12:21 | 28/11/2019

Thực phẩm côn trùng: Cứu cánh cho an ninh lương thực và môi trường

Trong bối cảnh toàn cầu gặp hàng loạt vấn đề về môi trường và bùng nổ dân số, côn trùng có thể trở thành thực phẩm thế hệ mới với ưu điểm giàu dinh dưỡng, thân thiện với môi trường...
Đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện môi trường Ngăn ô nhiễm môi trường từ tàu biển Khí nén CNG - giải pháp giảm ô nhiễm môi trường

Nhiều người chưa biết rằng, côn trùng chính là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, kinh tế và có sẵn với số lượng lớn. Một số chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu gặp hàng loạt vấn đề về môi trường khi dân số tăng quá nhanh, thực phẩm từ sâu bọ có thể trở thành giải pháp hữu hiệu.

Đi tiên phong trong lĩnh vực này là start-up (công ty khởi nghiệp) Livin Farms có trụ sở tại Hong Kong; chuyên cung cấp nguồn thực phẩm thế hệ mới đảm bảo chất lượng cho các gia đình.

Thực phẩm côn trùng: Cứu cánh cho an ninh lương thực và môi trường
Sâu trở thành nguyên liệu đặc biệt cho món salad. Ảnh: Livin Farms.

Nhà thiết kế công nghiệp người Áo Katharina Unger đến từ Livin Farms là một tín đồ của thực phẩm từ côn trùng. Bà tâm đắc chia sẻ, sâu thực phẩm chứa nhiều protein như thịt bò, nhiều chất sơ như bông cải xanh, nhiều vitamin B12 hơn trứng và bền vững hơn rất nhiều so với các loại thực phẩm thông thường.

Bà chia sẻ với Eco Business: “Tôi ăn sâu hầu như mỗi ngày, trộn lẫn vào ngũ cốc trong bữa sáng, rắc lên salad, nấu thành thịt viên sốt cà chua… Nó có vị rất thơm ngon, kết cấu giòn, hương vị bùi như hạt dẻ.”

Bà Unger cùng chuyên gia người Áo khác là Julia Kaisinger thành lập Livin Farms vào năm ngoái. Đây cũng là công ty đầu tiên cung cấp trang trại thông minh đầu tiên trên thế giới nuôi côn trùng làm thực phẩm. Họ tin rằng, nó sẽ trở thành loại thực phẩm tiên tiến hàng đầu trong tương lai, không chỉ đảm bảo dinh dưỡng mà còn góp phần giảm bớt áp lực cho tài nguyên đất, nước và giảm phát thải carbon.

Thực phẩm côn trùng: Cứu cánh cho an ninh lương thực và môi trường
Sâu có mùi vị bùi như hạt dẻ. Ảnh: Livin Farms.

Nông nghiệp và phát quang trong lâm nghiệp hiện là hai nguyên nhân hàng đầu gây phát thải khí nhà kính trên thế giới hiện nay, chỉ sau sản xuất điện. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ước tính rằng, gần 2/3 lượng khí thải trong nông nghiệp đến từ chăn nuôi; cụ thể là từ chất thải của động vật, phân bón và quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi…

Và khi dân số thế giới đạt mốc 10 tỉ vào năm 2050, sản xuất nông nghiệp phải tăng 60%. Nếu không có biện pháp kiểm soát phù hợp, khí thải tăng sinh sẽ gây biến đổi khí hậu nghiêm trọng, dẫn đến mất mùa và bùng phát nạn đói toàn cầu.

Khi đó, thực phẩm từ côn trùng chính là giải pháp hữu hiệu. Tại một số nước châu Á và châu Phi, nhiều loài côn trùng như tằm, châu chấu, dế, giun bột,… là món ăn quen thuộc với người dân. Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, điều này vẫn còn rất xa lạ, thậm chí là kinh khủng.

Tuy khi lên đĩa không “sang chảnh” như các loại thịt thông thường khác, nhưng giá trị dinh dưỡng của côn trùng đã được khoa học chứng minh. FAO cho biết, có nhiều loài côn trùng thậm chí còn chứa nhiều protein động vật hơn sữa, thịt gà, lợn, bò…; bên cạnh đó là lượng axit amin, sắt, chất sơ… vượt trội.

Thực phẩm côn trùng: Cứu cánh cho an ninh lương thực và môi trường
Thiết bị The Hive đặc biệt của Livin Farms. Ảnh: Livin Farms.

Sản phẩm chủ lực hiện tại của Livin Farms là một loại thiết bị đặc biệt được gọi là The Hive, giúp nuôi trồng mealworm (hay còn gọi là sâu bột). Doanh nghiệp này đã dùng hình thức gây quỹ cộng đồng thông qua một chiến dịch online để gọi vốn.

Đến nay, công ty đã huy động được hơn 145.000 USD, với gần 1.000 khách hàng sở hữu chiếc máy nuôi sâu đặc biệt có giá 650 USD. Những ai chưa sẵn sàng mua máy có thể mua sâu đóng gói lẻ để dùng thử.

Máy nuôi trồng sâu của Livin Farms trông giống như những bộ ngăn kéo xếp trồng lên nhau, có thể nằm gọn trong bếp của mỗi gia đình từ thành thị tới nông thôn. Người nội trợ có thể chủ động nuôi trồng sâu của mình bằng cách sử dụng gói nhộng đi kèm với mỗi bộ máy. Với môi trường được thiết kế đặc biệt, nhộng sẽ trở thành bọ cánh cứng, sau đó đẻ trứng rồi nở ra sâu.

Thức ăn sử dụng khi nuôi sâu cũng rất thân thiện với môi trường, đó là các phế liệu từ nhà bếp như trái cây, rau củ quả… Khi sâu đủ lớn để “lên đĩa”, người nuôi chỉ cần ấn một nút là có thể thu hoạch dễ dàng. Tuỳ thuộc vào chế độ nuôi dưỡng, mỗi người có thể thu được từ 100 – 250gr sâu mỗi tuần.

Theo bà Unger, sự hấp dẫn của hệ thống nuôi trồng sâu này nằm ở ưu điểm hợp vệ sinh, chi phí bảo trì thấp, cho phép mọi người tận mắt chứng kiến quá trình phát triển của sâu và hoàn toàn yên tâm về nguồn thực phẩm tự sản xuất của mình.

Thực phẩm côn trùng: Cứu cánh cho an ninh lương thực và môi trường
Chiếc máy được mô phỏng trước với phần mềm đặc biêt. Ảnh: Livin Farms.

Để cho ra được thiết bị nuôi sâu hoàn chỉnh với hiệu quả tối ưu và thân thiện với môi trường như hiện nay, các chuyên gia đã mất cả một quá trình dài nghiên cứu kỹ lưỡng đặc điểm sinh học của sâu để điều khiển hành vi của chúng; và thử nghiệm nhiều lần đối với quá trình thu hoạch sâu, mô phỏng thông qua các phần mềm đặc biệt…

Sau đó, quá trình đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng cũng là một thách thức lớn, thuyết phục cư dân của các nước phát triển – vốn là thị trường tiềm năng, về lợi ích của việc sử dụng thực phẩm từ côn trùng.

Cho đến nay, hầu hết các khách hàng của Livin Farms đến từ Hoa Kỳ hoặc châu Âu, tiếp tục mở rộng ra thị trường châu Á.

Bà Unger chia sẻ: “Chắc chắn đây sẽ trở thành bước tiến lớn trong an ninh lương thực. Dù ở châu Á – khu vực vốn quen thuộc với việc ăn côn trùng, việc săn bắt chúng trong tự nhiên cũng không còn an toàn nữa do ô nhiễm môi trường. Vậy nên thiết bị của chúng tôi là rất cần thiết”.

Những người đứng đầu doanh nghiệp đang từng bước nâng thị trường của họ lên quy mô toàn cầu, phát triển một thương hiệu đại diện cho sự bền vững, tích cực với môi trường và mở ra phong trào ăn côn trùng trên khắp thế giới.

Diệu Anh

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/thuc-pham-con-trung-cuu-canh-cho-an-ninh-luong-thuc-va-moi-truong-4986.html

In bài viết