trình trọng điểm của vùng, các dự án khắc phục khô hạn, bảo vệ nguồn nước ngọt.

Bộ Tài chính chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu cơ chế thuế, phí, phân cấp quản lý cho các địa phương, tạo nguồn lực cho các địa phương trong vùng tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

Bộ Giao thông vận tải tập trung nguồn lực của Nhà nước để đầu tư, đồng bộ hóa hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm.

UBND các tỉnh, thành phố trong Vùng miền Trung làm tốt công tác thu hút, kêu gọi và định hướng đầu tư, có chính sách hỗ trợ theo các nhóm ngành ưu tiên phát triển trên mỗi địa bàn; đổi mới cơ chế, chính sách nhằm thu hút tối đa các nguồn lực tài chính từ các thành phố kinh tế; đẩy mạnh thu hút FDI phù hợp với quá trình hội nhập và có chọn lọc, các dự án có trình độ công nghệ cao, thân thiện môi trường, giải quyết nhiều việc làm, tăng thu nhập người dân; đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài.

Cùng với đó nghiên cứu phát triển các Khu kinh tế, Khu công nghệ cao, Khu công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị tăng cao, Khu công nghiệp sinh thái; đầu tư mở rộng các cảng hàng không, bao gồm cả các cảng hàng không quốc tế theo hướng tư nhân hóa, bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật hiện hành...

Quang Minh

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/thuc-day-tang-truong-phat-trien-ben-vung-vung-mien-trung-4827.html

In bài viết