15:30 | 21/11/2019

Ưu tiên phát triển năng lượng ít carbon

Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu vô cùng phức tạp như hiện nay, việc phát triển năng lượng xanh, bền vững, giảm phát thải khí nhà kính là xu hướng chung của thế giới...
Việt Nam - Hàn Quốc: Hợp tác phát triển mô hình tòa nhà tiết kiệm năng lượng
uu tien phat trien nang luong it carbon
Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 giảm từ 8 đến 10% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc.

Tại Hội nghị các đối tác về thực hiện Chương trình Năng lượng carbon thấp cho ASEAN tại Việt Nam, do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh tổ chức chiều 20/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, thể hiện trong các chính sách năng lượng quốc gia như các quy hoạch, chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và nhiều cơ chế, chính sách mới thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, đã tạo tiền đề phát triển ngành năng lượng Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh, phát thải carbon thấp.

Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế những năm gần đây và dự báo nhu cầu tăng trưởng trong thời gian tới đã tạo sức ép lớn đối với nguồn cung năng lượng quốc gia trong ngắn hạn. Nếu không có những giải pháp căn cơ thì trong trung và dài hạn tình hình năng lượng quốc gia có thể gặp nhiều khó khăn.

"Việc đảm bảo nguồn cung năng lượng là nhiệm vụ cấp bách của mỗi quốc gia, nhưng việc nâng cao chất lượng sử dụng năng lượng lại là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, đem lại hiệu quả cả về kinh tế, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững" - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Việt Nam đã sớm triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả từ năm 2006 đến 2015. Theo đánh giá của Chương trình cho giai đoạn 2006-2010, Việt Nam đã tiết kiệm được 3,4% nhu cầu năng lượng, tương đương với 4,9 triệu tấn dầu quy đổi, và mức tiết kiệm đã tăng lên 5,65% tương đương với 11,2 triệu tấn dầu quy đổi cho giai đoạn 2012-2015. Chương trình đã đem lại những kết quả rất tích cực trong việc hình thành hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn về tiết kiệm năng lượng, mức tiêu hao năng lượng của các ngành công nghiệp giảm rõ rệt như thép, xi măng, dệt may, hóa chất…

Để đáp ứng nhu cầu và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng đã tiếp tục tổ chức và triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 với các mục tiêu đến năm 2025 giảm 5-7% và đến năm 2030 giảm từ 8 đến 10% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc.

Chương trình Năng lượng carbon thấp 2019-2022 (LCEP) của Vương quốc Anh dành cho ASEAN là chương trình hỗ trợ thuộc Quỹ Thịnh vượng của Vương quốc Anh, nhằm giúp các nước ASEAN khai thác lợi ích từ việc triển khai năng lượng carbon thấp thông qua hỗ trợ kỹ thuật của Vương Quốc Anh về Tài chính xanh và sử dụng năng lượng hiệu quả. Carbon Trust là đối tác thực hiện hỗ trợ kỹ thuật cho hợp phần sử dụng năng lượng hiệu quả.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, các nội dung của Chương trình LCEP dự kiến hỗ trợ cho Việt Nam rất hữu ích và phù hợp với nhu cầu, các nhiệm vụ của chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Để đạt được các mục tiêu, chương trình cần có sự quan tâm, đồng hành của toàn xã hội; sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ, các đối tác phát triển...

LCEP được thực hiện từ tháng 10/2019 – 3/2022, gồm: Hỗ trợ các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu và tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng cao cho các động cơ điện; thúc đẩy xây dựng các mục tiêu về hiệu quả năng lượng và các chương trình thực hiện của công ty trong ngành đồ uống và thực phẩm, thông qua áp dụng Hệ thống quản lý năng lượng; hỗ trợ tạo nên một thị trường cho các công ty dịch vụ năng lượng thực hiện các dự án hiệu quả năng lượng chi trả qua tiết kiệm năng lượng trong các cơ quan chính phủ; hỗ trợ Bộ Công Thương thực hiện Dự án đề xuất của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP 3); khảo sát phạm trù của quỹ hiệu quả năng lượng phù hợp, hoặc các công cụ giảm thiểu rủi ro có liên quan; xây dựng dự án thí điểm về hiệu quả năng lượng thực hiện trong ngành sản xuất xi măng hoặc thép chứng minh về các đầu tư có thể đi vay và có xếp hạng tín nhiệm IGA hoặc tài chính hóa theo dự án.

Thúy Hà

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/uu-tien-phat-trien-nang-luong-it-carbon-4840.html

In bài viết