14:23 | 28/11/2019

Tạo đột phá để Hải Phòng phát triển nhanh, bền vững

Ngày 26/11, Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hải Phòng đánh giá tác động và lập Quy hoạch thích ứng với BĐKH
tao dot pha de hai phong phat trien nhanh ben vung
Xây dựng Hải Phòng đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững.

Chương trình hành động nhằm thống nhất chỉ đạo xây dựng phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng với tốc độ nhanh, bền vững, trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; một động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững khu vực Đông Nam Á; tầm nhìn đến năm 2045, trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới. Phấn đấu xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025, đạt các tiêu chí đô thị loại I; là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ biển của cả nước; tỉ trọng đóng góp vào GDP của cả nước đạt khoảng 6,4%, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2018-2025 tối thiểu là 13%, GRDP bình quân/người đạt 14.740 USD. Giai đoạn 2026-2030 tỉ trọng đóng góp GDP cả nước đạt 8,2%; tốc độ tăng trưởng bình quân thấp nhất là 12,5%, GRDP bình quân/người đạt 29.900 USD.

Để đạt được các chỉ tiêu xây dựng thành phố Hải Phòng đã đề ra trong Nghị quyết, Chương trình hành động đã đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND thành phố Hải Phòng cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, yêu cầu phát triển mạnh các thành phần kinh tế, chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân thực sự thành một động lực quan trọng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của thành phố, đặc biệt trong ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế như chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, du lịch, thương mại, dịch vụ logistics, ngân hàng... Ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, công nghiệp có giá trị gia công cao.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhất để xây dựng và phát triển bền vững thành phố Hải Phòng, đó là tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng bảo đảm sự phát triển bền vững. Thời gian tới, thành phố Hải Phòng và các đơn vị liên quan cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể triển khai pháp luật về bảo vệ môi trường, đưa nội dung bảo vệ môi trường vào quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án,... theo hướng chủ động phòng ngừa và kiểm soát nguồn gây ô nhiễm tác động xấu đến môi trường; ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, vấn đề ô nhiễm rác thải, tài nguyên nước, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Nâng cao năng lực và hoạt động quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất thải tại thành phố và tại khu kinh tế, các khu công nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung thành phố, cải thiện chất lượng không khí ở đô thị và các khu công nghiệp, kiên quyết di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra xa khu dân cư hoặc loại bỏ các dự án sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm tới môi trường. Khuyến khích và có các biện pháp hỗ trợ các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố chuyển đổi từ khu công nghiệp thông thường sang khu công nghiệp sinh thái hoặc xây dựng mới các khu công nghiệp sinh thái nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, năng lượng, nâng cao tính cạnh tranh của khu công nghiệp trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý và bảo vệ nguồn nước, môi trường các lưu vực sông, xử lý ô nhiễm khu vực cửa biển; chú trọng bảo vệ đa dạng sinh học bảo tồn các khu vực rừng nguyên sinh, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà, Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ. Dự báo và xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2030; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu kí tượng thủy văn và giám sát biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, dự báo, cảnh báo về khí tượng thủy văn và ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về môi trường của các cấp quản lý và mọi người dân để cùng thực hiện tốt Chiến lược quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2020 vì sự phát triển bền vững.

10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng:

1- Quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực Nghị quyết;

2- Hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách;

3- Tăng cường thu hút vốn đầu tư phát triển, tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm;

4- Phát triển mạnh các thành phần kinh tế để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng, đặc biệt là trong các ngành kinh tế mũi nhọn;

5- Xây dựng, phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa;

6- Xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành trọng điểm phát triển khoa học - công nghệ biển của cả nước;

7- Gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 theo Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

8- Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng bảo đảm sự phát triển bền vững;

9- Gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội;

10- Tập trung chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; phát huy vai trò làm chủ nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở.

Thu Vân

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/tao-dot-pha-de-hai-phong-phat-trien-nhanh-ben-vung-4985.html

In bài viết