13:42 | 13/12/2019

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019, dự kiến vượt mốc 500 tỷ USD

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt khoảng 472 tỷ USD, dự kiến sẽ vượt mốc 500 tỷ USD trong tháng 12 năm 2019.
Kim ngạch xuất khẩu Nam Việt đạt 119,4 triệu USD 10 tháng đầu năm
tong kim ngach xuat nhap khau nam 2019 du kien vuot moc 500 ty usd
Kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ cán mốc 500 tỷ USD trong tháng 12/2019.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm đạt 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018; kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt khoảng 472 tỷ USD.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng; thương mại toàn cầu cũng giảm tốc, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung và vấn đề Brexit của Anh; xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước. Những yếu tố đó ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, gây không ít khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp. Kết quả này được đánh giá là tích cực khi xuất khẩu của nhiều nước trong khu vực tăng thấp hoặc giảm. Có được kết quả này là nhờ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, sự quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các Bộ, ngành, tạo ra những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cải cách trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu.

Đặc biệt, công tác quản lý điều hành hoạt động xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương tiếp tục được thực hiện có hiệu quả. Bộ đã đẩy mạnh mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thông qua các hoạt động đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 FTA, trong đó có 12 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đã và đang nỗ lực triển khai những công việc cần thiết để thực thi các Hiệp định và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi ích của các FTA như nội luật hóa các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết; nghiên cứu, đánh giá tác động của các FTA, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, v.v... Chính phủ và Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm đến công tác triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP; tuyên truyền, phổ biến các Hiệp định FTA đã thực thi khác và Hiệp định EVFTA; tháo gỡ rào cản kỹ thuật và thương mại; chủ động nắm bắt tình hình áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu để kịp thời thông tin cho các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp, đồng thời đấu tranh có hiệu quả đối với các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại bất hợp lý. Bên cạnh đó là tích cực phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xuất khẩu, giữ vững và phát triển thị trường trong nước.

Có thể thấy, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2020 sẽ còn phải đối diện với các khó khăn, thách thức. Bộ Công Thương cần tập trung các nguồn lực, tích cực triển khai các giải pháp để phấn đấu đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là tăng trưởng xuất khẩu đạt 7-8%.

Quang Minh

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/tong-kim-ngach-xuat-nhap-khau-nam-2019-du-kien-vuot-moc-500-ty-usd-5126.html

In bài viết