12:33 | 25/12/2019

Giải quyết vấn nạn ô nhiễm không khí: Chuyện không của riêng ai

Dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, nguyên nhân nội sinh gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội chỉ chiếm 25-30%, còn lại 70-75% nguồn gây ô nhiễm xuất phát từ các tỉnh khác và nước khác.
Các giải pháp kiểm soát chất lượng môi trường không khí
giai quyet van nan o nhiem khong khi chuyen khong cua rieng ai
Đốt rác gây ô nhiễm không khí (Ảnh chụp tại Phố Vọng (Hà Nội) ngày 22/12). Ảnh: Nhật minh

75% nguồn gây ô nhiễm không khí Hà Nội đến từ nơi khác

Thời gian gần đây, ở nhiều thời điểm, các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí từ Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), trang thông tin điện tử và nền tảng các ứng dụng đo chất lượng không khí như PamAir, AirVisual, rất nhiều điểm quan trắc đã chuyển sang màu đỏ - ngưỡng cảnh báo có hại cho sức khỏe, thậm chí còn có một số điểm chuyển mày tím - ngưỡng cảnh báo rất có hại cho sức khỏe. Hà Nội và các khu vực lân cận ngày 24/12 ghi nhận mức sương mù dày đặc. Đến giữa trưa, trời có sáng hơn, sương mù giảm đi những vẫn Hà Nội vẫn mờ mịt, kéo theo đó là ô nhiễm bụi mịn được ghi nhận ở mức độ cao. Khu vực đồng bằng Bắc bộ thậm chí còn ô nhiễm hơn cả thủ đô Hà Nội, nhiều điểm tình trạng ô nhiễm khá nghiêm trọng như Từ Sơn (Bắc Ninh), thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên).

Tại buổi họp với các Bộ, ngành và TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh về các giải pháp cấp bách nhằm kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã chỉ rõ những nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh ngày càng nghiêm trọng hơn.

Một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được gọi là “Dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam” cho rằng, nguyên nhân nội sinh gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội chỉ chiếm 25-30%, còn lại 70-75% nguồn gây ô nhiễm xuất phát từ các tỉnh khác và nước khác.

Điều đó cho thấy, ô nhiễm không khí không còn là vấn đề của riêng Hà Nội mà là câu chuyện liên vùng, xa hơn, là câu chuyện xuyên biên giới khi chất ô nhiễm phát thải rất xa, nhất là bụi mịn PM 2.5.

giai quyet van nan o nhiem khong khi chuyen khong cua rieng ai
Hà Nội sẽ xử lý phương tiện làm rơi vãi vật liệu trên đường. (Nguồn ảnh: TTXVN)

6 giải pháp trước mắt, 4 giải pháp lâu dài

Trong chỉ đạo mới nhất về giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu: Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành địa phương đánh giá kết quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường không khí; Bộ Giao thông Vận tải thúc đẩy giải pháp giảm phát thải từ giao thông như thúc đẩy dùng năng lượng sạch, có biện pháp khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, đẩy mạnh vận tải hàng hóa đường bộ sang đường sắt và đường biển; Bộ Xây dựng đẩy mạnh kiểm tra, đánh giá việc bảo vệ môi trường các công trình xây dựng; Bộ Công thương tăng cường kiểm soát các nhà máy có phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như nhiệt điện than, thép, hóa chất, phân bón hóa học. Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu hai thành phố là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu, đánh giá toàn diện chất lượng môi trường không khí trên địa bàn, triển khai đồng bộ các giải pháp để hạn chế, giảm thiểu nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh, đặc biệt đẩy nhanh việc xây dựng kế hoach, lộ trình và thực hiện di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm có nguồn gốc phát thải cao ra khỏi khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung, thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc môi trường, hoàn thiện hệ thống cung cấp thông tin về môi trường làm cơ sở cảnh báo , khuyến cáo người dân về chất lượng môi trường không khí. UBND các tỉnh/thành phố kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh chất thải, nhất là từ các phương tiện giao thông vận tải hoạt động các ngành công nghiệp, xây dựng, dân sinh, đảm bảo phù hợp điều kiện địa phương; triển khai các giải pháp cụ thể khắc phục ô nhiễm không khí trên địa bàn trong đó chú trọng kiểm soát chặt chẽ bụi, khí thải.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường không khí diễn biến phức tạp, Bộ TN&MT cùng các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đã thống nhất 10 giải pháp cấp bách và lâu dài để kiểm soát, cải thiện môi trường trong thời gian tới.

Một là, UBND các tỉnh, thành phố cần ưu tiên bố trí ngay nguồn lực đầu tư, lắp đặt bổ sung hệ thống các trạm quan trắc môi trường để tăng các trạm quan trắc, bảo đảm cập nhật, cung cấp thông tin kịp thời về các chỉ số môi trường không khí. Bộ Y tế nghiên cứu, ban hành ngay khuyến cáo chính thức để người dân dự phòng, bảo vệ sức khỏe theo mức độ ô nhiễm môi trường không khí.

Hai là, các địa phương cần triển khai tổ chức và duy trì hoạt động phun nước rửa đường nhiều lần trong ngày tại các trục, tuyến đường giao thông chính của các đô thị; thu gom triệt để rác, bụi bẩn trên các trục, tuyến, giải phân cách đường giao thông.

Ba là, kiểm soát chặt chẽ yêu cầu bảo vệ môi trường của các công trình xây dựng.

Bốn là, xây dựng và triển khai kế hoạch hạn chế, không sử dụng bếp than tổ ong tiến tới kiên quyết cấm sử dụng toàn bộ than tổ ong làm nguyên liệu đốt từ năm 2021.

Năm là, các địa phương cần hỗ trợ các hộ dân sử dụng rơm rạ sau thu hoạch vào mục đích hiệu quả thay cho việc đốt không đúng quy định.

Sáu là, các thành phố cần thực hiện điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm môi trường.

Bảy là, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, đưa các điều khoản sửa đổi về bảo vệ môi trường không khí, giám sát, kiểm soát, đánh giá chất lượng môi trường không khí trong sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường; thiết lập các “hàng rào” kỹ thuật môi trường, tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới.

Tám là, đẩy mạnh lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện giao thông, áp dụng công cụ kinh tế để hạn chế việc sử dụng các phương tiện cũ, lạc hậu tại các khu vực đô thị.

Chín là, phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng, thân thiện môi trường, giảm phương tiện cá nhân, tiến tới loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.

Mười là, rà soát, đánh giá lại công tác quy hoạch tại các đô thị bảo đảm tính hợp lý, chú trọng quy hoạch cây xanh, mặt nước trong đô thị; trồng nhiều cây xanh tạo thành các vành đai xanh, khu phố xanh, thành phố xanh.

Thúy Hà

Đường dẫn bài viết: https://congnghiepmoitruong.vn/giai-quyet-van-nan-o-nhiem-khong-khi-chuyen-khong-cua-rieng-ai-5231.html

In bài viết