14:00 | 25/05/2019

TKV: Cơ giới hóa khai thác than và chống lò bằng vì neo tại các đơn vị khai thác than hầm lò

Những năm qua, các đơn vị trong Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc áp dụng công nghệ chống lò bằng vì neo tại các mỏ than hầm lò.
tkv co gioi hoa khai thac than va chong lo bang vi neo tai cac don vi khai thac than ham lo
TKV đã triển khai áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến trong việc khai thác than hầm lò.

Với mục tiêu giảm giá thành, tăng năng suất lao động và nâng cao mức độ an toàn cho người lao động, TKV đã triển khai áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến trong việc khai thác than hầm lò, như: sử dụng dàn mềm ZRY chống giữ tại các vỉa than dốc > 45°, các lò chợ cơ giới hóa đồng bộ với công suất 300 – 600 ngàn tấn/năm và 1,2 triệu tấn/năm; chuyển đổi dần vật liệu chống lò từ cột Thủy lực đơn + xà khớp và giá Thủy lực di động XDY sang chống giữ bằng sử dụng giá khung, giá xích.

Trước thực trạng sản xuất, khai thác tại các hầm lò, Tập đoàn TKV đã xác định, việc nghiên cứu công nghệ cơ giới hóa đồng bộ loại nhẹ, công suất 300 – 400 ngàn tấn/năm và các lò chợ giá khung sử dụng máy khấu công suất nhỏ để cơ giới hóa việc khai thác than ở các khu vực có trữ lượng ít, điều kiện địa chất không ổn định tại các mỏ hầm lò là cấp thiết; mặt khác, khắc phục được tình trạng thiếu lao động thợ lò trong những năm tới. Đây sẽ là một đổi mới tiếp theo trong công nghệ khai thác than hầm lò, do đó Tập đoàn chỉ đạo triển khai thực hiện áp dụng công nghệ chống lò bằng vì neo đối với các đơn vị sản xuất than, xây dựng mỏ nâng cao hơn nữa nhận thức cho toàn thể công nhân, cán bộ trong đơn vị về việc áp dụng công nghệ chống lò bằng vì neo trong khai thác mỏ hầm lò và coi đây là vấn đề tất yếu để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động trong quá trình vận chuyển vật liệu, thi công chống lò; thường xuyên tổ chức đào tạo, hướng dẫn, bổ sung kiến thức cho người cán bộ và công nhân; đặc biệt là chống lò bằng vì neo thép kết hợp với neo cáp cho đào lò trong than hoặc đất đá mềm yếu.

Bên cạnh đó là tiếp tục tìm các giải pháp để đẩy tốc độ đào lò, nâng cao năng suất lao động nhằm giảm giá thành đào chống lò; Tổ chức theo dõi, đánh giá các đường lò đã chống neo để điều chỉnh thiết kế, biện pháp thi công cho hợp lý với thực tế điều kiện thi công. Rà soát, cân đối, lựa chọn đồng bộ thiết bị thi công đáp ứng cho sản xuất và phù hợp với lộ trình tăng tỷ lệ mét lò chống neo hàng năm. Tăng cường các biện pháp kiểm tra chất lượng công tác chống lò như: sử dụng bộ rút thử tải vì neo, kiểm tra lực bám dính của neo, sử dụng các trạm quan trắc dịch động của đất đá bao quanh đường lò (sử dụng trạm đo chỉ thị mầu, sử dụng máy đo trắc địa,…), đặc biệt là các vật tư thanh neo, chất dẻo, các phụ kiện phải có nguồn gốc và có chứng chỉ đạt yêu cầu kỹ thuật, an toàn theo quy định.

Về việc triển khai áp dụng công nghệ cơ giới hóa khai thác than đối với các đơn vị khai thác, Tập đoàn yêu cầu các đơn vị sản xuất than hầm lò chủ động hoặc phối hợp với viện Khoa học công nghệ mỏ nghiên cứu, đánh giá khả năng áp dụng và lựa chọn loại hình công nghệ lò chợ giá khung + máy khấu công suất nhỏ hoặc cơ giới hóa hạng nhẹ phù hợp với điều kiện tại đơn vị; lập kế hoạch, chương trình triển khai áp dụng.

Mai Hoa

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/tkv-co-gioi-hoa-khai-thac-than-va-chong-lo-bang-vi-neo-tai-cac-don-vi-khai-thac-than-ham-lo-5201.html

In bài viết